Thứ 7, 06/07/2024, 01:28[GMT+7]

'Tạo thuận lợi cho nhà khoa học thực hiện Chương trình công nghệ quốc gia'

Thứ 6, 05/07/2024 | 17:23:43
349 lượt xem
Bộ Khoa học và Công nghệ đang thực hiện tái cơ cấu Chương trình khoa học công nghệ quốc gia gắn với sửa đổi cơ chế chính sách, giúp thuận lợi hơn cho các nhà khoa học khi triển khai nhiệm vụ.

Thông tin được Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang nêu tại cuộc Họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ tổ chức chiều 4/7.

Việc tái cơ cấu các nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia được Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện với nhiều lý do, trong đó tập trung vào chương trình trọng tâm trọng điểm, có tính tác động lan tỏa với phát triển kinh tế xã hội đất nước trong bối cảnh nguồn lực có hạn.

Các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 được triển khai trong bối cảnh Chính phủ tiến hành nhiều đổi mới trong quản lý điều hành. "Mục đích điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tạo thuận lợi cho các nhà khoa học, doanh nghiệp trong việc triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ", Thứ trưởng Giang nhấn mạnh.

Tái cấu trúc chương trình khoa học công nghệ quốc gia gắn với sửa đổi cơ chế chính sách

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang chủ trì cuộc họp báo chiều 4/7. Ảnh: TTTT

Ông Nguyễn Quyết Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, làm rõ thêm về tái cơ cấu và xây dựng hàng lang pháp lý cho các chương trình. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý 26 chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, trong đó có 21 chương trình khoa học công nghệ (mã số K.C) và 5 chương trình khoa học xã hội nhân văn (mã số K.X).

Theo ông Chiến, thời gian qua Bộ tập trung sửa đổi bổ sung hàng loạt thông tư, từ xác định các nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách, nghiệm thu đánh giá và xử lý tài sản, tuyển chọn...

Trong số này có thông tư 20 được ban hành (thay thế thông tư 08) trong tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia. Theo thông tư này, kết quả tuyển chọn phải được công bố trên Hệ thống quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia và Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.

Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 70 trong xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ" nhằm hướng tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi tốt nhất cho phát triển khoa học công nghệ", ông Chiến nói.

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Nguyễn Quyết Chiến chia sẻ thông tin về tái cơ cấu nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia. Ảnh: TTTT

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Nguyễn Quyết Chiến chia sẻ thông tin về tái cơ cấu nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia. Ảnh: TTTT

Báo cáo của Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước ký ngày 4/6 nêu nhiều kết quả thực hiện các đề tài nghiên cứu.

Trong đó tại Chương trình KC.04 (Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0) trải đều trong nhiều lĩnh vực. Ở lĩnh vực y tế có các công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên phân tích dữ liệu lớn, y học cá thể hóa, y học tái tạo và kỹ thuật tạo mô, công nghệ giải mã gene, công nghệ giám sát sức khỏe và chẩn đoán hình ảnh y- sinh học. Kết quả của việc ứng dụng các công nghệ này đã bước đầu ứng dụng trong hỗ trợ phục hồi chức năng vận động trên người bệnh đột quỵ não; hỗ trợ tầm soát trước sinh cho một số bất thường bẩm sinh hay gặp ở Việt Nam...

Trong lĩnh vực nông nghiệp, có các nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong phát triển nền nông nghiệp chính xác; sử dụng AI trong phân tích, ra quyết định điều khiển tự động, tối ưu hóa lượng nước tưới và áp dụng thử nghiệm cho cây thanh long.

Trong lĩnh vực giáo dục, nhà khoa học đã chế tạo robot thông minh hình dáng giống người, hỗ trợ dạy tiếng Anh trong trường tiểu học với nhiều tính năng nổi bật cũng như sự tương tác giữa thiết bị và học sinh. Điều này giúp học sinh phát huy khả năng tự tin trong giao tiếp đồng thời có thể phát âm tiếng Anh chuẩn theo người bản ngữ. Lĩnh vực giáo dục còn ghi nhận một số kết quả của nhiệm vụ xây dựng mô hình chuyển đổi số cho trường học thông minh.

Lĩnh vực công nghiệp có các nghiên cứu phát triển tổ hợp robot ứng dụng trong dịch vụ logistics; chế tạo Cobot (Colalaborative robot) ứng dụng trong công nghiệp và một số lĩnh vực khác có sự hợp tác giữa người và máy.

Lĩnh vực phòng chống thiên tai có các công trình chế tạo, tích hợp hệ thống nhiều robot bay tự hành, dùng trong thám sát môi trường, tìm kiếm-cứu nạn, cứu hộ. Nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo ngập cho thành phố lớn dựa trên nền tảng Trí tuệ nhân tạo và hệ thống tin địa lý, ứng dụng cho TP HCM...

Còn ở nhiều chương trình khác, các nghiên cứu có tính ứng dụng cao, trải đều các lĩnh vực, phục vụ phát triển kinh tế. Ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước cho biết thời gian qua có hàng nghìn đề xuất. Bộ Khoa học và Công nghệ đã tuyển chọn và phê duyệt 19 chương trình với tổng số 298 nhiệm vụ. "Thông qua các văn bản ban hành giúp hoạt động tuyển chọn mạch lạc, minh bạch. Nhiều cơ chế chính sách mới được lồng ghép khuyến khích, tạo động lực cho các nhà khoa học chủ động đề xuất", ông Chiến nói.

Theo vnexpress.net