Thứ 3, 15/10/2024, 13:59[GMT+7]

Huy chương Olympic đắt nhất trong lịch sử nhờ sự tăng giá của kim loại quý

Thứ 5, 15/08/2024 | 15:40:20
1,427 lượt xem
Trong khi giá kim loại quý đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, Huy chương Vàng của Thế vận hội Olympic chưa bao giờ có giá trị lớn đến thế.

Bộ đôi cung thủ Lim Si-hyeon (trái) và Kim Woo-jin của Hàn Quốc giành Huy chương Vàng môn bắn cung đồng đội phối hợp nam nữ tại Olympic Paris 2024, ngày 2/8/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Huy chương Vàng của Thế vận hội Olympic 2024 trở nên đắt nhất trong lịch sử khi tính dựa trên chi phí nguyên liệu thô tạo nên chúng.

Giá bạc, chiếm hơn 90% trọng lượng của chiếc huy chương, đã tăng 16% trong năm nay, trong khi vàng sắp chạm ngưỡng kỷ lục vào tháng Bảy, do căng thẳng địa chính trị.

Nhật báo Les Echos dẫn số liệu của Bloomberg cho biết, trong khi giá kim loại quý đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, Huy chương Vàng của Thế vận hội Olympic chưa bao giờ có giá trị lớn đến thế.

Chỉ dựa vào chi phí của nguyên liệu thô được tạo ra, chúng có thể đạt khoảng 900 USD mỗi chiếc.

Tất nhiên đó chỉ là giá trị về mặt lý thuyết, vì huy chương của vận động viên có thể có giá trị cao hơn nhiều so với giá kim loại tạo ra chúng.

Tại một cuộc đấu giá năm 2013, một trong những Huy chương Vàng mà vận động viên Jesse Owens người Mỹ giành được ở Berlin năm 1936 đã được bán với giá gần 1,5 triệu USD.

Bạc chiếm hơn 90% trọng lượng của cái gọi là huy chương “Vàng” và được giao dịch quanh mức 27,90 USD/ounce hôm 14/8.

Kim loại trắng này đã tăng hơn 16% kể từ ngày 1/1/2024 và đạt 32 USD vào tháng 5, mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, giá trị của những tấm huy chương chứa 6 gram vàng chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tăng giá mạnh của kim loại quý này, hiện đang dao động quanh mức 2.474 USD/ounce.

Kim loại này cũng đã tăng gần 19% trong năm nay và ghi nhận kỷ lục lịch sử mới vào giữa tháng 7 là 2.483 USD/ounce.

Vàng đã bị đẩy giá trong những tuần gần đây bởi thị trường hy vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới. Kim loại màu vàng cũng được hưởng lợi từ nhu cầu mạnh mẽ từ người tiêu dùng Trung Quốc.

Bên cạnh đó, vàng luôn là nơi trú ẩn an toàn mỗi khi có chiến tranh. Giá kim loại quý này đã bị đẩy vọt, đặc biệt từ sau sự gia tăng căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông.

Để đối phó với xung đột leo thang và những bất ổn liên quan đến diễn biến của tình hình kinh tế, các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng dự trữ vàng của họ.

Theo dữ liệu từ Hội đồng vàng thế giới (WGC), trong tháng 6, các ngân hàng này đã mua 12 tấn. “Chúng tôi tin rằng địa chính trị sẽ vẫn là một trong những yếu tố chính tác động đến biến động của giá vàng.

Xung đột ở Ukraine và Trung Đông cũng như căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy nhu cầu trú ẩn an toàn là vàng và giá sẽ còn tiếp tục bị đẩy lên trong ngắn hạn và trung hạn," đó là nhận định của Ewa Manthey, nhà phân tích thị trường hàng hóa tại ING./.

Theo Vietnam+