Thứ 5, 21/11/2024, 20:03[GMT+7]

Các địa phương, đơn vị khẩn trương phòng, chống bão số 3

Thứ 6, 06/09/2024 | 16:03:18
4,439 lượt xem

Lao động tại chòi canh coi ngao ngoài biển ở huyện Tiền Hải đã di dời vào bờ tránh bão số 3. Ảnh: Trần Tuấn

Tiền Hải

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện Tiền Hải: Toàn huyện hiện có 1.794 lao động làm việc tại khu vực chòi canh coi ngao và nuôi trồng thủy, hải sản ven biển. Trong đó, tại các chòi canh ngao 814 lao động, tại các ao đầm nuôi trồng thủy sản ở trong, ngoài đê là 971 lao động. Chính quyền các xã đã triển khai phương án di dời toàn bộ số lao động tại các chòi canh coi ngao và các ao đầm nuôi trồng thủy, hải sản ở trong, ngoài đê vào nơi an toàn; thông báo cho các chủ lồng bè trên sông, ven biển chủ động chằng chống bảo đảm an toàn. Kiên quyết không để người nào ở các chòi canh ngao trên biển, ngoài đê chính trước khi bão đổ bộ; đồng thời tổ chức lực lượng canh gác bảo đảm an ninh, trật tự ở những khu phải di dời dân.

Tính đến 14 giờ ngày 6/9, toàn huyện đã có 1.669 lao động ở các chòi ngao và các đầm nuôi trồng thủy sản ở trong, ngoài đê được sơ tán vào nơi an toàn, còn 125 lao động đang chằng chống chòi ngao, lều canh nuôi trồng thủy sản chưa vào nơi an toàn. Các lực lượng đang tiếp tục liên lạc yêu cầu các lao động vào nơi tránh trú an toàn trước 16 giờ ngày 6/9.

Lực lượng bộ đội biên phòng kêu gọi tàu thuyền vào neo đậu tại cảng cá Cửa Lân tránh trú bão số 3. Ảnh: Trần Tuấn 

Tàu thuyền của ngư dân Tiền Hải neo đậu vào nơi tránh trú an toàn. Ảnh: Trần Tuấn 

Huyện Tiền Hải có tổng số 501 phương tiện/1.153 lao động. Tính đến 14 giờ ngày 6/9, các đồn biên phòng đóng trên địa bàn huyện đã liên lạc được 100% phương tiện tàu, thuyền về nơi tránh trú bão an toàn. Trong đó có 483 phương tiện/1.121 lao động đã vào neo đậu tại các bến trong tỉnh, 18 phương tiện/32 lao động neo đậu tại các bến ngoài tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 102 nhà yếu/241 người; số dân sống ngoài đê quốc gia là 234 hộ/651 khẩu. Tất cả các hộ đang chằng chống nhà cửa, cam kết di dời vào nơi tránh trú trước khi bão đổ bộ vào đất liền. UBND huyện giao các ngành, các xã sẵn sàng phương tiện, địa điểm và bảo đảm các nhu cầu thiết yếu tại nơi tránh trú phục vụ người dân. 

Về hệ thống đê điều, UBND huyện đã giao các đơn vị chuyên môn của huyện, các xã kiểm tra. Hiện tại, hệ thống công trình bảo đảm an toàn, đồng thời các ngành, các xã, các cụm phòng, chống thiên tai duy trì lực lượng ứng trực, sẵn sàng vật tư, nhân lực ứng cứu các trọng điểm đê, kè, cống ngay khi phát hiện có sự cố xảy ra.

Thái Thụy

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Thái Thụy, tính đến 17 giờ ngày 6/9, huyện đã hoàn thành công tác di dời 169 lao động/179 chòi coi ngao, cát; hơn 1 nghìn người dân sinh sống ngoài đê; hơn 2 nghìn người dân trong đê sống ở ngôi nhà yếu đến nơi an toàn. Tất cả tàu, thuyền của huyện đã về nơi neo đậu, tránh trú. Huyện đã lập các tuyến chốt tại tuyến tả sông Trà Lý, tuyến cửa biển, tuyến sông Hữu Hóa để tập trung thực hiện công tác di dời, sơ tán người dân bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng nhân dân theo phương châm “4 tại chỗ”; giao Công an huyện chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng, các đơn vị liên quan thực hiện quyết liệt xử lý gia cố các phương tiện thủy của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà; các địa phương bố trí tối thiểu 50 người túc trực, các trọng điểm xung yếu chuẩn bị đủ từ 200 - 300 bao cát/trọng điểm.

Người dân xã Thái Đô gia cố mái nhà phòng, chống bão số 3. Ảnh: Nguyễn ThắmNgười dân vây lưới chắn xung quang bờ ao nuôi trồng thủy sản nhằm giảm thiệt hại sản xuất khi có mưa lớn kéo dài. Ảnh: Nguyễn Thắm  

Ứng phó với bão số 3, huyện tổ chức thường trực 24/24 giờ, chuẩn bị đủ lực lượng, vật tư, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai ứng cứu, chi viện khi có yêu cầu; rà soát, bổ sung và khẩn trương thực hiện phương án an toàn cho các công trình đê điều, thủy lợi và các công trình PCTT; đối với các doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp chủ động phương án chằng chống, gia cố bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, công trình trọng điểm; thực hiện phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng vùng sản xuất, khu công nghiệp và các khu dân cư tập trung…

Công an tỉnh

Trước diễn biến của bão số 3, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị, công an các huyện, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, thực hiện chế độ thông tin báo cáo, chủ động theo dõi, nắm tình hình về diễn biến của bão số 3 trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ động toàn diện các biện pháp kịp thời ứng phó, không để bị động, bất ngờ.

Công an huyện Thái Thụy giúp người dân chằng buộc tàu thuyền tránh trú bão tại thị trấn Diêm Điền. Ảnh: Trịnh CườngCông an huyện Tiền Hải phối hợp sơ tán tài sản của người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Ảnh: Trịnh Cường  Lực lượng cảnh sát giao thông thủy phối hợp kêu gọi, dẫn dắt tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn tránh trú bão số 3. Ảnh: Trịnh Cường

Lực lượng công an các cấp thường trực 100% quân số, thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở; chủ động phát hiện, tập trung đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thiên tai để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Công an các địa phương ven biển huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với chính quyền tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát khỏi hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Phối hợp các lực lượng trên địa bàn tiến hành kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại các khu vực neo đậu, tránh trú bão, tiến hành rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, có phương án di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Theo dõi sát tình hình, diễn biến của mưa lớn, việc xả lũ của các thủy điện để kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương và người dân biết, phòng tránh; có phương án di dời người dân khỏi nơi nguy hiểm khi có mưa lớn xảy ra; kiểm tra, rà soát phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu trên các tuyến đê, đặc biệt là đê cửa sông, đê biển. Tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ, bảo đảm an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các kho vật chứng và các cơ sở giam giữ. Triển khai tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó, xử lý khi xảy ra mưa bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Ngành giao thông vận tải

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và của tỉnh, Sở đã vận hành cơ chế hoạt động của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của Sở.

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải kêu gọi phương tiện thủy tại thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) neo đậu vào nơi an toàn trước khi bão đổ bộ. Ảnh: Nguyễn Thơi

Trong đó, về vật tư, phương tiện bảo đảm ứng phó với bão số 3, Sở đã huy động: Công ty Cổ phần Hoàng Hà 10 xe khách (loại 46 chỗ ngồi); Trường Trung cấp Nghề giao thông vận tải 10 xe tải có tải trọng từ 1,25 tấn trở lên; Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ Thái Bình 10 xe tải có tải trọng từ 3,5 tấn trở lên; Phòng Quản lý phương tiện, vận tải và người lái tham mưu, đề xuất huy động 2 xà lan và tàu kéo (loại trọng tải 593 tấn trở lên) và 2 xe cẩu (1 xe có sức nâng 45 tấn trở lên; 1 xe có sức nâng 62 tấn trở lên); sẵn sàng các phương án ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt trong mọi tình huống.

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải kiểm tra hoạt động bến đò ngang An Cứ, xã Nam Hải (Tiền Hải). Ảnh: Nguyễn Thơi 

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn kiểm tra, chuẩn bị các phương án bảo đảm an toàn cho người, tài sản và công trình. Thanh tra Sở Giao thông vận tải, các đơn vị quản lý duy tu tổ chức kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tại khu vực các cầu lớn, nhắc nhở các chủ phương tiện có biện pháp chống va trôi cho phương tiện. Duy trì lực lượng sẵn sàng thực hiện phân luồng giao thông ngay khi có ách tắc giao thông xảy ra.

Đối với hoạt động của bến phà Cồn Nhất, Sở chủ động lên phương án, đề nghị Công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng cầu đường Nam Định thực hiện dừng hoạt động vận chuyển hành khách của bến khi có gió giật từ cấp 6, cấp 7 trở lên.

Ngành xây dựng

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Sở Xây dựng đã triển khai các phương án PCTT và TKCN; trong đó, yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải theo dõi chặt chẽ, nắm bắt thông tin dự báo, diễn biến về bão số 3. Tổ chức triển khai lực lượng PCTT và TKCN ứng trực theo phương châm “4 tại chỗ”.

Lãnh đạo Sở Xây dựng kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại công trường thi công dự án khu nhà ở thương mại Lê Hồng Phong - Eden Garden. Ảnh: Nguyễn Thơi 

Đối với các công trình xây dựng, nhà ở chung cư, nhà tập thể trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Sở Xây dựng đã yêu cầu nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, cập nhật thường xuyên diễn biến của bão, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bão, phải có các biện pháp giằng chống cốp pha, giàn giáo, các trang thiết bị phục vụ thi công… bảo đảm an toàn trước khi bão đổ bộ; có biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ mất an toàn khi có mưa bão; có biện pháp chằng chống bảo quản vật tư, vật liệu không làm ảnh hưởng đến người dân và các công trình lân cận.

Lãnh đạo Sở Xây dựng kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại công trình xây dựng nhà ở cao tầng. Ảnh: Nguyễn Thơi 

Đặc biệt, với các công trình xây dựng nhà cao tầng có sử dụng cần trục tháp, máy vận thăng, Sở Xây dựng yêu cầu các đơn vị thi công cần khẩn trương có biện pháp hạ thấp độ cao cần trục tháp, néo giữ vào công trình để bảo đảm an toàn. Mọi công tác chuẩn bị phòng, chống bão phải hoàn tất trước 17 giờ ngày 6/9.

Ngành y tế 

Để chủ động ứng phó với bão số 3, các đơn vị y tế trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, củng cố, kiện toàn thành viên ban chỉ đạo PCTT và TKCN; chuẩn bị nhân lực, phân công, bố trí các đội thường trực 24/24 giờ; dự trù thuốc, phương tiện, vật tư y tế, máy phát điện…

Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra công tác phòng, chống bão tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Hoàng Lanh 

Bên cạnh đó, các đơn vị đã thực hiện cắt tỉa cành cây trong khuôn viên, sẵn sàng vật tư phòng, chống mưa bão và sơ tán người bệnh; chủ động chằng buộc cửa sổ ở các khoa, phòng. Các kíp trực thường trú phẫu thuật, gây mê, truyền máu, hành chính... sẵn sàng có mặt khi được huy động. Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình cũng đã cử 4 đội xe vận chuyển cấp cứu xuống các bệnh viện công lập ở Thái Thụy, Tiền Hải sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu.

Ngoài việc bố trí các kíp trực tại đơn vị, Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình cũng đã cử 4 đội xe vận chuyển cấp cứu xuống các bệnh viện công lập ở Thái Thụy, Tiền Hải sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu. Ảnh: Hoàng Lanh Bệnh viện Lão khoa Phước Hải dự trù thuốc, vật tư phục vụ người bệnh đang điều trị tại đơn vị. Ảnh: Hoàng Lanh 

Kiểm tra công tác phòng, chống bão tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị các đơn vị theo dõi sát diễn biến của bão số 3, không lơ là, chủ quan, có phương án PCTT và TKCN; chủ động chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động, phương án theo kế hoạch đã xây dựng, bảo đảm an toàn cho người bệnh, người nhà bệnh nhân và cán bộ, nhân viên y tế; thực hiện chằng chống cửa; chuẩn bị thuốc, hóa chất, vật tư y tế; bố trí các đội thường trực cấp cứu 24/24 giờ; duy trì liên lạc thường xuyên giữa y tế các tuyến; thực hiện chi viện và sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu; di chuyển người bệnh, máy móc, trang thiết bị, hồ sơ bệnh án… đến địa điểm an toàn; sẵn sàng máy phát điện đáp ứng việc cấp cứu người bệnh khi lưới điện bị cắt…

Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” gắn với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị, các cấp bộ đoàn, hội thành lập gần 300 đội hình thanh niên tình nguyện với khoảng 6.000 đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động ứng phó với bão số 3.

Thanh niên xã Trọng Quan (Đông Hưng) giúp gia đình khó khăn chằng chống nhà cửa ứng phó với bão số 3. Ảnh: Phương Chi 

Theo đó, tổ chức đoàn, hội các cấp, các đội thanh niên xung kích đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bão, cảnh báo tác động và các kịch bản ứng phó với bão, mưa lũ sau bão. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời thông tin về dự báo, cảnh báo về phòng, chống thiên tai để kịp thời tuyên truyền, cảnh báo trên các kênh thông tin của đoàn, hội; duy trì thông tin liên lạc, xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Đồng thời, phối hợp kiểm tra, hướng dẫn, rà soát, di dời các hộ dân sinh sống trong nhà yếu, khu vực nguy hiểm, lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản các vùng bãi thấp ven sông, ven biển vào nơi an toàn, bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức trực ban nghiêm túc, sẵn sàng nhân lực, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu, hỗ trợ khi có yêu cầu...

Gia đình neo đơn có hoàn cảnh khó khăn tại xã Trọng Quan (Đông Hưng) tiếp nhận quà tặng của Tỉnh đoàn để ứng phó với bão số 3. Ảnh: Phương Chi 

Trong chiều ngày 6/9, lãnh đạo Tỉnh đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình neo đơn có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà các đội thanh niên xung kích phòng, chống bão tại huyện Đông Hưng.

(Tin đang cập nhật)

Nhóm phóng viên