Thứ 6, 22/11/2024, 05:21[GMT+7]

Chiếc mặt nạ "rợn người" của Pháp tôn vinh vẻ đẹp của bộ môn Bơi nghệ thuật

Thứ 6, 09/08/2024 | 10:35:43
1,187 lượt xem
Kết hợp âm nhạc và các chuyển động như múa ballet, môn thể thao này đòi hỏi trình độ nhào lộn và kỹ năng aerobic cực kỳ cao để có thể dễ dàng xoay, lật hoặc tạo dáng trên mặt nước và dưới nước.

Đội tuyển Bơi nghệ thuật Pháp tại Olympic Paris. (Nguồn: The Atlantic)

Ngày 6/8, bộ môn Bơi nghệ thuật đã khởi tranh tại Olympic Paris. Đây là một bộ môn rất đặc biệt, bởi nó là sự kết hợp giữa thể thao và vận động, với sự kết hợp của âm nhạc và vũ đạo.

Bên cạnh bài thi bắt buộc với năm động tác cơ bản, phần thi tự do là nơi các đội thi phát huy trí tưởng tượng và óc sáng tạo của mình.

Kết hợp âm nhạc và các chuyển động như múa ballet, môn thể thao này đòi hỏi trình độ nhào lộn và kỹ năng aerobic cực kỳ cao để có thể dễ dàng xoay, lật hoặc tạo dáng trên mặt nước - mà không chạm vào đáy hồ bơi - hoặc kỹ năng nín thở khi bị chìm trong tư thế lộn ngược.

Các vận động viên bơi nghệ thuật thường khiến mọi thứ trông thật dễ dàng. Nhưng trên thực tế, môn thể thao này không chỉ đòi hỏi hơi thở, động tác chân và tay, mà còn một sức bền cần thiết, đủ để họ nổi lên mặt nước với một biểu cảm gương mặt hết sức kịch tích, trong khi vẫn tiếp tục những động tác vũ đạo đồng bộ.

Sự hấp dẫn này khiến bộ môn Bơi nghệ thuật dành được nhiều sự chú ý. Đặc biệt, năm nay, nước chủ nhà Pháp đã xuất hiện với bộ trang phục hết sức đặc biệt, với những chiếc mũ bơi có in hình mặt người, khiến cho mỗi vận động viên trở thành một nhân vật có hai gương mặt – trước và sau – gây ấn tượng cực mạnh về mặt thị giác.

Thậm chí, nhiều khán giả chia sẻ họ có đôi chút “rợn người” khi nhìn vào những gương mặt được vẽ kỳ dị phía sau đầu của những vận động viên.

Chia sẻ về ý nghĩa của trang phục, các vận động viên của đội bơi nghệ thuật Pháp cho biết họ chọn diện mạo đặc biệt này để tôn vinh tính đa dạng và đặc sắc của bộ môn này, cũng như thể hiện cá tính của nước Pháp, nơi vẫn được coi là luôn dẫn đầu mọi xu hướng mới. Họ cũng hy vọng màn biểu diễn này sẽ khiến người trẻ quan tâm hơn đến bộ môn này, qua đó giúp môn thể thao này trở nên thú vị hơn.

Tại Thế vận hội năm nay, các đội có thể chơi an toàn hoặc chấp nhận rủi ro và thử thách. Nhiều vận động viên cho biết các quy tắc mới về độ khó giúp cuộc thi trở nên công bằng hơn và loại bỏ yếu tố chủ quan.

Điểm số khó tương đối cao của Mỹ trong phần thi tự do vào ngày 7/8 đã đưa họ từ vị trí thứ 4 lên vị trí thứ 2, sau Trung Quốc. Sau khi các vận động viên bơi lội tái hiện lại bước nhảy Moonwalk nổi tiếng của ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson khi ở tư thế lộn ngược, trên nền nhạc “Smooth Criminal,” đội Mỹ đã giành được số điểm đủ để họ vượt qua Tây Ban Nha và Nhật Bản.

Bên cạnh những yếu tố mới lạ của Thế vận hội năm nay, còn nhiều điều thú vị về bộ môn này mà không phải ai cũng biết.

Họ giữ mình nổi như thế nào?

Các vận động viên bơi lội sử dụng phương pháp “đánh trứng,” đạp chân theo vòng tròn xen kẽ, một cách hiệu quả để nâng mình lên.

Kỹ thuật này giúp họ giữ thăng bằng trong hồ bơi trong khi thực hiện động tác nâng (nâng vận động viên lên không trung), ném (tung người lên không trung) và bắt (bắt đồng đội khi họ rơi xuống).

Để thực hiện được các động tác dưới nước, các vận động viên bơi lội nghệ thuật phải có dung tích phổi lớn và kiểm soát được hơi thở. Hầu hết các vận động viên bơi nghệ thuật có thể nín thở trong khoảng 3 phút. Vì thế bộ môn thể thao này còn được được xếp vào nhóm môn thể thao yếm khí (aquarobics).

Đội tuyển bơi nghệ thuật Trung Quốc tại Olympic Paris. (Nguồn: Xinhua)

Họ ngăn nước tràn vào mũi bằng cách nút mũi, sử dụng một chiếc kẹp nhựa hoặc một sợi dây phủ cao su giúp ngăn nước tràn vào lỗ mũi khi thực hiện các động tác dưới nước.

Họ giữ cho tóc không bị vướng vào mặt bằng cách nào?

Họ sử dụng rất nhiều gel gelatin tạo nên một lớp bảo vệ trong suốt giúp mái tóc vận động viên trở nên bóng mượt và vào nếp, đồng thời bảo vệ tóc khỏi các tác hại của clo.

Âm nhạc được đồng bộ từ dưới nước như thế nào?

Chỉ có 3 từ: Loa dưới nước

Các vận động viên nam ở đâu?

Các vận động viên bơi nghệ thuật nam vốn đã tham gia các cuộc thi cấp thấp từ lâu. Nhưng khi môn thể thao này áp dụng các quy tắc hạn chế nam giới tham gia, thì các đội nữ ngày càng trở nên phổ biến. Và cuộc thi bơi nghệ thuật chính thức đầu tiên đã ra mắt tại Thế vận hội Los Angeles năm 1984 mà không có vận động viên nam.

Năm nay, lần đầu tiên các vận động viên nam được phép tham gia nội dung đồng đội (tối đa 2 nam). Nhưng trên thực tế, không có đội nào trong số 10 đội tham gia có nam. Đây vẫn là sự kiện chỉ dành cho phụ nữ.

Mặc dù cánh cửa hiện đã mở cho nam giới, nhưng vận động viên bơi nghệ thuật nam người Mỹ Bill May – người được kỳ vọng sẽ đi vào lịch sử - đã không vào được đội tuyển Mỹ. Tuy nhiên, anh đã vinh dự được biểu diễn mở màn cho một sự kiện bơi nghệ thuật miễn phí trong tuần này./.

Theo Vietnam+