Chủ nhật, 24/11/2024, 22:16[GMT+7]

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong chuyển đổi số quốc gia

Thứ 4, 10/07/2024 | 19:37:50
4,495 lượt xem
Chiều ngày 10/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06.

Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Thái Bình.

Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, các đồng chí bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ủy ban. 

Tại điểm cầu Thái Bình, đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06 tỉnh dự phiên họp.

Đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06 tỉnh dự phiên họp. 

Trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành đã nỗ lực, tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương cũng ban hành văn bản quy định, hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, kiện toàn tổ chức bộ máy, giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, trợ lý ảo, an toàn an ninh mạng... để hướng dẫn, chỉ đạo, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. 

Hiện nay, 63/63 địa phương đều đã ban hành chính sách giảm, miễn phí lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 15/63 địa phương đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Kinh tế số 6 tháng đầu năm ước tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin (kinh tế số ICT) ước tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2023. Về quản trị số, lần đầu tiên sau hơn 20 năm, việc giám sát, đo lường dịch vụ công trực tuyến được thực hiện tự động, online; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đánh giá chất lượng online. Về hạ tầng số, toàn quốc có thêm khoảng 687.000 hộ gia đình sử dụng internet cáp quang băng rộng so với cuối năm 2023, nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng internet cáp quang băng rộng đạt 82,2% (tăng 2,6% so với cuối năm 2023). Toàn quốc có thêm trên 3,8 triệu thuê bao sử dụng điện thoại thông minh, nâng tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 84% (tăng 3,2% so với cuối năm 2023)...

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số khẳng định: Người dân, doanh nghiệp đã tham gia tích cực hơn vào chuyển đổi số, niềm tin của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp được tăng cường, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực cho phát triển mới. 

Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chuyển đổi số thời gian qua. Đối với nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng cơ sở dữ liệu. Trong đó, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong chuyển đổi số quốc gia; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho bộ, ngành, địa phương và chia sẻ dữ liệu này. Phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện toàn trình, 50% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính thông qua chuyển đổi số. 

Thủ tướng đề nghị khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong thời gian qua và yêu cầu 12 bộ, ngành và 20 địa phương chưa ban hành kế hoạch cần khẩn trương ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 trước ngày 20/7/2024; yêu cầu công bố số liệu tỷ trọng kinh tế số trong GDP hàng năm theo đúng quy định. Đối với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các văn bản thi hành Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông; sớm nghiên cứu xây dựng ban hành tiêu chuẩn về địa chỉ số quốc gia. Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho một số bộ, ngành và nhấn mạnh cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng thông tin tín dụng bảo đảm hoạt động thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng ngày càng tăng nhanh… 

Thủ tướng tin tưởng với sự vào cuộc của các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, công tác chuyển đổi số sẽ thành công.

Tú Anh