Thứ 5, 26/12/2024, 23:06[GMT+7]

Tiếp tục làm sâu sắc và đưa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng phát triển ổn định, thực chất

Thứ 3, 24/09/2024 | 08:22:41
862 lượt xem
Nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 và làm việc tại New York, Hoa Kỳ, sáng 23/9 (giờ địa phương), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Columbia.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân với các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 1 năm Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. (Ảnh TTXVN).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đề cập tới một số vấn đề trong con đường hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, về mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và tầm nhìn để xây dựng một tương lai tốt đẹp cho toàn nhân loại trước những thay đổi lớn lao, vừa mang tính chu kỳ, cấu trúc, vừa có những đột phá chưa từng có dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo và công nghệ số.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, sau gần 80 năm lập nước và gần 40 năm Đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc Đổi mới là tiền đề để dân tộc Việt Nam tin tưởng vào tương lai ở phía trước. Những thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được bắt nguồn từ con đường đúng đắn đã lựa chọn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với nỗ lực và quyết tâm của toàn dân tộc.

Trong bối cảnh tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam vẫn kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ kiên trì chính sách quốc phòng "4 không", ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, phản đối các hành động đơn phương, chính trị cường quyền, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, với thế và lực mới của đất nước, Việt Nam quyết tâm thực hiện hiệu quả ngoại giao thời đại mới, sẵn sàng đóng góp trách nhiệm một cách chủ động, tích cực hơn vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại.

Đề cập đến mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, trong gần 30 năm qua, từ cựu thù, hai nước đã trở thành đối tác, Đối tác toàn diện và nay là Đối tác chiến lược toàn diện. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, để quan hệ hai nước bước sang trang mới và phát triển tốt đẹp như ngày hôm nay, yếu tố quan trọng nhất là truyền thống nhân ái, vị tha của dân tộc Việt Nam, là sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam với tầm nhìn trí tuệ, quyết tâm và bản lĩnh để đưa đất nước Việt Nam hội nhập vào dòng chảy quốc tế. Bên cạnh đó phải kể đến nhiều bạn bè, đối tác Mỹ, đặc biệt là sự ủng hộ lưỡng đảng mạnh mẽ ở Hoa Kỳ đối với quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Đây là một trong những nền tảng quan trọng để đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu ổn định, bền vững, thực chất hơn thời gian tới.

Từ con đường đi tới của dân tộc Việt Nam và câu chuyện thành công của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá, để xây dựng một tương lai chung tốt đẹp hơn cho toàn nhân loại cần phải khẳng định và đề cao vai trò của tinh thần hàn gắn, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, trong đó, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau là quan trọng nhất.

Với truyền thống nhân văn, hòa hiếu, khoan dung của dân tộc, Việt Nam đã rất chủ động trong các bước đi hàn gắn vết thương chiến tranh. Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh đã trở thành nền tảng để hai bên hàn gắn, tiến tới bình thường hóa, xây dựng lòng tin và làm sâu sắc quan hệ. Đây sẽ vẫn là những lĩnh vực hợp tác hết sức quan trọng giữa hai nước trong nhiều năm tới, bởi hậu quả chiến tranh vẫn còn rất nặng nề, đặc biệt là đối với Việt Nam.

Từ bài học đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, để một mối quan hệ phát triển, các bên cần đẩy mạnh nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, con người, hệ thống chính trị, kinh tế-xã hội của nhau. Nhìn rộng ra, nếu các quốc gia hiểu, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, cùng nhau xây dựng lòng tin thì thế giới sẽ thêm hòa bình, bớt xung đột. Trong thời đại khoa học-công nghệ, chúng ta có thể tranh thủ những phương thức mới như nền tảng và công cụ số để thúc đẩy sự kết nối rộng rãi và hiểu biết sâu sắc hơn giữa các dân tộc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh tới tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với cộng đồng quốc tế. Vượt lên trên khuôn khổ song phương, hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ đã dần mang tầm khu vực và toàn cầu, nhất là trong ứng phó biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt...Đề cập tới vấn đề đoàn kết và hướng về tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định trong bối cảnh thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, nhân loại cần có tầm nhìn xa và sự đoàn kết hơn bao giờ hết. Không một quốc gia đơn lẻ nào, dù mạnh đến đâu, có thể một mình xử lý những vấn đề chung của thời đại và đó là cách tiếp cận và định hướng mà Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên hợp quốc đã nêu rõ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong rằng bạn bè, đối tác, các giới ở Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, viết tiếp câu chuyện thành công, truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai, và thành công đó sẽ không chỉ phục vụ tốt nhất cho lợi ích của người dân hai nước, mà còn đóng góp ngày càng thiết thực và hiệu quả cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và sự phát triển phồn vinh của các dân tộc trong khu vực và trên thế giới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói chuyện với sinh viên Đại học Columbia. (Ảnh TTXVN).

Trước đó, chiều 22/9, tại New York, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tham dự sự kiện kỷ niệm 1 năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững; hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ. Sự kiện có sự tham dự của cựu Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan cùng nhiều quan chức, cựu quan chức cấp cao trong chính quyền cùng đông đảo bạn bè Hoa Kỳ và cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Điểm lại lịch sử quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, đây là quá trình hiếm có và là hình mẫu trong quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh. Mặc dù hai nước đã có những giao thiệp đầu tiên từ cách đây hơn 2 thế kỷ, song phải trải qua nhiều thách thức, thăng trầm, từ cựu thù trong chiến tranh trở thành bạn bè và phát triển quan hệ lên thành Đối tác toàn diện vào năm 2013 và sau 10 năm triển khai khuôn khổ Đối tác toàn diện, với những bước tiến quan trọng đạt được trong việc củng cố lòng tin, tăng cường hiểu biết lẫn nhau đã tạo cơ sở vững chắc để hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững vào năm 2023, đúng với ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, kết quả này là kết tinh của vô vàn nỗ lực hàn gắn, xây dựng lòng tin bền bỉ trong suốt gần 30 năm của nhiều thế hệ lãnh đạo, chính quyền, Quốc hội và nhân dân hai nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hoan nghênh những kết quả đáng khích lệ hai bên đạt được sau một năm nâng cấp quan hệ, đồng thời cho rằng với nội hàm toàn diện và cụ thể của khuôn khổ quan hệ mới, hai bên còn nhiều dư địa để tiếp tục làm sâu sắc và đưa quan hệ song phương ngày càng phát triển ổn định, thực chất, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho nhân dân hai nước cũng như đóng góp cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và quốc tế.

Hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ vào năm 2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị hai bên cần tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai hiệu quả Tuyên bố chung Việt Nam-Hoa Kỳ năm 2023, nhất là tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn ở cấp cao; đưa hợp tác khoa học-công nghệ cao (bán dẫn, trí tuệ nhân tạo - AI), đào tạo nhân lực chất lượng cao trở thành đột phá chiến lược trong quan hệ hai nước; tiếp tục dành ưu tiên cho hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh góp phần xây dựng và củng cố lòng tin hai bên; tăng cường đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, chia sẻ lợi ích và các quan tâm chính đáng của nhau; và tăng cường phối hợp, đóng góp nhiều hơn cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi lời cảm ơn chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã có nghĩa cử hỗ trợ kịp thời đối với nhân dân Việt Nam trong cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua.

Trước đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc gặp Ban lãnh đạo Viện nghiên cứu chính sách Asia Society cùng một số bạn bè Hoa Kỳ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cảm ơn Asia Society đã dành cho đoàn đại biểu Việt Nam sự đón tiếp trọng thị và phối hợp tổ chức sự kiện nêu trên. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao sự quan tâm, ủng hộ của cá nhân Tiến sĩ Kang Kyung Wha đối với Việt Nam trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc trước đây và cương vị Chủ tịch Asia Society hiện nay và mong muốn Ban lãnh đạo Asia Society tiếp tục ủng hộ tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam và ASEAN.

Chiều 22/9, trong khuôn khổ chuyến công tác dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có cuộc gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo Đảng Cộng sản, tổ chức cánh tả và bạn bè Hoa Kỳ tại New York. Đông đủ các đại biểu đến từ các bang khác nhau, đại diện tiêu biểu cho hàng nghìn bạn bè Hoa Kỳ yêu mến Việt Nam, trong đó có lãnh đạo Đảng Cộng sản Hoa Kỳ, các tổ chức cánh tả, các nhà hoạt động hòa bình, cựu chiến binh, bạn bè, đại diện các tổ chức từ thiện, nhân đạo, tôn giáo, phi chính phủ và các doanh nghiệp đã tham dự cuộc gặp.

Đồng Chủ tịch Đảng Cộng sản Hoa Kỳ Rossana Cambron bày tỏ ấn tượng sâu sắc và được truyền cảm hứng về một nước Việt Nam hiện đại, thịnh vượng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đây là mô hình cho tăng trưởng bền vững, nâng cao đời sống nhân dân và là mẫu mực của việc đưa lý thuyết về xã hội xã hội chủ nghĩa thành hiện thực; khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ giữa hai Đảng trong thời gian tới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cảm ơn các đồng chí, bạn bè đã thu xếp thời gian đến dự cuộc gặp; bày tỏ trân trọng, xúc động trước sự ủng hộ, tình cảm của những đồng chí cộng sản, bạn bè, nhân dân Hoa Kỳ đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ. Tại cuộc gặp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc mừng và trân trọng trao Huân chương Hữu nghị tặng các cá nhân có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng, góp phần tăng cường quan hệ giữa nhân dân hai nước.

Chiều 22/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp ông Brendan Nelson - Chủ tịch Boeing Toàn cầu, tập đoàn hàng không lớn nhất thế giới. Đánh giá cao thành tựu kinh doanh cũng như sự hợp tác, hỗ trợ của Boeing với Việt Nam trong thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ghi nhận những cam kết của Boeing về việc hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ sinh thái công nghiệp hàng không và vũ trụ trong thời gian tới.

Chiều 22/9, tại New York, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự buổi tọa đàm với chủ đề Tăng cường hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Tọa đàm có sự tham gia của các lãnh đạo, chuyên gia các tập đoàn công nghệ, tổ chức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn và AI tại Hoa Kỳ như AMD, Google, Marvell, Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI)…

Chia sẻ với những phát biểu rất tâm huyết, đi thẳng vào các chủ đề về cơ hội hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và AI, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ thống nhất với ý kiến của các đại biểu. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam xác định phát triển đất nước nhanh, bền vững dựa vào khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đảng, Nhà nước xác định 3 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế-xã hội đất nước đến năm 2030 là thể chế, hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và giá trị văn hóa con người Việt Nam. Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên trong phát triển khoa học-công nghệ; sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành phụ trợ khác.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ Việt Nam hiện đứng ở một thời điểm quan trọng cho sự chuyển đổi hướng tới nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đang ưu tiên phát triển mạnh mẽ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, Việt Nam khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu và phát triển, năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ... Đây cũng chính là những lĩnh vực mà các nhà đầu tư Hoa Kỳ có nhiều tiềm năng và thế mạnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định tiềm năng hợp tác của các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn và AI là rất lớn và có nhiều ý nghĩa trong thời kỳ mới, đặc biệt là sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với 2 trụ cột hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghiệp bán dẫn. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai bên cùng phát huy, khai thác lợi thế của mỗi bên...

Đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan và Tập đoàn FPT trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng rằng cùng với sự góp sức của tất cả, mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia sẽ ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả, góp phần cho sự phát triển bền vững.

Ngày 22/9, nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai và Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 tại New York, Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez, Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Baiba Braze và Bộ trưởng Ngoại giao Uzbekistan Bakhtior Saidov, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Myanmar Julie Bishop.

Tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trân trọng cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba đã gửi lời hỏi thăm, động viên nhân dân Việt Nam vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và có những cử chỉ chia buồn thắm tình anh em, đồng chí trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng, mong muốn tiếp tục vun đắp và phát triển hơn nữa quan hệ đặc biệt Việt Nam-Cuba, trong đó chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tiếp tục tạo những dấu mốc mới cho mối quan hệ đồng chí, anh em tin cậy và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Baiba Braze, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cảm ơn Latvia đã ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, đề nghị Latvia tiếp tục ủng hộ ứng cử của Việt Nam vào các cơ chế của Liên hợp quốc trong thời gian tới; mong muốn Latvia có tiếng nói thúc đẩy 9 nước thành viên còn lại trong EU sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), ủng hộ EC sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam.

Tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Uzbekistan Bakhtior Saidov, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gửi lời cảm ơn Tổng thống và nhân dân Uzbekistan đã gửi lời thăm hỏi, động viên nhân dân Việt Nam vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3; bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ song phương trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, thực chất, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, dầu khí, nông nghiệp, giáo dục đi vào chiều sâu, thực chất.

Tiếp bà Julie Bishop, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Myanmar, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác, ủng hộ vai trò và các nỗ lực của bà Đặc phái viên trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình bền vững, vì lợi ích của nhân dân Myanmar, vì hòa bình và ổn định ở khu vực.

Theo: nhandan.vn



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày