Thứ 6, 22/11/2024, 00:28[GMT+7]

Bám sát thực tiễn, giải quyết những vấn đề cử tri kiến nghị Bài 1: Bảo đảm chất lượng nước sạch, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 05/08/2024 | 08:36:09
1,245 lượt xem
Tại kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, 8 đại biểu đã chất vấn 5 lãnh đạo sở, ngành về 11 vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm: việc cung ứng nước sạch, xây dựng nông thôn mới (NTM), thu gom và xử lý rác thải, quy trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án nhà ở và nhà ở xã hội, thực hiện quy hoạch xã, thu gom cáp viễn thông, chuyển đổi số, giải pháp đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng... Cử tri rất kỳ vọng sau chất vấn thủ trưởng các sở, ngành thực hiện đúng lời hứa, cam kết của mình, tập trung giải quyết có kết quả vấn đề các đại biểu đã nêu.

Diện mạo nông thôn mới nâng cao xã Đông Hoàng (Đông Hưng).

Đại biểu Phan Thị Thủy, Bí thư Huyện đoàn Thái Thụy (tổ Thái Thụy) chất vấn đồng chí Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nội dung: Tại kỳ họp thứ tư và kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa XVII, đại biểu đã chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình trạng cung cấp nước sạch không bảo đảm chất lượng, lưu lượng hoặc bị mất nước cục bộ ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trả lời chất vấn về vấn đề nước sạch và đưa ra những giải pháp, tuy nhiên đến nay việc cung cấp nước sạch cho người dân ở một số địa phương chưa được cải thiện. Đề nghị đồng chí cho biết với trách nhiệm của người đứng đầu ngành, đồng chí đã tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện những giải pháp gì để khắc phục triệt để tình trạng trên? 

Bảo đảm công suất, chất lượng nước sạch 

Trả lời nội dung này, đồng chí Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Qua nắm bắt tình hình, có một số thời gian, đặt biệt là vào mùa khô, nước nguồn xuống thấp, mặn xâm nhập sâu vào các cửa sông, ảnh hưởng đến nguồn nước thô của một số nhà máy đặt tại vùng bán âm, bán dương, như ở các xã: Thụy Quỳnh (Thái Thụy), Bình Thanh, Vũ Hòa (Kiến Xương) và một số nhà máy nước sạch gần các cửa cống tiêu lớn Thanh Bình, Châu Long, Đông Lâm... bị nhiễm mặn ảnh hưởng đến chất lượng nước. Một số tuyến ống chính do thi công đường bị vỡ, đất cát xâm nhập vào cũng ảnh hưởng đến chất lượng nước. Một số vùng nguồn nước xa công trình trạm cấp nước nên thiếu lưu lượng trong một số thời gian, đặc biệt là đợt cao điểm vào dịp hè, lễ tết, đợt nắng nóng như ở 2 xã Quang Bình (Kiến Xương), Độc Lập (Hưng Hà), chủ yếu thuộc phạm vi cấp nước của Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long. Tình trạng mất nước cục bộ cũng xảy ra do vỡ đường ống, mất điện.

Để khắc phục tình trạng trên, ngày 24/10/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch về việc khắc phục dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý nước sạch nông thôn và đến nay đã có kết quả bước đầu. Nhận thức và trách nhiệm của các đơn vị cấp nước, các ngành, các địa phương được nâng cao hơn. Tình hình cấp nước tại những vùng nhiễm mặn tuy chưa có giải pháp căn cơ, triệt để nhưng cũng đã được cải thiện. Các đơn vị cấp nước tăng cường bơm cấp luân phiên cho các vùng xa công trình đầu mối. 

Nhà máy nước sạch Đông Huy (Đông Hưng) xây hồ chứa chủ động trữ nước khi nước nguồn bị xâm nhập mặn.

Tuy nhiên, để giải quyết các vướng mắc một cách đồng bộ, căn cơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng các hồ trữ tại các vùng bán âm, bán dương để khắc phục tình trạng nhiễm mặn nguồn nước tại các xã: Thụy Quỳnh (Thái Thụy), Bình Thanh, Thượng Hiền (Kiến Xương) vì những khu vực này đã có đất xây dựng nhưng còn vướng về thủ tục đất đai. Trạm cấp nước xã Vũ Bình (Kiến Xương) nằm trong diện giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến đường cao tốc CT.08, hiện đang chờ bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng ra vị trí mới. Khi xây dựng lại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp cùng công ty đề xuất phương án cấp nước cho vùng xa. Đối với trạm cấp nước xã Hồng Minh (Hưng Hà), công ty đã gửi hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư, xây dựng phương án cấp nước cho vùng Độc Lập, tuy nhiên vẫn chưa phê duyệt thủ tục hồ sơ. Đối với nguồn nước nhiễm mặn qua các cửa cống lớn như nhà máy nước Thanh Bình, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy), Sở đã trực tiếp trao đổi với công ty về hướng dịch chuyển trạm bơm nước thô lên phía trên, xa cửa Trà Linh. Đối với một số công trình cụ thể liên quan đến chất lượng nước chưa bảo đảm, lưu lượng nước yếu, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu phương án để tham gia với các đơn vị cấp nước, các ngành để từng bước giải quyết, bảo đảm cấp nước ổn định cho người dân. 

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu 

Chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Đặng Văn Đằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX DVNN xã Quỳnh Minh (tổ Quỳnh Phụ) thông tin: Kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh cho thấy hiện nay xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đang có biểu hiện chững lại, đề nghị đồng chí cho biết giải pháp giữ vững các tiêu chí xây dựng NTM và đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.  

Theo đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tính đến ngày 30/6/2024, toàn tỉnh có 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 32 xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 xã đã được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định đạt tiêu chí NTM nâng cao nhưng chưa ban hành quyết định công nhận, 3 xã được đoàn đánh giá cấp tỉnh đánh giá đạt 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao, chưa họp hội đồng thẩm định cấp tỉnh. Ngoài ra, có 5 xã đăng ký về đích năm 2023 cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, đang hoàn thiện hồ sơ. Trong 186 xã còn lại chưa đạt xã NTM nâng cao có 51 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 80 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 55 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Năm 2024 có 7 xã đăng ký về đích NTM kiểu mẫu, dự kiến sẽ có 3 - 4 xã được công nhận; trong số 29 xã đăng ký về đích NTM nâng cao có hơn 10 xã có khả năng được công nhận. Huyện Quỳnh Phụ đã đạt 8/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao, hiện đang tập trung chỉ đạo, phấn đấu có 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024 để bảo đảm có trên 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và sẽ đạt chuẩn huyện NTM nâng cao vào đầu năm 2025. 

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đến hết năm 2024, dự kiến toàn tỉnh có 55 xã (chiếm 23,6%) đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 - 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Với kết quả trên thì đến năm 2025 kết quả xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu sẽ đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra (47 xã NTM nâng cao, 5 xã NTM kiểu mẫu, 1 huyện NTM nâng cao). Tuy nhiên, so với kết quả xây dựng NTM của một số tỉnh trong khu vực và trên toàn quốc thì Thái Bình có phần chậm hơn. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền các nghị quyết, chủ trương, cơ chế, chính sách về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở một số địa phương chưa thực sự sâu rộng; một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự vào cuộc, chưa năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và khai thác, phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân; một số nơi vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của cấp trên. Do thiếu nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng bổ sung, hoàn chỉnh các công trình theo tiêu chí NTM nâng cao, trong khi nguồn lực của các địa phương chủ yếu từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất nhưng thời gian gần đây việc đấu giá quyền sử dụng đất chững lại, tiền thu từ đấu giá giảm. Đồng thời, nguồn lực hỗ trợ từ trung ương giai đoạn này cũng giảm (giai đoạn 2016 - 2020 là 1.400,2 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2025 là 620,6 tỷ đồng). Nợ đọng trong xây dựng NTM từ giai đoạn trước chưa xử lý được và đến giai đoạn này cũng tăng cao (hiện tỉnh có 7 xã đạt đủ tiêu chí nhưng không được công nhận do nợ quá ngưỡng). 

Đường nông thôn mới xã Độc Lập (Hưng Hà) khang trang, sạch đẹp.  

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, người dân, doanh nghiệp... trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; tích cực huy động các nguồn lực để thực hiện. Triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM cho các địa phương theo các nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành, đặc biệt là chính sách hỗ trợ xi măng cho các công trình nhóm I và chương trình “Thắp sáng đường quê”. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn cho các địa phương xây dựng bổ sung, hoàn thiện các công trình NTM. Trước hết tập trung cho thanh toán nợ đọng để đạt tiêu chí nợ dưới ngưỡng, trên cơ sở đó quyết định công nhận 7 xã đã hoàn thành các tiêu chí. Tiếp tục vận động, huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư, nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, con em xa quê, của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. 


(còn nữa)

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày