Các khoản vay cho nước nghèo
Các quốc gia tài trợ đã cam kết đóng góp 23,7 tỷ USD cho Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) - quỹ cho vay ưu đãi của WB. Sau khi sử dụng đòn bẩy tài chính, tổng số tiền tài trợ có thể tăng gấp 4 lần lên 100 tỷ USD. IDA chủ yếu hỗ trợ 78 quốc gia nghèo nhất thế giới, tập trung vào các dự án từ khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế đến thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đây là nguồn tài chính ưu đãi lớn nhất cho các quốc gia này, với khoảng 75% trong tổng số nguồn vốn IDA được sử dụng để hỗ trợ các quốc gia tại châu Phi. Theo Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), hiện có hơn 1 tỷ người trên thế giới đang sống trong tình cảnh nghèo cùng cực, với hơn một nửa trong số đó là trẻ em. 83,2% số người nghèo nhất thế giới sống ở khu vực hạ Sahara của châu Phi và Nam Á.
Việc bổ sung cho IDA được thực hiện 3 năm một lần, đánh dấu sự tin tưởng mạnh mẽ vào khả năng hỗ trợ các mục tiêu phát triển hiệu quả của WB. Năm nay, Mỹ cam kết tài trợ lên mức kỷ lục 4 tỷ USD cho IDA, trong khi các quốc gia khác như Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp, Na Uy và Tây Ban Nha cũng tăng cường đóng góp tài chính đáng kể.
Khoản đóng góp mới từ Mỹ cao hơn khoảng 14,3% so với cam kết 3,5 tỷ USD mà Washington đã thực hiện trong vòng tái cấp vốn IDA trước đó vào tháng 12/2021. Tây Ban Nha tăng đóng góp lên tới 37%, tương đương 423 triệu USD. Đan Mạch cũng thông báo tăng đóng góp lên khoảng 492 triệu USD, tăng 40% so với cam kết trước đó.
Các khoản tài trợ này rất quan trọng trong việc giúp các quốc gia nghèo giảm bớt gánh nặng nợ nần, ứng phó với các thảm họa do biến đổi khí hậu và hỗ trợ các nỗ lực tái thiết sau xung đột. WB cho biết, các nước đang phát triển trên toàn cầu đã chi số tiền kỷ lục 1.400 tỷ USD để trả nợ vào năm ngoái trong bối cảnh tiền lãi vay đã lên mức cao đỉnh điểm trong 2 thập kỷ.
Trong báo cáo mới nhất về nợ quốc tế, WB nêu rõ các nước nghèo nhất đã phải chi hơn 96 tỷ USD để trả nợ, trong đó riêng tiền lãi vay đã lên tới gần 35 tỷ USD. Việc phải trả số tiền vay lớn đã buộc nhiều nước tìm đến nguồn tiền từ các tổ chức đa phương như WB, từ đó tạo sức ép tài chính cho các tổ chức này.
Trong khi đó, việc tăng cam kết hỗ trợ cho các nước nghèo là sự nỗ lực lớn của các nước tài trợ. Trên thực tế, chiến dịch huy động hơn 100 tỷ USD diễn ra vào thời điểm nguồn lực tài chính eo hẹp vì nhiều quốc gia giàu phải cắt giảm chi tiêu khi quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 không nhanh như dự kiến.
Chủ tịch WB Ajay Banga cho biết, khoản tài trợ này sẽ có tác động lớn đến cuộc sống của người dân nghèo. Theo ông Banga, mỗi USD mà IDA huy động có thể được nhân lên gấp 4 lần và đây là thỏa thuận tốt nhất trong lĩnh vực phát triển.
Không chỉ cung cấp khoản vay và tài trợ cho các nước nghèo, WB đã công bố sáng kiến hợp tác với chính phủ các nước này nhằm thúc đẩy đầu tư vào giáo dục thông qua cơ chế hoán đổi nợ. Theo thỏa thuận, Chính phủ Côte d’Ivoire sẽ mua lại một phần nợ thương mại của mình trị giá 423 triệu USD. Khoản nợ này vốn có mức lãi suất cao và phải trả trong 5 năm tới.
Để mua lại khoản nợ cũ, chính phủ sẽ vay một khoản tiền mới từ các tổ chức tài chính với lãi suất thấp hơn và thời gian đáo hạn dài hơn. Để giúp Côte d’Ivoire vay với các điều kiện ưu đãi này, WB sẽ cung cấp bảo lãnh một phần cho khoản vay. Bước đi này có thể giúp Côte d’Ivoire tiết kiệm được ít nhất 60 triệu euro, từ đó số tiền này sẽ được đầu tư vào nâng cấp hệ thống giáo dục của nước này.
Đây là lần đầu tiên WB tham gia một giao dịch hoán đổi nợ lấy phát triển, đánh dấu một bước tiến mới trong việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả và bền vững của các giao dịch này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm chính phủ các nước, các tổ chức tài chính quốc tế và các đối tác phát triển.
Các cam kết tài chính của những nước giàu hỗ trợ các nước nghèo nhằm hướng tới một thế giới thịnh vượng và công bằng hơn. Trong lễ công bố khoản đóng góp của Đan Mạch cho Hiệp hội Phát triển Quốc tế, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen kêu gọi thế giới chung tay giúp đỡ những người dân nghèo và dễ bị tổn thương.
Theo Nhân Dân
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
- Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên: Thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Thái Bình nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công tác dân vận góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội
- Đưa nội hàm “chống lãng phí” vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
- Bế giảng lớp bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương năm 2024
- Triển khai chương trình thống nhất hành động công tác mặt trận năm 2025
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam
- Gặp mặt kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân