Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 40, chiều 11/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp.
Nội dung của dự thảo Pháp lệnh đạt sự đồng thuận cao
Trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó, quy định rõ phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh gồm chi phí tố tụng hình sự, chi phí tố tụng dân sự, chi phí tố tụng hành chính và chi phí tố tụng cho Hội thẩm.
Đồng thời, nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh trên cơ sở tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu tối đa ý kiến của các cơ quan hữu quan. Đến nay, hầu hết các nội dung của dự thảo Pháp lệnh đã đạt sự đồng thuận cao giữa Thường trực Ủy ban Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan.
Về các loại chi phí tố tụng (Điều 3), đa số ý kiến nhất trí với Điều 3 của dự thảo Pháp lệnh quy định về các loại chi phí tố tụng. Có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, vừa tạo điều kiện cho các cơ quan tố tụng thực hiện nhiệm vụ, vừa bảo đảm có căn cứ pháp luật.
Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng và quy định tại Điều 3 của dự thảo Pháp lệnh về 9 loại chi phí tố tụng trên cơ sở cụ thể hóa Điều 169 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 370 của Luật Tố tụng hành chính, Điều 135 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 130 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Điều 44 của Luật Giám định Tư pháp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh. (Ảnh: DUY LINH).
Liên quan đến trách nhiệm quy định cách tính và nguyên tắc tính chi phí giám định (Điều 40), quá trình chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh có 2 loại ý kiến về vấn đề này. Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành với loại ý kiến thứ nhất, đề nghị chỉ quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý tổ chức giám định tư pháp công lập trong việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở cho tổ chức giám định thu chi phí giám định tư pháp.
Về dự toán, thanh toán kinh phí chi phí tố tụng (Điều 72), có ý kiến đề nghị rà soát để quy định đầy đủ trong Pháp lệnh các nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đối với một số nội dung cụ thể khác, giao thẩm quyền quy định chi tiết cho Chính phủ. Thường trực Ủy ban Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao thống nhất chỉnh lý khoản 2 Điều 72 dự thảo Pháp lệnh như sau: “Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục lập dự toán, thanh toán chi phí tố tụng”.
Liên quan đến chi phí thù lao cho người tham gia hoạt động tố tụng là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, căn cứ ý kiến của Chính phủ, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Ủy ban Tài chính và Ngân sách, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị dự thảo Pháp lệnh tiếp tục quy định về chi phí thù lao khi tham gia hoạt động tố tụng, không phân biệt giữa đối tượng được hưởng lương và đối tượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Thông qua Pháp lệnh với tỷ lệ nhất trí 100%
Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng của Ủy ban Tư pháp.
Góp ý về thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm căn cứ xác định chi phí giám định ở Điều 40, vấn đề này có 2 loại ý kiến. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đồng tình với loại ý kiến thứ nhất: đề nghị chỉ quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý tổ chức giám định tư pháp công lập (như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) trong việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm căn cứ xác định chi phí giám định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh góp ý kiến vào dự thảo Pháp lệnh. (Ảnh: DUY LINH).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, việc quy định như vậy là phù hợp, vì trong các lĩnh vực giám định như giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, giám định kỹ thuật hình sự đã được giao cho các Bộ, ngành nêu trên quản lý; đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan này, đồng thời bảo đảm phù hợp với đặc thù của từng tổ chức giám định tư pháp công lập.
Về chi phí thù lao cho người tham gia hoạt động tố tụng là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, các ý kiến cơ bản tán thành với ý kiến của Ủy ban Tư pháp: Người hưởng lương từ ngân sách nhà nước được trả chi phí thù lao khi tham gia hoạt động tố tụng, đồng thời không phân biệt chi phí thù lao giữa người hưởng lương và người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Các ý kiến cũng tán thành về mức chi cụ thể cho Hội thẩm là 900.000 đồng/ngày như đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao là phù hợp.
Ngoài ra, các ý kiến cũng góp ý về chi phí vật tư tiêu hao (Điều 23 của dự thảo Pháp lệnh), về chi phí hao mòn, khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị và chi phí vật tư tiêu hao (Điều 35 của dự thảo Pháp lệnh).
Trên cơ sở các ý kiến phát biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đã giải trình, làm rõ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu.
Tại phiên họp, với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao Thường trực Ủy ban Tư pháp hoàn chỉnh dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng, trình Chủ tịch Quốc hội ký, ban hành trong tháng 12/2024.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Khai mạc Chương trình giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” lần thứ hai 19.12.2024 | 11:10 AM
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
Xem tin theo ngày
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng