Hợp tác toàn cầu vì một tương lai tốt đẹp hơn
Ngày 24/10/1945, Liên hợp quốc, tổ chức toàn cầu lớn nhất thế giới, đã ra đời khi Hiến chương Liên hợp quốc được Trung Quốc, Pháp, Liên Xô, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và đa số các quốc gia ký trước đó phê chuẩn. Đây là cột mốc đánh dấu một bước phát triển lịch sử trong quan hệ quốc tế hiện đại, mở ra một thời kỳ mới trong việc giải quyết, ngăn ngừa xung đột và gìn giữ hòa bình quốc tế.
Sự ra đời của Liên hợp quốc phản ánh khát vọng chung của nhân dân các nước về một thế giới hòa bình, an ninh và phát triển sau những nỗi kinh hoàng của Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo Hiến chương Liên hợp quốc, các quốc gia đã trao cho tổ chức này vai trò là trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế để thực hiện các mục tiêu chung là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia; thúc đẩy hợp tác giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền và phẩm giá con người.
Ngày 24/10 được chọn kỷ niệm là Ngày Liên hợp quốc kể từ năm 1948. Đến năm 1971, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định chọn ngày này trở thành một ngày kỷ niệm của tất cả các quốc gia thành viên. Kể từ khi thành lập, Liên hợp quốc đã không ngừng nỗ lực để thúc đẩy sự hợp tác, đoàn kết giữa các quốc gia trên thế giới, thông qua việc khuyến khích các cơ chế đối thoại và ngoại giao để giải quyết các tranh chấp quốc tế và tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Ngày Liên hợp quốc mang đến cơ hội để chúng ta cùng suy ngẫm về các giá trị về quyền con người, sự thống nhất và những công bằng xã hội mà Liên hợp quốc đóng vai trò dẫn dắt, để chúng ta cùng vượt qua các cuộc khủng hoảng như đói nghèo, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và đại dịch.
Đây cũng chính là tinh thần được nêu lên trong chủ đề của Ngày Liên hợp quốc năm nay (24/10/2024), đó là: "Hợp tác toàn cầu vì một tương lai tốt đẹp hơn". Kỷ niệm Ngày Liên hợp quốc, chúng ta cùng tôn vinh những nỗ lực đang diễn ra nhằm tạo ra một thế giới mà ở đó, mọi người từ các quốc gia khác nhau có thể cùng chung sống, cùng phát triển trong phẩm giá và sự hòa hợp.
Những đóng góp quan trọng của Liên hợp quốc
Đến nay, Liên hợp quốc đã trải qua 79 năm phát triển, trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia của hầu như toàn bộ các quốc gia độc lập của hành tinh. Vai trò và hoạt động của Liên hợp quốc được mở rộng về mọi mặt, nỗ lực hoạt động hướng tới thực hiện các tôn chỉ mục đích đã được đề ra, qua đó đem lại những tác động tích cực, to lớn đến đời sống quốc tế và từng dân tộc. Từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập, Liên hợp quốc hiện có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm 6 cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 Ủy ban kinh tế - xã hội đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, từ giải quyết và ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị và không phổ biến, chống khủng bố, bảo vệ người tị nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển kinh tế và xã hội…
Với những thành tựu quan trọng đã đạt được, Liên hợp quốc đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn. Những đóng góp chính của Liên hợp quốc trong thời gian qua bao quát trong nhiều lĩnh vực bao gồm:
Trong lĩnh vực hòa bình và an ninh quốc tế: Đóng góp lớn nhất của Liên hợp quốc là đã góp phần ngăn chặn không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới, hỗ trợ giải quyết nhiều cuộc xung đột và tranh chấp quốc tế. Liên hợp quốc cũng đã thành công trong việc thúc đẩy quá trình phi thực dân hóa. Hiến chương Liên hợp quốc ngay từ đầu đã đề ra những nguyên tắc định hướng cho những nỗ lực phi thực dân hóa của Liên hợp quốc, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc, và thành lập Hội đồng Quản thác để theo dõi các vùng lãnh thổ không tự quản. Năm 1960, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên bố về việc trao độc lập cho các quốc gia và dân tộc thuộc địa, năm 1962, thành lập Ủy ban đặc biệt về Phi thực dân hóa để giám sát việc thực hiện Tuyên bố, năm 1990, quyết định giai đoạn 1990 - 2000 là Thập kỷ quốc tế về xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, và tiếp đó năm 2001, thông qua giai đoạn 2001 - 2010 là Thập kỷ quốc tế thứ hai về xóa bỏ chủ nghĩa thực dân. Nhờ những nỗ lực đó, 750 triệu người – chiếm gần 1/3 dân số thế giới – sống ở các vùng lãnh thổ không tự quản vào năm 1945 khi Liên hợp quốc được thành lập đến nay đã trở thành 80 quốc gia độc lập. Chính những nỗ lực phi thực dân hóa này đã làm thay đổi Liên hợp quốc với sự gia tăng đáng kể số lượng thành viên từ 51 nước ban đầu lên 193 nước hiện nay.
Trong lĩnh vực phát triển: Liên hợp quốc với hệ thống các chương trình, quỹ trực thuộc, các tổ chức chuyên môn và các tổ chức liên chính phủ gắn với Liên hợp quốc đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nâng cao đời sống của người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho những tiến bộ về kinh tế và xã hội trên toàn thế giới. Liên hợp quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự đồng thuận quốc tế trong những nỗ lực thúc đẩy phát triển.
Trong lĩnh vực bảo đảm, thúc đẩy quyền con người: Thông qua các nỗ lực của Liên hợp quốc, các quốc gia đã xây dựng và ký kết nhiều điều ước quốc tế quan trọng nhằm xây dựng một thế giới an toàn hơn và công bằng hơn cho tất cả mọi người. Năm 1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền, đưa ra những quyền và tự do cơ bản của con người. Văn kiện này đã làm cơ sở cho việc ra đời hơn 80 công ước và tuyên bố quốc tế về quyền con người, trong đó có Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và Công ước về quyền dân sự và chính trị.
Trong lĩnh vực tăng cường luật pháp quốc tế: Liên hợp quốc đã có những đóng góp to lớn trong việc pháp điển hóa và phát triển luật pháp quốc tế, đưa ra khuyến nghị định hướng cho các chủ đề của luật pháp quốc tế và xây dựng chuẩn mực cho các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Hơn 500 điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong nhiều lĩnh vực đã được ký kết, tạo khuôn khổ chung cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
“Hãy giữ cho ngọn hải đăng và các lý tưởng của nó luôn tỏa sáng”
Trong thông điệp gửi đi nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Liên hợp quốc (24/10/1945 – 24/10/2024), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Liên hợp quốc là tổ chức được xây dựng bởi thế giới và vì thế giới”. Kể từ khi được thành lập vào năm 1945 cho tới nay, Liên hợp quốc đã trở thành nơi tập hợp sự đoàn kết giữa các quốc gia vì các giải pháp toàn cầu cho các vấn đề toàn cầu. Trong đó phải kể tới các giải pháp làm giảm căng thẳng, xây dựng cầu nối và tạo dựng hòa bình; Các giải pháp xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất; Các giải pháp cứu trợ những người đang sống trong xung đột, bạo lực, khó khăn kinh tế và thảm họa khí hậu; Các giải pháp cân bằng cán cân công lý và bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái; Các giải pháp giải quyết các vấn đề mà chúng ta chưa thể tưởng tượng được vào năm 1945 như biến đổi khí hậu, công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và không gian vũ trụ.
Vào tháng 9/2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Hiệp ước cho Tương lai, Hiệp ước Kỹ thuật số Toàn cầu và Tuyên bố về Thế hệ Tương lai. Các thỏa thuận quan trọng này sẽ giúp đảm bảo rằng hệ thống Liên hợp quốc thích ứng, được cải cách và trẻ hóa để phù hợp với những thay đổi và thách thức xung quanh chúng ta cũng như đưa ra giải pháp cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, dù có thay đổi ra sao thì công việc của Liên hợp quốc sẽ luôn bắt nguồn từ các giá trị và nguyên tắc vượt thời gian của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, cũng như từ phẩm giá và quyền con người của mỗi người.
Người đứng đầu Liên hợp quốc chỉ ra rằng, trong một thế giới đầy biến động với nhiều thách thức như ngày nay, chỉ hy vọng thôi là không đủ. “Những hy vọng đó đòi hỏi chúng ta phải hành động quyết tâm và các giải pháp đa phương cho hòa bình, thịnh vượng chung và một hành tinh thịnh vượng. Hy vọng cũng đòi hỏi tất cả các quốc gia cùng chung tay. Hy vọng đó cần đến vai trò của Liên hợp quốc. Vào Ngày Liên hợp quốc, tôi kêu gọi tất cả các quốc gia hãy giữ ngọn hải đăng này cho thế giới và các lý tưởng của nó luôn tỏa sáng” – ông Guterres nói.
Những dấu ấn Việt Nam tại Liên hợp quốc
Đối ngoại đa phương là một trong những ưu tiên của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, đã được khẳng định trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng. Đại hội lần thứ XIII của Đảng định hướng công tác đối ngoại đa phương là “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Công và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế”.
Cùng với đó, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 về hội nhập quốc tế, trong đó nêu rõ nhiệm vụ “chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, củng cố hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi”. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8/8/2018 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, văn bản chỉ đạo đầu tiên Đảng ta về công tác đối ngoại đa phương của đất nước, đưa đối ngoại đa phương thành một định hướng chiến lược quan trọng hàng đầu và là một phương thức hiệu quả thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, việc thúc đẩy quan hệ với Liên hợp quốc xác định là một trong những trọng tâm của đối ngoại đa phương qua các thời kỳ.
Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc. Trải qua nhiều biến động lịch sử, quan hệ hợp tác Việt Nam – Liên hợp quốc trong hơn 40 năm qua đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc của ta, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; làm sâu sắc hơn quan hệ của ta với các nước, các đối tác chủ chốt và bạn bè, tranh thủ một nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
Mặt khác, Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của Liên hợp quốc, trong đó có đề cao vai trò của Liên hợp quốc và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối hành động áp bức, xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế; tham gia đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của Liên hợp quốc về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người.
Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và là một quốc gia quyết tâm và nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ Liên hợp quốc, đặc biệt được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” của Liên hợp quốc nhằm tăng hiệu quả hoạt động của Liên hợp quốc ở cấp độ quốc gia. Với những đóng góp của mình, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc và ghi được nhiều “dấu ấn" tại các cơ quan như tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Hội đồng Kinh tế - xã hội (ECOSOC).
Trong những năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc có ý nghĩa to lớn và có tác dụng tích cực, đáp ứng được yêu cầu, lợi ích của Việt Nam trong từng giai đoạn, góp phần tăng cường vai trò, tiếng nói và đóng góp của Việt Nam tại Liên hợp quốc. Những kết quả này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và Liên hợp quốc trong việc mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam, đồng thời góp phần nâng cao vai trò của Liên hợp quốc./.
Theo Dangcongsan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam