Thứ 6, 22/11/2024, 11:01[GMT+7]

EURO 2024: Giảm 90% lượng rác thải ở Fan Zone nhờ đồ đựng thức ăn tái sử dụng

Chủ nhật, 30/06/2024 | 17:00:16
1,273 lượt xem
Fan Zone tại cổng Brandenburg ở trung tâm Thủ đô Berlin có 60 quầy bán đồ ăn uống và bia, tất cả đều sử dụng đồ đựng tái sử dụng của nhà sản xuất Vytal, một công ty khởi nghiệp ở Cologne.

Cốc bia của Vytal với mã QR được sử dụng trong các Fan Zone của EURO 2024. (Ảnh: Vytal/TTXVN phát)

Ước tính có tới 70.000 cổ động viên đến khu vực dành cho người hâm mộ (Fan Zone) tại cổng Brandenburg ở trung tâm Thủ đô Berlin để cùng theo dõi các trận đấu ở vòng 1/8 của EURO 2024, tăng gấp đôi so với trước.

Tại Fan Zone này có 60 quầy bán đồ ăn uống và bia, tất cả đều sử dụng đồ đựng tái sử dụng của nhà sản xuất Vytal, một công ty khởi nghiệp ở Cologne (Köln).

Trước đây, Vytal chủ yếu cho các nhà hàng và căng tin thuê đồ đựng thức ăn và thìa dĩa tái sử dụng nhưng giờ đây, công ty bắt đầu có chiến lược mới nhắm tới các sự kiện lớn và thu hút các nhà đầu tư mới.

Cô Paulina Hübner làm việc cho Kulturprojekte Berlin, chịu trách nhiệm về các sự kiện ở Fan Zone và đảm bảo tính bền vững của sự kiện, cho biết: “Nhờ có Vytal và các khái niệm kinh tế tuần hoàn khác, lượng rác thải của sự kiện lần này chỉ bằng 1/15 lượng rác thải bình thường đối với các sự kiện quy mô lớn như vậy.”

Đồ đựng thức ăn của Vytal, ngoài việc có thể tái sử dụng, được làm bằng nhựa cách nhiệt không chứa BPA, còn được trang bị chip vô tuyến RFID và mã QR, giúp cho cốc và bát đĩa không còn phải đếm thủ công sau khi được trả lại hoặc rửa sạch.

Cô Hübner cho biết: “Điều này giúp tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí nhân sự. Đồ đựng thức ăn của Vytal nhận được nhiều phản hồi tích cực."

Vytal cũng cung cấp đồ đựng thức ăn tái sử dụng cho các Fan Zone chính thức của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) trước cửa toà nhà Quốc hội ở Berlin, ở Cologne (Köln) và Stuttgart. 

Công ty bắt đầu thâm nhập sâu vào lĩnh vực kinh doanh các sự kiện lớn và đã tham gia vào Liên hoan phim Berlinale, lễ hội tiếp thị trực tuyến OMR và sắp tới là Fan Zone của Ngôi nhà Đức ở Olympic Paris 2024.

Công ty khởi nghiệp này cũng vừa hoàn tất vòng gọi vốn mới trị giá 6,2 triệu euro và cho đến nay đã huy động được gần 18 triệu euro tiền vốn, từ các nhà đầu tư thường xuyên như Grazia Equity, Kiko Ventures và Rubio và những người sáng lập ra Lieferando và Flixbus. 

Một trong những nhà đầu tư mới của Vytal là Emerald Technologie Ventures với Quỹ Đổi mới Bao bì Bền vững.

Vytal được Tim Breker, Fabian Barthel và Sven Witthöft thành lập vào năm 2019. Họ nảy ra ý tưởng kinh doanh khi thường xuyên gọi đồ ăn giao đến và thấy khó chịu vì lượng rác thải bao bì quá nhiều. 

Theo Tổ chức Viện trợ Môi trường Đức (DUH), mỗi năm, 5,8 tỷ chiếc cốc, 4,5 tỷ hộp thực phẩm và 2,7 tỷ đĩa dùng một lần trở thành rác thải ở Đức, tương đương với 190.000 tấn chất thải tạo ra khí CO2 gây hại cho khí hậu.

Những người sáng lập Vytal đã phát triển đồ đựng thức ăn kỹ thuật số có thể tái sử dụng với mã QR, chip RFID, cho phép tương tác với người dùng. Hiện công ty đã có những hộp đựng pizza, sushi hay bánh mì kẹp thịt có thể sử dụng được 200 lần.

Đồ đựng thức ăn của Vytal được hơn 7.000 chủ nhà hàng, căng tin và quầy bán đồ ăn nhanh ở 17 quốc gia sử dụng, với những tên tuổi như KFC, Pizza Hut, Haferkater cũng như các dịch vụ giao hàng và các nhà cung cấp thực phẩm Eurest và Aramark. Họ trả cho Vytal từ 12 đến 30 xu cho mỗi lần sử dụng.

Người mua đồ ăn được miễn phí sử dụng hộp đựng. Họ chỉ cần nhập thông tin thanh toán vào ứng dụng Vytal và sử dụng nó để quét mã QR trên hộp đựng. Phí sẽ chỉ phát sinh khi họ không trả lại hộp đựng và sẽ được trừ trực tiếp theo thông tin thanh toán đã được cung cấp.

Các đối thủ cạnh tranh với Vytal thường thu tiền cọc bát đĩa đối với đồ tái sử dụng và khi người mua hàng trả lại đồ đựng, họ sẽ được lấy lại tiền cọc. 

Tuy nhiên, nhờ bát đĩa được theo dõi được bằng công nghệ số, Vytal biết chính xác đồ đựng thức ăn của mình hiện đang ở đâu. 

Cổ động viên Scotland theo dõi trận đấu Đức-Hungary tại Fan Zone Berlin. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

Theo Vytal, cho đến nay đồ đựng thức ăn tái sử dụng của công ty đã thay thế được cho khoảng 10 triệu bộ đồ ăn dùng một lần.

Vytal có kế hoạch phát triển mạnh từ năm 2023 khi các nhà hàng có quy mô nhất định có nghĩa vụ pháp lý phải sử dụng bao bì có thể tái sử dụng cho đồ ăn và đồ uống mang đi thay vì đồ dùng một lần như trước đây. 

Nhưng trên thực tế, mặc dù mạng lưới đối tác của Vytal tăng gấp ba lần trong năm 2023 nhưng số lượng sử dụng lại không tăng tương ứng, chủ yếu là do hầu như không có bất kỳ sự kiểm soát nào của chính quyền thành phố.

Thông qua các chuyến kiểm tra các chuỗi nhà hàng, DUH phát hiện ra nhiều hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp các sản phẩm có thể tái sử dụng.

Tổ chức môi trường này đã thắng kiện các chuỗi nhượng quyền lớn như Donkin Donuts. DUH muốn tăng cường kiểm tra và xử phạt các hành vi vi phạm đồng thời kêu gọi đánh thuế toàn quốc đối với đồ đựng thức ăn dùng một lần ít nhất là 20 cent euro mỗi chiếc.

Riêng thành phố Tübingen đã đi đầu trong việc thu 50 cent cho một bộ đồ ăn và bao bì dùng một lần và 20 cent cho dao dĩa dùng một lần kể từ năm 2022. Người bán đồ ăn, đồ uống sẽ phải trả khoản tiền này.

Theo Vytal, các sự kiện lớn là một hệ thống khép kín, phức tạp hơn nhiều so với việc cho các nhà hàng thuê đồ đựng thức ăn. 

Trong tương lai, Vytal muốn cung cấp đồ đựng thức ăn thân thiện với môi trường cho các sự kiện doanh nghiệp, rạp chiếu phim, vườn thú, khu vui chơi giải trí và lễ hội âm nhạc. Vytal muốn bắt đầu có lãi vào năm 2026. Năm nay, doanh thu dự kiến sẽ ở mức trên dưới 5 triệu euro, với 55 nhân viên.

Một thử nghiệm quan trọng đối với Vytal là lễ hội OMR ở Hamburg vào tháng Năm với gần 70.000 du khách. Khách thanh toán và được hoàn trả tiền đặt cọc bát đĩa hoàn toàn tự động, bằng vòng đeo tay có công nghệ không chạm NFC.

Cách làm này giảm đáng kể thời gian chờ đợi và không cần dùng tiền mặt. Nhân viên cũng không mất thời gian hoàn lại tiền đặt cọc vì đồ đựng thức ăn đã có chip RFID./. 

Theo Vietnam+