Thứ 7, 18/01/2025, 10:43[GMT+7]

Khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả lao động

Thứ 3, 06/09/2022 | 08:43:21
12,638 lượt xem
Thời gian qua, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) trong tỉnh đã đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả trong lao động, sản xuất cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Nghiên cứu giống cây trồng tại ThaiBinh Seed.

Theo ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed): Trong xu thế hội nhập hiện nay, đối với mỗi doanh nghiệp không có con đường nào khác là phải ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh, quản lý, nghiên cứu sản phẩm mới. Doanh nghiệp nào biết đầu tư cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất thì doanh nghiệp đó sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Từ nhận thức đó, ThaiBinh Seed đã xây dựng chiến lược phát triển dựa trên ba trụ cột chính là nguồn nhân lực chất lượng, ứng dụng KHCN và quan hệ hợp tác. Việc ứng dụng KHCN của ThaiBinh Seed được thực hiện một cách chủ động, đồng bộ, toàn diện và phù hợp với từng nhiệm vụ cụ thể bao gồm: nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, xây dựng hệ thống sản xuất, công nghệ chế biến, bảo quản, quản lý chất lượng sản phẩm... Trong đó, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới được coi là hướng mũi nhọn trong hoạt động KHCN. Mỗi năm, ThaiBinh Seed thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu cấp quốc gia, bộ, tỉnh và doanh nghiệp. Các giống cây của ThaiBinh Seed sau khi được công nhận đã nhanh chóng trở thành những giống chủ lực trong cơ cấu sản xuất của các địa phương và chiếm khoảng 20% thị phần giống lúa cả nước, góp phần tăng thu nhập cho nông dân mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng. Từ kết quả ứng dụng KHCN vào hoạt động, ThaiBinh Seed liên tục phát triển với tốc độ cao, trở thành 1 trong 500 doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam 5 năm liên tục và là một trong số những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành giống cây trồng Việt Nam.

Ứng dụng KHCN vào sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ tưới thông minh vào trồng dưa lưới hướng hữu cơ trong nhà màng. Mô hình ứng dụng công nghệ trồng cây trong bầu giá thể (xơ dừa trộn đất), giúp rễ cây không tiếp xúc với nguồn lây bệnh từ đất, tạo độ thông thoáng cho bộ rễ. Trồng bằng phương thức này, nước và dinh dưỡng cho cây được cung cấp qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Ưu điểm nổi bật của hệ thống tưới nhỏ giọt là nước tưới, dinh dưỡng chính xác đến từng cây, từng giai đoạn sinh trưởng của cây, người trồng có thể theo dõi các thông số kỹ thuật hàng ngày như độ ẩm đất, dinh dưỡng và có thể tưới kèm phân bón. Ngoài ra, tưới nhỏ giọt được thiết lập để chạy tự động là bước tiến quan trọng trong tự động hóa sản xuất. Không chỉ tiết kiệm được 30 - 60% lượng nước và phân bón mà còn ngăn ngừa bệnh cho cây trồng. Trồng dưa lưới trong nhà màng an toàn về thời tiết, hạn chế sâu bệnh có thể trồng được lên tới 3 vụ/năm, góp phần nâng cao năng suất và lợi nhuận cho người lao động.

Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 song hoạt động KHCN đã tạo nhiều ấn tượng tích cực. Tiêu biểu là trong lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh đã khảo nghiệm, tuyển chọn được nhiều giống cây trồng mới triển vọng, có giá trị kinh tế cao và dự kiến đưa vào sản xuất như dưa lê (kim bạch và cẩm châu), măng tây xanh, bí đá trái dài... Trong công tác chăn nuôi, việc ứng dụng nguồn gen mới để tạo đàn bê lai cao sản (bò cái nền lai Zebu của địa phương với bò đực Wagyu và Red Angus) nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò thịt tại tỉnh đã mang lại kết quả tích cực với hơn 100 con bê lai đã được sinh sản và nuôi dưỡng. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, các trang thiết bị hiện đại, nhiều kỹ thuật mới được ứng dụng vào công tác khám chữa bệnh, công tác y tế dự phòng, sản xuất dược phẩm - vật tư y tế. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quá trình ứng dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường nước thải, chăn nuôi gia súc, gia cầm đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn sản xuất và đời sống...

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được và khắc phục một số hạn chế còn tồn tại, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiến hành cơ cấu lại các nhiệm vụ KHCN, trong đó định hướng lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe của nhân dân đạt trên 60% nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh; huy động tối đa các nguồn lực để tổ chức thực hiện các chương trình, nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các chương trình lớn như: chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030; chương trình đổi mới công nghệ quốc gia..., qua đó góp phần vào việc đưa KHCN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mô hình trồng dưa lưới nhà màng của Trung tâm khuyến nông Thái Bình.


Ngọc Mai