Chủ nhật, 24/11/2024, 21:15[GMT+7]

Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79: Hành động vì tương lai tốt đẹp hơn

Thứ 4, 25/09/2024 | 07:52:30
1,787 lượt xem
Căng thẳng địa chính trị, xung đột, đói nghèo, dịch bệnh, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu… là những thách thức khiến các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) có nguy cơ dần xa tầm với. Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79, với điểm nhấn là Phiên thảo luận chung cấp cao và Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm tìm lời giải cho những bài toán hóc búa này.

Bức tranh tường của Eduardo Kobra tại Trụ sở Liên hợp quốc. (Ảnh: UN)

Cảnh báo về những thách thức an ninh truyền thống và cả phi truyền thống một lần nữa được gióng lên ngay khi Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 khai mạc hồi đầu tuần trước. Theo Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 Philemon Yang, hợp tác đa phương vẫn là công cụ hiệu quả nhất để giải quyết những vấn đề không biên giới này. Ông Yang kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường phối hợp nhằm hiện thực hóa khát vọng hòa bình và phát triển bền vững.

Là hoạt động quan trọng của khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tuần lễ cấp cao diễn ra vào tuần tới với điểm nhấn là Phiên thảo luận chung cấp cao về một loạt vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay.

Phiên thảo luận chung cấp cao có chủ đề “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Cùng hành động để thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người cho các thế hệ hiện tại và mai sau”. Nhóm họp tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), lãnh đạo, đại diện các quốc gia thành viên sẽ nêu bật quan điểm và tầm nhìn về những vấn đề chung quanh chủ đề nêu trên, tập trung tìm giải pháp cho những thách thức toàn cầu đan xen.

Là hoạt động quan trọng của khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tuần lễ cấp cao diễn ra vào tuần tới với điểm nhấn là Phiên thảo luận chung cấp cao về một loạt vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay.

Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao, phiên họp cấp cao về giải quyết các mối đe dọa hiện hữu do mực nước biển dâng hướng tới các biện pháp toàn diện và cam kết thiết thực nhằm bảo đảm một tương lai kiên cường và bền vững hơn, nhất là cho các vùng trũng thấp và các quốc đảo nhỏ đang phát triển. Đẩy nhanh tiến độ của nỗ lực chống tình trạng kháng kháng sinh (AMR), đồng thời thúc đẩy phát triển các phương pháp điều trị mới nhằm bảo vệ sức khỏe người dân cũng là nội dung được bàn thảo tại một phiên họp cấp cao trong Tuần lễ cấp cao.

Nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân (26/9), một phiên họp cấp cao được tổ chức nhằm tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của mục tiêu này, vốn được nêu ngay trong nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1946.

Ngay trước Phiên thảo luận chung cấp cao, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai diễn ra với chủ đề “Giải pháp đa phương vì một tương lai tốt đẹp hơn”. Là sự kiện được trông đợi thời gian qua, Hội nghị có sự góp mặt của các nhà lãnh đạo đến từ hơn 130 quốc gia. Dựa trên những nội dung đã được xây dựng và sẽ được trao đổi tại hội nghị, các quốc gia thành viên dự kiến thông qua Thỏa thuận vì Tương lai. Đây là một văn kiện nhằm thúc đẩy hợp tác toàn cầu và ứng phó hiệu quả thách thức vì lợi ích của mọi người dân và các thế hệ tương lai.

Trước thềm sự kiện mang tính bước ngoặt nêu trên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu bật những bước đột phá được kỳ vọng từ Thỏa thuận vì Tương lai, trong đó có biện pháp quản lý công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), tiến bộ về cải cách cấu trúc tài chính quốc tế, cam kết tăng nguồn lực hỗ trợ các nước đang phát triển đạt được các SDG.

Ông Guterres nhấn mạnh Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai là bước thiết yếu hướng tới cải cách các thể chế toàn cầu phù hợp và hiệu quả hơn.

Theo ông Guterres, các giá trị nền tảng là trường tồn, song các thể chế đa phương không thể “bị đóng băng” theo thời gian. Những cơ chế ra đời từ hàng chục năm trước nếu không có được cải tổ thì khó có thể bắt kịp những xu thế phát triển, cũng như vượt qua những rào cản mới đặt ra.

Không thể ứng phó với đại dịch hay “cú sốc toàn cầu” mà không có sự chung tay của cộng đồng quốc tế. Trong thông điệp đưa ra trước thềm các sự kiện đa phương quan trọng, người đứng đầu Liên hợp quốc nêu rõ, sự đồng thuận giữa các quốc gia đóng vai trò quan trọng. Đây là cơ hội để đạt được những cam kết, thỏa thuận sâu rộng nhằm ứng phó những thách thức cấp bách và lấp “lỗ hổng” trong quản trị toàn cầu, vì một thế giới an toàn, bền vững và công bằng hơn.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày