Thứ 7, 23/11/2024, 15:10[GMT+7]

Liên kết sản xuất - Hướng đi hiệu quả (Kỳ 2)

Thứ 2, 02/12/2019 | 09:04:40
4,199 lượt xem
Dù mang lại giá trị kinh tế cao song những mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tham quan mô hình liên kết sản xuất của ThaiBinh Seed với xã Điệp Nông (Hưng Hà).

Kỳ 2: Còn nhiều khó khăn

Là đơn vị trung gian, đầu mối ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên HTX từ nhiều năm nay, HTX SXKD DVNN xã Điệp Nông (Hưng Hà) đã liên kết sản xuất với doanh nghiệp để đưa nhiều giống cây trồng mới sản xuất tại địa phương. Đồng thời, cung ứng giống, vật tư phân bón, nguyên liệu sản xuất cho các thành viên theo hình thức trả chậm. Hiện nay, HTX liên kết với 10 doanh nghiệp tiêu thụ 12 - 15 loại nông sản. Tham gia vào các mô hình liên kết sản xuất do HTX ký kết với doanh nghiệp, người nông dân được tập huấn kỹ thuật sản xuất và yên tâm đầu tư sản xuất bởi đã có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra của sản phẩm. 

Bà Lê Thị Dịu, xã Điệp Nông chia sẻ: Nhờ có liên kết trong sản xuất, nông dân chúng tôi phấn khởi bởi không còn phải lo chuyện tiêu thụ sản phẩm, cũng như không phải lo cảnh bị thương lái ép giá. Tuy khá thành công trong việc liên kết sản xuất, nhưng quá trình hoạt động vẫn còn gặp nhiều khó khăn. 

Ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Số loại nông sản HTX ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp vẫn còn ít, mới chỉ có ngô và một số loại rau xanh… Vì vậy, nông sản làm ra nông dân vẫn phải bán cho thương lái nên giá cả không ổn định. Việc bảo quản chưa bảo đảm làm ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, do nhận thức của một số nông dân còn hạn chế nên có thời gian dù HTX đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp song đến khi thu hoạch nông dân tự ý bán cho thương lái bởi họ bán được giá cao hơn so với hợp đồng đã ký trước đó khiến hợp đồng với doanh nghiệp bị phá vỡ, làm giảm uy tín đối với doanh nghiệp. 

Còn tại xã Đông Hải (Quỳnh Phụ) hiện nay có 6 cơ sở và 16 hộ gia đình làm nghề sản xuất bánh đa. Với thương hiệu truyền thống bánh đa làng Dụ Đại, mỗi ngày một hộ sản xuất ra hơn 2 tấn bánh đa, song sản phẩm vẫn chủ yếu tự tìm đầu ra. Hiện nay, tại địa phương có một số cá nhân đứng lên thu gom bao tiêu sản phẩm của các hộ sản xuất. Tuy nhiên, họ không thể quyết định được giá cả vật tư nguyên liệu sản xuất sản phẩm cũng như chất lượng sản phẩm của các hộ sản xuất dẫn đến sản phẩm chưa có thương hiệu, bán ra có giá trị chưa cao, lợi nhuận ít và ít có khả năng mở rộng sản xuất quy mô lớn. Đặc biệt, mặc dù làng nghề nổi tiếng song chưa có doanh nghiệp nào về đầu tư liên kết sản xuất. 

Về vấn đề này, ông Hoàng Phó Ngân, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Địa phương giao cho HTX đứng lên ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Thế nhưng HTX lại là đối tượng yếu thế trong quan hệ giao dịch đàm phán và chia sẻ lợi ích với các doanh nghiệp. Vì vậy, việc liên kết trong hoạt động sản xuất tiêu thụ sản phẩm chưa phát triển ở địa phương. 

Trồng kê tại HTX SXKD an toàn Vũ Anh, xã Hồng Minh (Hưng Hà).

Bà Nguyễn Thị Nõn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Độc Lập (Hưng Hà) cho biết: Có thể nói, hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất đã giúp nhiều hộ nông dân giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu các khâu từ cơ giới hóa, tăng khả năng tiếp cận với khoa học kỹ thuật, giúp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu thị trường từ đó tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản. Cụ thể, HTX đã vận động các hộ thành viên tham gia vùng cánh đồng mẫu gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, vùng cánh đồng mẫu có 170 hộ tham gia với diện tích 50ha chủ yếu sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Sản lượng tiêu thụ hàng năm đạt 150 - 250 tấn.  Tuy vậy, ngoài những hạn chế khác thì có một nguyên nhân khiến việc liên kết chưa thực sự phát huy hiệu quả là khi HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, cùng với những lợi ích nhất định thì việc giá cả thu mua của doanh nghiệp chưa thực sự hấp dẫn và còn có sự chênh lệch so với thương lái nên dẫn đến tình trạng nông dân phá vỡ hợp đồng hoặc chưa hưởng ứng tích cực. 

Thực tế hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong thời gian qua cho thấy các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn còn ở quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, trong liên kết sản xuất, HTX đóng vai trò then chốt, nhưng hiện nay các HTX đứng ra thu mua nông sản còn hạn chế. Nhiều HTX còn hạn chế trong quan hệ giao dịch với doanh nghiệp. Tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa người dân và doanh nghiệp còn có thêm nguyên nhân là doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến lợi ích thỏa đáng của người sản xuất. Với những khó khăn đó, nhiều địa phương, doanh nghiệp và nông dân hiện nay vẫn đang loay hoay tìm giải pháp để tạo điều kiện cho liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phát triển bền vững.

(còn nữa)

Mai Thư 

  • Từ khóa