Chủ nhật, 05/01/2025, 08:27[GMT+7]

ThaiBinh Seed: Đổi mới để phát triển

Thứ 2, 13/12/2021 | 08:56:11
5,068 lượt xem
Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed - tiền thân là Công ty Giống lúa Thái Bình là một trong những công ty giống cây trồng được thành lập sớm nhất ở Việt Nam. Trải qua 50 năm hình thành và phát triển, kết quả lớn nhất mà ThaiBinh Seed đóng góp cho ngành Nông nghiệp và ngành giống cây trồng Việt Nam là luôn đi đầu trong quá trình đổi mới.

Những giống cây trồng của ThaiBinh Seed đã góp phần mang lại những mùa vàng cho người nông dân.

Cái “mới” đầu tiên mang tính “xé rào”, cũng là đột phá tạo đà để ThaiBinh Seed vững vàng tiến lên trên con đường đổi mới phải kể đến là việc thực hiện thành công cơ chế “khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động” tại trại giống lúa cấp 1 Đông Cơ. 

Trong buổi nói chuyện ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của Công ty, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc ThaiBinh Seed chia sẻ: Trại giống Đông Cơ có 56ha đất dành cho sản xuất lúa giống nhưng từ năm 1987 trở về trước, mỗi năm chỉ được giao sản xuất 60 tấn lúa giống, nghĩa là mỗi năm mỗi héc-ta đất chỉ làm ra khoảng 1,1 tấn lúa giống, trong khi hơn 20 năm trước (1966), Thái Bình đã là quê hương 5 tấn. Khi được phân công phụ trách trại Đông Cơ, ước muốn tạo được những giống lúa có năng suất cao, có chất lượng tốt, xác lập được thương hiệu giống Việt Nam trên thị trường đã nhen nhóm trong tâm trí tôi để từ đó hình thành ý tưởng “khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động”.

Đây là đơn vị đầu tiên trong hệ thống nông nghiệp quốc doanh thực hiện cơ chế này. Sau một năm làm thử, kết quả thật bất ngờ. Trước đây, nhân viên của trại giống Đông Cơ chỉ được 13kg gạo/tháng, còn người lao động trực tiếp cày ruộng được hưởng 16kg gạo/tháng. Sau khoán, người lao động được hưởng 40kg gạo/tháng. Trại giống Đông Cơ đã sản xuất được trên 600 tấn thóc/năm, tăng gấp 10 lần trước đây. Chỉ trong hai năm 1988 - 1989, Công ty đã vượt qua thời kỳ bao cấp một cách ngoạn mục bằng cách xóa bỏ toàn bộ chế độ tem phiếu. Nhờ thành tích đó, năm 1992 trại giống Đông Cơ vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, đây là tấm huân chương lao động đầu tiên của Công ty.

Năm 2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed ủng hộ khoảng 2,3 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong cuốn “Đối thoại với cánh đồng”, lãnh đạo ThaiBinh Seed viết: Quyền được tự chủ trong sản xuất, quyền được hưởng thành quả đúng với công sức của mình đã bỏ ra trên đồng ruộng của người lao động là hoàn toàn chính đáng, là xu thế tất yếu của xã hội. Chỉ có đi theo con đường ấy chứ không còn con đường nào khác. Còn nếu cứ chấm công kiểu gọng vó, cào bằng thì chúng ta chỉ ngày càng lụi bại.

Cũng từ trại giống Đông Cơ, năm 1989 lãnh đạo ThaiBinh Seed là Trưởng trại lúc bấy giờ có quyết định táo bạo: xây dựng cửa hàng bán lẻ thóc giống, xóa bỏ chế độ bán hàng theo kế hoạch, tổ chức hệ thống bán lẻ đến tận tay nông dân. Bao bì thô sơ, tự làm từ vỏ bao xi măng, đóng gói theo quy cách 5kg/túi, 10kg/túi là mẫu bao bì bán lẻ thóc giống đầu tiên trong lịch sử ngành giống cây trồng Việt Nam, qua đó đẩy mạnh thương mại hóa, là tiền đề cho hệ thống bán lẻ rộng khắp của ThaiBinh Seed hiện tại. Cũng từ đây, ý tưởng xây dựng thương hiệu doanh nghiệp nhen nhóm, logo đầu tiên do chính Tổng giám đốc Công ty Trần Mạnh Báo vẽ từ năm 1988 được lấy làm logo của Công ty giai đoạn 1994 - 2015. Chữ G với hình ảnh mầm lúa nhú lên có nhiều ý nghĩa: G cũng là giống, G cũng là vàng (golden), những hạt giống Thái Bình đem lại những hạt vàng cho nông dân, cũng là cái đích của người làm lúa giống.

Một doanh nghiệp không có chiến lược phát triển giống như người đi trong đêm tối mà không tìm thấy đường ra. Bên cạnh trí tuệ - công nghệ, mở rộng quan hệ hợp tác là một trụ cột chiến lược mà ThaiBinh Seed đặc biệt quan tâm. Năm 2002, ThaiBinh Seed trở thành doanh nghiệp đầu tiên ở miền Bắc tham gia Hiệp hội Giống cây trồng Châu Á Thái Bình Dương (ASPA). Hiện nay, ThaiBinh Seed có quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, công ty giống cây trồng các nước trong khu vực và trên thế giới như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Israel, Ấn Độ, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Bangladesh, Thái Lan... Ở trong nước, ThaiBinh Seed là thành viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), là đơn vị đưa ra ý tưởng và là một trong những thành viên sáng lập Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam; và có quan hệ với hầu hết các viện nghiên cứu, đại học, công ty và trung tâm giống cây trồng trong cả nước. ThaiBinh Seed cũng đơn vị đầu tiên thành lập “Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới” trực thuộc doanh nghiệp tại Thái Bình và trong ngành giống cây trồng Việt Nam; đơn vị đầu tiên trong ngành giống cây trồng Việt Nam xây dựng phòng thử nghiệm quốc gia (mã số VILAS 110) và thực hiện 3 hệ thống quản lý chất lượng quốc tế (ISO 9001 - 2015, ISO 17025 và TQM).

Để phục vụ sản xuất vụ xuân năm 2022, ThaiBinh Seed cung cấp ra thị trường trên 10.000 tấn lúa giống.

Mới đây, ThaiBinh Seed đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác toàn diện với Tập đoàn SATAKE (Nhật Bản) về phát triển ngành hàng lúa gạo ở Việt Nam như một cam kết khẳng định quyết tâm hiện thực hóa chiến lược từng bước vươn ra thị trường nước ngoài, tiếp tục đưa ThaiBinh Seed trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành giống cây trồng Việt Nam.

Ngân Huyền