Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và huy động nguồn tài chính cho phát triển bền vững
Đánh thuế giới siêu giàu là một trong những ưu tiên hàng đầu của Brazil trên cương vị Chủ tịch G20 năm 2024. Theo Tổng thống Brazil Lula da Silva, khoảng 3.000 người trên thế giới nắm giữ tài sản trị giá gần 15.000 tỷ USD, tương đương GDP của Nhật Bản, Đức, Ấn Độ và Anh cộng lại. Tuy nhiên, mức thuế đánh vào nhóm người giàu nhất thế giới này (những người có tài sản vượt quá 1 tỷ USD) đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Nghiên cứu của nhà kinh tế học người Pháp Gabriel Zucman chỉ ra rằng, các tỷ phú chỉ phải trả trung bình 0,3% thuế cho tài sản của họ, thấp hơn mức thuế mà người lao động có thu nhập thấp hơn phải trả. Không những vậy, nhiều tỷ phú còn có thể lợi dụng lỗ hổng trong hệ thống tài chính toàn cầu để chuyển tài sản sang những nước có mức thuế suất thấp.
Tổng thống Brazil nhận định, tình trạng bất bình đẳng nêu trên không phải điều ngẫu nhiên, mà là hệ quả của những chính sách không công bằng. Vì vậy, trong tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh G20, vừa diễn ra tại Brazil, các nhà lãnh đạo G20 khẳng định sẽ xây dựng cơ chế chống “lách thuế” hiệu quả và hợp tác để bảo đảm giới siêu giàu phải trả mức thuế công bằng hơn.
Giới phân tích cho rằng, G20 không chỉ quy tụ 60% dân số, 80% GDP và 75% thương mại thế giới, mà còn có tiếng nói quan trọng trong các chương trình nghị sự toàn cầu. Vì vậy, vai trò tiên phong của G20 trong nỗ lực đánh thuế giới siêu giàu sẽ đặt tiền đề quan trọng để các nước cùng phối hợp xây dựng chính sách thu thuế công bằng, hạn chế tình trạng bất bình đẳng về thu nhập trên thế giới.
Tuyên bố của G20 nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nước và tổ chức quốc tế. Tây Ban Nha, Pháp, Nam Phi là những quốc gia đi đầu trong phong trào ủng hộ đề xuất đánh thuế giới siêu giàu. Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha kêu gọi thế giới tăng cường các nỗ lực để đạt được thỏa thuận về mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với 3.000 tỷ phú trên thế giới. Giới chức Pháp cho rằng, việc ngăn chặn hành vi trốn thuế của giới siêu giàu ở cấp độ quốc tế là thỏa đáng, phù hợp thỏa thuận đạt được về thuế doanh nghiệp tối thiểu năm 2021.
Trong khi đó, Oxfam - tổ chức quốc tế chuyên về xóa đói, giảm nghèo - nêu rõ, quyết định xây dựng cơ chế đánh thuế giới siêu giàu mở ra con đường hướng tới một thế giới công bằng và phát triển bền vững hơn. Giám đốc điều hành Oxfam Brazil Viviana Santiago nhận định, chỉ khi buộc người giàu chi trả nhiều hơn, thì những rạn nứt, bất bình đẳng trong xã hội mới được hàn gắn.
Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ một số nước, trong đó có Argentina. Tổng thống Argentina Javier Milei cho rằng, việc đánh thuế sẽ làm suy yếu động lực phát triển của nền kinh tế thị trường. Nhiều chuyên gia lo ngại, quan điểm bất đồng giữa các nước sẽ khiến tiến trình xây dựng một cơ chế thuế công bằng trên toàn cầu đối mặt nhiều chông gai. Nếu việc đánh thuế giới siêu giàu không được tiến hành đồng nhất trên toàn thế giới, nhiều tỷ phú có thể tiếp tục lợi dụng những lỗ hổng trong hệ thống tài chính để chuyển tài sản của họ sang những “thiên đường thuế”.
Giới phân tích cho rằng, bất bình đẳng về của cải và thu nhập đang làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và sự gắn kết xã hội. Vì vậy, trong vai trò Chủ tịch G20 năm 2024, Brazil đã đề xuất đánh thuế tối thiểu 2% mỗi năm đối với khoảng 3.000 người giàu nhất thế giới. Theo ước tính của nhà kinh tế học Gabriel Zucman, với mức thuế nêu trên, số tiền thu về sẽ lên đến 250 tỷ USD/năm. Khoản tài chính này có thể được dùng để phát triển giáo dục, chăm sóc y tế, cũng như tiếp sức cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới, nhất là trong bối cảnh nhiều nước đang đối mặt tình trạng thâm hụt ngân sách gia tăng và thiếu nguồn tài chính để tăng cường ứng phó các thách thức toàn cầu.
Chặng đường hiện thực hóa mục tiêu đánh thuế giới siêu giàu còn đối mặt nhiều thách thức, do những bất đồng chưa thể hóa giải giữa các nước. Tuy nhiên, bước tiến tại Hội nghị thượng đỉnh G20 đã thắp lên hy vọng về việc xây dựng một thế giới công bằng và phát triển bền vững hơn.
Theo Nhân Dân
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Tiếp xúc cử tri tại huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Cử tri quan tâm đến việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển
- Trên 1,3 triệu đại biểu tham dự hội nghị triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
- Bế mạc kỳ họp thứ tám Quốc hội khoá XV
- Trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX năm 2024 cho 36 thanh niên xuất sắc tiêu biểu
- Thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW