Chủ nhật, 24/11/2024, 18:21[GMT+7]

Bước tiến trong hợp tác giữa EU và GCC

Chủ nhật, 20/10/2024 | 08:50:14
1,243 lượt xem
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Liên minh châu Âu (EU) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) diễn ra ở Brussels, Bỉ đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương. Hội nghị là sự tiếp nối các nỗ lực gắn kết giữa EU và GCC thời gian qua, đồng thời hướng tới tìm giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay tại Trung Đông, vốn đang gây những cú sốc nặng nề cho kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế châu Âu nói riêng.

Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh EU-GCC ở Brussels, Bỉ ngày 16/10/2024. Ảnh: AA/TTXVN

Hội nghị thượng đỉnh EU-GCC diễn ra dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, người đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của GCC. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận về những chủ đề quan trọng mang tính toàn cầu, như ứng phó biến đổi khí hậu và khủng hoảng năng lượng, thúc đẩy hợp tác kinh tế, tăng cường an ninh khu vực và quốc tế trước những thách thức về địa chính trị.

Việc EU và các quốc gia vùng Vịnh coi trọng tăng cường hợp tác trong một thế giới nhiều biến động như hiện nay là điều tất yếu. Với vị trí địa lý gần khu vực Trung Đông, EU chịu nhiều tác động bởi tình hình an ninh, chính trị, kinh tế của nơi này. Vùng Vịnh là nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn cho châu Âu, trong bối cảnh EU nỗ lực tìm cách đa dạng hóa nguồn cung khí đốt trước những hệ lụy từ cuộc xung đột ở Ukraine. Các quốc gia vùng Vịnh như Qatar, Oman còn đóng vai trò trung gian quan trọng trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, vốn là một trong những ưu tiên đối ngoại của EU.

Về phía các quốc gia vùng Vịnh, họ cũng đang đẩy nhanh kế hoạch hội nhập, thu hút mạnh mẽ sự tham gia của doanh nghiệp quốc tế vào thị trường vùng Vịnh trong bối cảnh khu vực này tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào dầu mỏ. Đồng thời, các quốc gia này còn tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ, ủng hộ từ cộng đồng quốc tế để đối phó những thách thức an ninh nghiêm trọng đang nổi lên ở khu vực. Cũng bởi vậy, một trong những chủ đề quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh EU-GCC là tăng cường phối hợp hành động, tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Trung Đông.

Do căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ, kể từ ngày 19/11/2023 đến nay, hơn 6.600 tàu đã chuyển hướng khỏi kênh đào Suez để chọn tuyến đường dài hơn và đắt đỏ hơn qua Mũi Hảo Vọng ở miền nam châu Phi. "Sóng gió" tại Biển Đỏ đẩy giá cước vận tải tăng cao, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Trước tình hình này, hồi tháng 2/2024, Hội đồng châu Âu quyết định tiến hành chiến dịch an toàn hàng hải mang tên "Chiến dịch Aspides", đánh dấu hành động cụ thể của EU về bảo đảm an ninh hàng hải tại khu vực trước các đợt tấn công của lực lượng Houthi.

Quan hệ hợp tác giữa EU và GCC đã phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh từ khi hai bên ký hiệp định hợp tác vào năm 1989. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của các quốc gia vùng Vịnh, với trao đổi thương mại giữa hai bên ghi nhận 170 tỷ euro trong năm 2023. Tháng 5/2022, EU đã thông qua quan hệ Đối tác chiến lược với vùng Vịnh, nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức khu vực quan trọng này. EU cũng bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Ngoại giao Italia Luigi Di Maio làm Đại diện đặc biệt đầu tiên của EU tại vùng Vịnh. Sau hàng loạt nỗ lực kết nối, Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa EU và GCC là một bước tiến lớn, tạo cơ hội để EU mở rộng quan hệ đối tác với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Qatar…, những quốc gia có vị thế địa chính trị quan trọng, đồng thời góp phần củng cố vai trò chính trị và an ninh của EU tại vùng Vịnh.

Những biến động phức tạp về an ninh, kinh tế của thế giới đang thôi thúc EU và GCC xích lại gần nhau. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, tương lai của châu Âu và các quốc gia vùng Vịnh có mối liên hệ mật thiết với nhau. Hội nghị cấp cao đầu tiên này được nhận định tạo động lực để hai bên tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác, tìm kiếm những thỏa thuận chiến lược sâu rộng hơn và đối phó các thách thức chung phức tạp.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày