Chủ nhật, 01/09/2024, 12:12[GMT+7]

Hiểm họa khi tin giả dẫn đến hậu quả thật

Thứ 3, 13/08/2024 | 08:13:11
1,324 lượt xem
Anh đang đối mặt làn sóng bạo loạn nghiêm trọng nhất trong 13 năm qua, khi các thông tin sai lệch trên mạng xã hội châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình bạo lực trên cả nước. Những khoảng trống trong quản lý đã khiến mạng xã hội trở thành mảnh đất màu mỡ để các đối tượng xấu gieo rắc tin giả, kích động thù hận.

Người biểu tình phản đối nhập cư bất hợp pháp sau vụ tấn công bằng dao ở Southport xung đột với cảnh sát ở London, Anh ngày 31/7/2024. (Ảnh: Reuters)

Tình trạng bất ổn kéo dài hơn một tuần qua tại Anh bùng phát sau vụ tấn công bằng dao ở tây bắc vùng England, khiến ba bé gái bị chết và 10 người bị thương. Biểu tình bạo lực nhanh chóng lan rộng sang nhiều thành phố lớn tại Xứ sở sương mù, kéo theo hậu quả nghiêm trọng. 

Cảnh sát đã bắt giữ khoảng 480 đối tượng có hành vi gây rối và tấn công cảnh sát. Hơn 100 cảnh sát bị thương do đụng độ với người biểu tình, một số người bị thương nghiêm trọng. Ðến nay, làn sóng bạo loạn vẫn chưa lắng dịu. 

Thủ tướng Anh Keir Starmer yêu cầu lực lượng an ninh tiếp tục duy trì trạng thái báo động cao trước nguy cơ bạo lực tiếp diễn. Khoảng 6.000 cảnh sát chống bạo động sẵn sàng trực chiến. Ðây là đợt huy động cảnh sát lớn nhất tại Anh kể từ năm 2011.

Trách nhiệm của các mạng xã hội

Ðáng lo ngại, những hậu quả nghiêm trọng về an ninh, xã hội nêu trên lại bắt nguồn từ tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội về danh tính và tôn giáo của nghi phạm gây ra vụ tấn công ở vùng England. 

Chỉ trong vòng vài giờ sau vụ tấn công, mạng xã hội tràn ngập tin sai sự thật về nghi phạm, cho rằng kẻ tấn công là người Hồi giáo xin tị nạn, đến Anh bất hợp pháp bằng thuyền vào năm 2023 và nằm trong danh sách theo dõi khủng bố. 

Giới chức Anh đã nhanh chóng phủ nhận các thông tin sai lệch này, khẳng định nghi phạm được sinh ra ở Anh, có bố mẹ là người Rwanda đến Anh vào năm 2002.

Tuy nhiên, nỗ lực đó không thể dập tắt làn sóng bạo loạn. Nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để kích động bạo lực, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình chống người nhập cư, tấn công nhà thờ Hồi giáo và nơi ở của những người xin tị nạn đến từ châu Phi và Trung Ðông. 

Giới phân tích nhận định, những thông tin giả trên mạng xã hội đã để lại hậu quả thật đối với nước Anh khi biểu tình bạo lực bùng phát, hàng trăm người bị bắt, nhiều cửa hàng bị cướp phá…, gây thiệt hại không chỉ về vật chất, mà còn tạo ra những vết nứt trong khối đoàn kết dân tộc tại Anh.

Cảnh sát Anh cảnh báo, hiện bạo lực chưa kết thúc khi vẫn còn nhiều kế hoạch phá hoại đang tiếp tục được lan truyền trên mạng. 

Giới phân tích nhận định, những thông tin giả trên mạng xã hội đã để lại hậu quả thật đối với nước Anh khi biểu tình bạo lực bùng phát, hàng trăm người bị bắt, nhiều cửa hàng bị cướp phá…, gây thiệt hại không chỉ về vật chất, mà còn tạo ra những vết nứt trong khối đoàn kết dân tộc tại Anh. 

Bộ trưởng Nội vụ Anh Yvette Cooper tuyên bố, các công ty truyền thông xã hội phải chịu một phần trách nhiệm khi lan truyền thông tin sai lệch dẫn đến bùng phát bạo lực. Trong khi tờ rơi về thời gian, địa điểm tổ chức biểu tình được phát tán tràn lan trên Facebook, video bạo lực xuất hiện trên TikTok, thì các ứng dụng WhatsApp và Telegram đã được sử dụng để kêu gọi người dân xuống đường biểu tình… 

Tổ chức chống khủng bố Tech Against Terrorism đã ban hành cảnh báo khẩn cấp về việc Telegram bị những kẻ cực đoan sử dụng để kêu gọi biểu tình. Theo tổ chức này, việc Telegram không kiểm duyệt đầy đủ nội dung cực đoan đã góp phần gây ra bạo lực và bất ổn trên khắp nước Anh. 

Giám đốc chính sách và nghiên cứu tại Viện Ðối thoại chiến lược (ISD) Jacob Davey khẳng định, làn sóng thông tin sai lệch trên mạng xã hội là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chuỗi ngày bạo loạn vừa qua ở Xứ sở sương mù. Theo ông Jacob Davey, thông tin sai lệch không chỉ được lan truyền bởi những người muốn kích động bạo lực, mà còn bởi các nền tảng sử dụng thuật toán để ưu tiên hiển thị nội dung có khả năng thu hút nhiều tương tác nhất.

Thách thức trong quản lý thông tin

Tin giả tràn lan trên mạng xã hội không phải là câu chuyện mới trong thời đại công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ hiện nay. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng nhấn mạnh, một phần của internet đang bị biến thành "bãi rác thải" độc hại, nơi những thông tin sai sự thật lan tràn và bị các đối tượng truyền bá chủ nghĩa cực đoan lợi dụng để gây chia rẽ xã hội. Tuy nhiên, việc tìm ra giải pháp toàn diện cho vấn đề nhức nhối này vẫn là bài toán gai góc chưa tìm được lời giải đối với nhiều nước, trong đó có Anh. 

Sau khi bạo loạn bùng phát, giới chức Anh đã yêu cầu các ông lớn công nghệ ngăn chặn tình trạng nội dung độc hại lan truyền trên mạng xã hội. Một số nền tảng trực tuyến nhanh chóng phản hồi lời kêu gọi của Chính phủ Anh bằng cách xóa các bài đăng bị gắn cờ. Ðội ngũ kiểm duyệt của Telegram đang tích cực theo dõi tình hình, xóa các kênh và bài có nội dung kêu gọi bạo lực. 

Trong khi đó, Cơ quan Công tố Hoàng gia Anh quyết định truy tố một người đàn ông với tội danh kích động thù hận trực tuyến, khi đăng tải các bài viết có những lời lẽ đe dọa, lăng mạ và kích động thù hận chủng tộc trên Facebook. Giới chức Anh khẳng định sẽ xử lý mạnh tay đối với những kẻ kích động bạo lực trực tuyến.

Tuy nhiên, đây được cho chỉ là những giải pháp tình thế để giải quyết khó khăn trước mắt. Các chuyên gia nhận định, những biện pháp ngăn chặn thông tin độc hại trên mạng xã hội không nên chỉ dừng lại ở việc yêu cầu các công ty công nghệ gỡ hoặc đính chính nội dung sai lệch, không phù hợp. Về lâu dài, để xử lý tận gốc vấn đề tin giả trên mạng xã hội, London cần ban hành những quy định nghiêm ngặt về an toàn thông tin trực tuyến. 

Trên thực tế, Anh đã thông qua Ðạo luật An toàn trực tuyến vào tháng 10/2023 trao cho Cơ quan quản lý truyền thông Ofcom quyền phạt các công ty truyền thông xã hội lên tới 10% doanh thu toàn cầu hằng năm, nếu không kiểm soát việc phát tán tin giả, tài liệu bất hợp pháp như tuyên truyền khủng bố, lừa đảo trực tuyến và kích động bạo lực… Tuy nhiên, dự kiến đầu năm 2025, Ðạo luật An toàn trực tuyến mới được triển khai, do Ofcom vẫn đang hoàn tất soạn thảo văn bản hướng dẫn thực thi luật. 

Ông Adam Leon Smith, chuyên gia an ninh mạng tại Hiệp hội Máy tính Anh kêu gọi sớm triển khai đạo luật, nhằm buộc các ông lớn công nghệ kiểm soát, ngăn chặn tin giả ngay từ đầu nguồn, trước khi chúng bị phát tán và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, công nghệ kỹ thuật số mang đến cơ hội lớn nhằm xây dựng một tương lai bình đẳng, bền vững và hòa bình hơn cho tất cả người dân, song các thông tin độc hại trên mạng có thể làm xói mòn lòng tin, gây căng thẳng, thậm chí gieo mầm mống bạo lực và xung đột. Vụ việc phát tán tin giả và kích động biểu tình bạo lực, góp phần gây ra làn sóng bạo loạn tại Anh không chỉ phơi bày những mặt trái của mạng xã hội, mà còn một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo các nước về sự cấp thiết phải mạnh tay xử lý tận gốc vấn nạn thông tin độc hại, xây dựng môi trường lành mạnh trên không gian mạng.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày