Thách thức của "đầu tàu" kinh tế châu Âu
Bất đồng sâu sắc
Trong những tuần qua, các nhà lãnh đạo của liên minh ba đảng gồm Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh đã tranh luận về cách phục hồi nền kinh tế Đức, vốn đang trì trệ và dự kiến sẽ suy giảm năm thứ hai liên tiếp.
Trong khi SPD ủng hộ mức lương công bằng và tăng phúc lợi xã hội, thì ưu tiên hàng đầu của đảng Xanh là vấn đề khí hậu và môi trường, còn đảng FDP yêu cầu các chính sách ủng hộ doanh nghiệp và nới lỏng thủ tục hành chính. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck gần đây đã đề xuất một kế hoạch trị giá hàng tỷ euro để hỗ trợ doanh nghiệp Đức nhằm khắc phục tình trạng tăng trưởng yếu kém của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Bộ trưởng Habeck đề xuất giải pháp thành lập "Quỹ Đức" trị giá hàng tỷ USD nhằm hiện đại hóa hạ tầng và cung cấp khoản ưu đãi đầu tư 10% cho tất cả công ty của Đức, với quy trình thủ tục được đơn giản hóa. Quỹ này sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tập đoàn lớn và các công ty khởi nghiệp.
Trong tài liệu dài 14 trang, ông Habeck nêu rõ, việc tạo ra một tương lai công nghiệp hiện đại trung hòa khí hậu đòi hỏi đầu tư lớn, cả lĩnh vực công và tư, vốn đang bị chính sách ngân sách hạn chế của Đức kìm hãm. Theo ông, ngân sách của chính phủ hiện nay không đủ để cho phép đầu tư tư nhân và đầu tư công lớn hơn.
Tuy nhiên, đề xuất mới của Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức đã gây phản ứng trái chiều trong nội bộ Đức. Trong khi, Tổng Thư ký đảng SPD Matthias Miersch hoan nghênh đề xuất trên thì Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner (thuộc đảng FDP) cho rằng ông Habeck đang kêu gọi một "chính sách kinh tế khác biệt".
Bộ trưởng Tài chính Lindner lưu ý rằng, chi tiêu công cần phải được kiểm soát. Thủ tướng Olaf Scholz đã yêu cầu các đối tác trong liên minh cầm quyền sẵn sàng thỏa hiệp, tập trung vào việc vực dậy nền kinh tế Đức. Tuy nhiên, gần đây, ông Lindner đã nhiều lần cảnh báo các cuộc đàm phán khó khăn trong liên minh cầm quyền có thể dẫn đến cuộc bầu cử sớm hơn thời hạn dự kiến vào ngày 28/9 năm sau.
Liên minh cầm quyền của Đức đã bị mắc kẹt trong cuộc tranh cãi liên quan đến các đề xuất cải cách kinh tế do Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner đưa ra. |
Liên minh cầm quyền của Đức đã bị mắc kẹt trong cuộc tranh cãi liên quan đến các đề xuất cải cách kinh tế do Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner đưa ra. Tại cuộc đàm phán tối 6/11 vừa qua, đại diện 3 đảng trong liên minh cầm quyền đã tranh cãi gay gắt. Ông Christian Lindner đã đề xuất bầu cử sớm như một giải pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nội bộ trong liên minh cầm quyền.
Tuy nhiên, Thủ tướng Olaf Scholz từ chối và sa thải ông Lindner. Đáp lại, trong một thông báo sau đó, lãnh đạo nhóm nghị sĩ FDP tại Quốc hội Christian Dürr cho biết, đảng FDP sẽ rút toàn bộ các bộ trưởng là thành viên đảng mình ra khỏi chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz, chính thức chấm dứt liên minh "đèn giao thông" gồm 3 đảng là SPD của Thủ tướng Olaf Scholz, đảng Xanh và đảng FDP, được thành lập vào cuối năm 2021.
Nguy cơ bế tắc kéo dài
Các cuộc đàm phán đổ vỡ dẫn tới sự tan rã trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz khiến cuộc khủng hoảng trên chính trường Đức càng thêm trầm trọng. Nhà khoa học chính trị người Đức Jana Puglierin nhận định, Đức có thể rơi vào tình trạng bế tắc chính trị trong vòng 6-7 tháng.
Theo bà Puglierin, thời gian cần thiết để Đức có một chính phủ hoạt động đầy đủ sau khi Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner bị sa thải khỏi liên minh cầm quyền phải mất nửa năm. Xem xét đến nghi thức thông thường cần thiết để thành lập một Chính phủ mới thông qua bầu cử, bà Puglierin dự đoán rằng, Đức có thể không có sự lãnh đạo hiệu quả cho đến giữa năm sau.
Theo Hiến pháp Đức, quyết định tổ chức bầu cử liên bang sớm không thể do các thành viên Quốc hội liên bang (Hạ viện), hay Thủ tướng đưa ra. Việc giải tán Quốc hội sớm chỉ có thể xảy ra theo một trong hai cách: Trong trường hợp đầu tiên, nếu một ứng cử viên Thủ tướng không giành được đa số tuyệt đối trong Quốc hội - ít nhất 367 ghế trong Hạ viện gồm 733 ghế - thì Tổng thống Đức có thể giải tán Quốc hội. Điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử CHLB Đức.
Trong trường hợp thứ hai, Thủ tướng có thể kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội để xác nhận liệu có còn nhận được đủ sự ủng hộ của Quốc hội hay không. Nếu Thủ tướng không giành được đa số thì có thể chính thức yêu cầu Tổng thống giải tán Quốc hội trong vòng 21 ngày. Sau khi giải tán Quốc hội, cuộc bầu cử mới phải được tổ chức trong vòng 60 ngày và quy trình tổ chức giống như các cuộc tổng tuyển cử thông thường.
Chính phủ liên minh của Đức đã được cảnh báo có thể sụp đổ vào "thời điểm tồi tệ nhất" khi Thủ tướng Olaf Scholz đang phải đối mặt với bất ổn chính trị trong nước và nền kinh tế đầu tàu châu Âu rơi vào suy thoái. Đức là nền kinh tế lớn duy nhất có GDP sụt giảm trong năm 2023 và chính phủ nước này dự báo sẽ tiếp tục giảm nhẹ vào năm 2024.
Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK), Martin Wansleben cho rằng, Đức không chỉ đối mặt với một cuộc khủng hoảng chu kỳ mà là một cuộc khủng hoảng cơ cấu khó xử lý. Những thách thức cơ cấu lâu dài đang làm gia tăng thêm những khó khăn của Đức, trong đó bao gồm cả các yếu tố như bộ máy quan liêu phức tạp, thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động già hóa và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tốn kém. Nền kinh tế èo uột đang để lại những dấu hiệu suy thoái rõ rệt trên thị trường lao động.
Số người thất nghiệp chỉ giảm 16.000 xuống còn 2,791 triệu người trong tháng 10. Người đứng đầu Cơ quan Việc làm Liên bang Đức Andrea Nahles cho biết, thị trường lao động nước này đã không phục hồi vào mùa thu năm nay như thời điểm của những năm trước. Theo hầu hết dự báo của các chuyên gia, nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể sẽ suy giảm lần thứ hai liên tiếp trong năm nay.
Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đứng trước áp lực buộc phải hành động cải cách khẩn cấp nhằm xoay chuyển tình thế kinh tế, song các cuộc đàm phán trong liên minh 3 đảng đổ vỡ khiến tình hình thêm bế tắc. Với thực trạng hiện nay, nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại, Đức sẽ ngày càng lâm vào khó khăn và nước này khó có thể thực hiện vai trò đầu tàu kinh tế, thậm chí còn trở thành gánh nặng kinh tế cho châu Âu.
Theo Nhân Dân
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng