Thứ 4, 28/08/2024, 15:23[GMT+7]

Châu Âu lại đau đầu với “bài toán an ninh”

Thứ 4, 28/08/2024 | 08:54:03
301 lượt xem
Châu Âu đang đứng trước mối lo ngại về làn sóng khủng bố gia tăng đe dọa an ninh Lục địa Già. Hàng loạt các vụ tấn công xảy ra mới đây ở Pháp, Đức, Anh, Áo đều có bóng dáng của những kẻ cực đoan có liên quan tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Các nhánh của tổ chức khủng bố này được cài cắm ở nhiều nơi, tìm cách đẩy mạnh xu hướng cực đoan hóa ở khu vực, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh và sự ổn định của châu Âu.

Cảnh sát gác tại thủ đô Vienna, Áo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cảnh sát Đức mới đây cho biết, một người đàn ông Syria đã ra đầu thú và nhận tội thực hiện vụ đâm dao tại thành phố Solingen, miền tây nước Đức, khiến 3 người thiệt mạng và 8 người bị thương. Vụ việc đã gây chấn động nước Đức, vì vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh hàng nghìn người tụ tập tham gia các hoạt động văn hóa trong khuôn khổ Lễ hội Đa bản sắc kỷ niệm 650 năm thành lập thành phố này.

Nghi phạm vụ tấn công sống ở một cơ sở dành cho những người tị nạn tại Solingen. IS cũng tuyên bố một thành viên của tổ chức khủng bố này đã thực hiện vụ tấn công bằng dao nêu trên để trả thù cho người Hồi giáo ở khắp nơi. Dòng người tị nạn chạy trốn khỏi các cuộc xung đột ở Trung Đông, châu Phi đổ vào châu Âu đang kéo theo những hệ lụy khôn lường cho Lục địa Già. Cục cảnh sát hình sự liên bang Đức (BKA) từng cảnh báo nguy cơ xảy ra các hành động bạo lực liên quan đến các phần tử thánh chiến Hồi giáo tại nước này ở mức cao.

Mối đe dọa khủng bố hiện hữu

Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2024) và Olympic Paris đã kết thúc, tuy nhiên tình hình an ninh ở khu vực được đánh giá vẫn chưa ổn định. Bộ Nội vụ Pháp mới đây thông báo, cảnh sát nước này đã bắt giữ đối tượng tình nghi phóng hỏa và gây ra vụ nổ tại một giáo đường Do Thái ở thị trấn nghỉ dưỡng La Grande Motte thuộc miền nam, mà theo nhà chức trách, đây có thể là một vụ tấn công khủng bố. Máy quay an ninh đã ghi lại được hình ảnh nghi can đã đốt 2 ô-tô bên ngoài giáo đường và gây ra một vụ nổ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi đây là hành động khủng bố, đồng thời khẳng định nhà chức trách đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết để truy bắt đối tượng. Quyền Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cũng tới thị sát hiện trường vụ việc cùng Bộ trưởng Nội vụ Gerard Darmanin. Sau khi vụ việc xảy ra, an ninh được thắt chặt tại nhiều địa điểm của người Do Thái tại Pháp, trong bối cảnh đang diễn ra lễ Sabbat hằng tuần của đạo Do Thái, với một số hoạt động tập trung đông người tại các giáo đường.

Trong khi đó, đáng chú ý, 3 buổi biểu diễn của danh ca Taylor Swift dự kiến diễn ra tại Vienna (Áo) hồi trung tuần tháng 8 vừa qua đã bị hủy, sau khi nhà chức trách Áo thông báo đã bắt giữ một số đối tượng tình nghi lên kế hoạch tấn công khủng bố nhằm vào sự kiện này.

Sau vụ việc các buổi biểu diễn của ca sĩ Taylor Swift bị hủy vì nguy cơ khủng bố, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Nancy Faeser và Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp nước này nhận định, mối đe dọa khủng bố Hồi giáo ở Đức vẫn ở mức cao. Nhà chức trách Đức đang sử dụng mọi công cụ pháp quyền để ngăn chặn mối đe dọa khủng bố. Kể từ khi xung đột tại Gaza leo thang, IS và các chi nhánh gia tăng ảnh hưởng và hỗ trợ các đối tượng đơn độc, còn gọi là “sói cô đơn”, các nhóm nhỏ lên kế hoạch tấn công khủng bố trên internet.

Bộ Nội vụ Áo cuối tháng trước đã thông báo, nhà chức trách Áo triệt phá một mạng lưới khủng bố có liên quan đến việc gây quỹ cho IS và bắt giữ 9 đối tượng. Lực lượng an ninh Áo tiến hành lục soát nhiều ngôi nhà tại 5 bang ở nước này, thu giữ nhiều điện thoại di động, máy tính xách tay, các thiết bị lưu trữ dữ liệu, một lượng lớn tiền mặt và phương tiện đi lại của các đối tượng tình nghi lên kế hoạch tấn công khủng bố.

Nguy cơ IS trỗi dậy

Với khoảng 30 vụ bắt giữ liên quan đến các phần tử Hồi giáo cực đoan đã được thực hiện ở châu Âu kể từ đầu năm nay, nguy cơ tấn công khủng bố đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực. Giám đốc Cơ quan tình báo liên bang Thụy Sĩ (FIS) Christian Dussey mới đây cho biết, mối đe dọa tấn công khủng bố ở nước này gia tăng từ đầu năm 2024.

Các quốc gia châu Âu đã phối hợp chặt chẽ và nâng cao năng lực chống khủng bố, song các cuộc xung đột kéo theo làn sóng nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu tiếp tục đặt ra những thách thức lớn khiến châu lục này đau đầu với “bài toán an ninh”.

Đề cập tới lời kêu gọi của IS về việc tổ chức những cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu, Giám đốc FIS nhận định, IS đã không thực hiện hành vi này trong một khoảng thời gian dài cho nên lời kêu gọi đó thật sự đã “tạo ra động lực mới” cho những phần tử ủng hộ và được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội. Theo ông, nguy cơ xảy ra tấn công ở Thụy Sĩ, có thể đó là hành vi bạo lực do cá nhân biệt lập và kiểu phần tử lấy cảm hứng từ những lời kêu gọi thánh chiến.

Tháng 8/2023, Cơ quan An ninh Thụy Điển đã nâng cảnh báo nguy cơ khủng bố lên mức 4 trong thang cảnh báo gồm 5 cấp, sau khi các vụ đốt kinh Koran tại nước này làm gia tăng căng thẳng với các quốc gia Hồi giáo, làm tăng nguy cơ tấn công khủng bố trong nước.

Bộ trưởng Tư pháp Thụy Điển Gunnar Strommer cho biết, trong năm 2024, các vụ xả súng tại Thụy Điển đã giảm và các hoạt động đấu tranh, triệt phá các nhóm tội phạm bạo lực được đẩy mạnh so với năm trước. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều vụ xả súng nghiêm trọng có liên quan đến các băng nhóm.

IS đã bị lực lượng của Mỹ và đồng minh đánh bại trong các cuộc chiến ở Iraq và Syria, song mối đe dọa từ tổ chức khủng bố này vẫn luôn hiện hữu. Tình hình trở nên đáng lo ngại khi cuộc xung đột tại Trung Đông bùng nổ vào tháng 10/2023 đã làm gia tăng nguy cơ về hoạt động khủng bố tại châu Âu.

Các quốc gia châu Âu đã phối hợp chặt chẽ và nâng cao năng lực chống khủng bố, song các cuộc xung đột kéo theo làn sóng nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu tiếp tục đặt ra những thách thức lớn khiến châu lục này đau đầu với “bài toán an ninh”, trong bối cảnh IS có thể lợi dụng tình hình bất ổn hiện nay ở Trung Đông để trỗi dậy bất cứ lúc nào.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày