Chủ nhật, 22/12/2024, 10:44[GMT+7]

Kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII: Lãnh đạo một số sở, ngành và đại biểu thảo luận nhiều vấn đề cử tri quan tâm

Thứ 5, 12/12/2024 | 23:54:06
3,940 lượt xem
Tại kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, các ý kiến phát biểu thảo luận của lãnh đạo các sở, ngành và đại biểu đã góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, được đông đảo cử tri quan tâm. Phóng viên Báo Thái Bình đã lược ghi các ý kiến phát biểu tại kỳ họp.

Toàn cảnh kỳ họp.

Đồng chí Vũ Thanh Vân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

MTTQ tỉnh thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân

Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với các ngành và các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh và địa phương. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, phổ biến dục pháp luật, triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ MTTQ cơ sở. Phối hợp tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng cho cán bộ mặt trận, đoàn thể, trưởng ban thanh tra nhân dân cấp xã; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các chức sắc tôn giáo. Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát, phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND, UBND cùng cấp tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp; dành thời tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri, giám sát việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, thông báo kết quả giải quyết đã được các cơ quan có thẩm quyền trả lời đến cử tri. Năm 2024, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 24 cuộc tiếp xúc của đại biểu Quốc hội, với 4.329 lượt cử tri tham dự và 170 lượt ý kiến kiến nghị; 32 cuộc tiếp xúc của đại biểu HĐND tỉnh với 5.950 lượt cử tri tham dự và 269 lượt ý kiến; 54 cuộc tiếp xúc của đại biểu HĐND huyện với 9.048 lượt cử tri tham dự và 336 lượt ý kiến; 2.355 cuộc tiếp xúc của đại biểu HĐND xã với 145.590 lượt cử tri tham dự và 9.510 lượt ý kiến. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được các đại biểu tiếp thu, chuyển các cơ quan chức năng nghiên cứu giải quyết. Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát", Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với các ngành tham mưu ban hành Đề án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xoá nhà tạm, nhà dột nát giai đoạn 2024-2025 và ra Lời kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát và tổ chức lễ phát động đợt thi đua cao điểm "300 ngày chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Tại kỳ họp này, một lần nữa, thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, tôi đề nghị các cấp, các ngành, các đồng chí và cử tri nhân dân trong tỉnh tiếp tục quan tâm, chung sức đồng lòng, ủng hộ để tỉnh ta hoàn thành mục tiêu đến tháng 9/2025 xóa xong 2.100 nhà tạm, nhà dột nát.

Đại tá Nguyễn Ngọc Tuệ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh

Tập trung lãnh đạo hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương

Năm 2024, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh và cơ quan quân sự các cấp đã thực hiện tốt chức năng tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Nhiều nhiệm vụ được hoàn thành xuất sắc như: Công tác trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ các ngày lễ, tết, các sự kiện chính trị của Trung ương và địa phương; công tác diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh năm 2024; công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ; công tác chính sách hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa"... Lực lượng vũ trang các địa phương tập trung huấn luyện, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu; phối hợp nắm chắc tình hình, tham mưu xử trí kịp thời các tình huống; đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương; từ đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Năm 2025, tỉnh Thái Bình được giao 2.750 chỉ tiêu nghĩa vụ quân sự và 333 chỉ tiêu nghĩa vụ công an nhân dân. Mặc dù là năm đầu tiên thực hiện Thông tư số 105/2023/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng với nhiều quy định mới; công tác quản lý nguồn gặp nhiều khó khăn nhưng công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2025 vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến ngày 8/12/2024, 8/8 huyện, thành phố hoàn thành tổ chức khám sức khỏe, trong đó có hơn 3.850 thanh niên đạt sức khỏe. Với truyền thống của quê hương Thái Bình thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp; sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và sự giúp đỡ của nhân dân đặc biệt là sự tự giác quyết tâm hăng hái của thanh niên toàn tỉnh, năm 2025, Thái Bình bảo đảm hoàn thành tốt chỉ tiêu giao quân chất lượng, an toàn, đúng luật.

Đại tá Trần Xuân Ánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh

Giữ vững ổn định an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh

Năm 2024, lực lượng công an tỉnh chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ các mặt công tác thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị với mục tiêu giữ vững ổn định an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của tỉnh. Chủ động nhận diện, xử lý hiệu quả từ sớm, từ xa, từ cơ sở và trên không gian mạng nhiều vấn đề phức tạp, tiềm ẩn, nguy cơ nổi lên về an ninh quốc gia, không để bị động, bất ngờ, hình thành điểm nóng. Toàn ngành triển khai hiệu quả, đồng thời nhiều cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, phá thành công nhiều chuyên án, vụ án, đánh đúng, đánh trúng nhiều đường dây, ở nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao, có yếu tố nước ngoài, được Bộ Công an gửi thư khen. Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được tăng cường, phát hiện, khởi tố, điều tra xử lý 16 vụ án, 63 bị can, có vụ lên đến hơn chục bị can với quyết tâm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai” với tỷ lệ thu hồi tài sản đạt 92%. Thực hiện Đề án 06, đến nay tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt 99,4%, chỉ số cải cách hành chính là năm thứ 2 liên tiếp được Bộ Công an xếp hạng xuất sắc. Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp, ngành tham mưu, chỉ đạo huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp công tác bảo đảm an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để giữ vững ổn định chính trị xã hội, góp phần tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tích cực tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân và mọi tầng lớp nhân dân thực hiện khuyến cáo của lực lượng công an về nhận diện các phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, qua đó giúp người dân nâng cao “sức đề kháng” trước các thủ đoạn hoạt động của tội phạm...

Đồng chí Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh

Xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh

Đến nay, trong Khu kinh tế Thái Bình đã thành lập 5 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 1.900ha, tổng vốn đầu tư gần 14.900 tỷ đồng. Năm 2024, các khu công nghiệp trong Khu kinh tế đã thu hút 24 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 21.500 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2023. Lũy kế giai đoạn 2021 - 2024, các khu công nghiệp trong Khu kinh tế đã thu hút 52 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 120.000 tỷ đồng, gấp 11 lần so với giai đoạn 2026 - 2020; trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4,1 tỷ USD, gấp 40 lần so với giai đoạn 2016 - 2020. Với mục tiêu xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh, thời gian tới, Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh tập trung xây dựng kế hoạch phát triển Khu kinh tế giai đoạn 2026 - 2030 bảo đảm phủ hợp với định hướng phát triển mới theo Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Các cấp, ngành quan tâm rà soát, điều chỉnh cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào Khu kinh tế theo hướng ưu tiên, khuyến khích các dự án có quy mô và suất đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước; tập trung tháo gỡ các vướng mắc để sớm hoàn thành các tuyến đường giao thông kết nối của Khu kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thường xuyên nắm bắt tiến độ thực hiện, trên cơ sở đó tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án hạ tầng khu công nghiệp để sớm hoàn thành đi vào hoạt động...

Đồng chí Hà Tiến Thăng, Giám đốc Sở Nội vụ

Thái Bình hoàn thành sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 10 xã mới, giảm 18 xã

Thực hiện Kết luận số 48-KL/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 và các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, Thái Bình  đã xây dựng Đề án sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 10 xã mới, giảm 18 xã. Sau sắp xếp, toàn tỉnh từ 260 xã, phường, thị trấn giảm xuống còn 242 xã, phường, thị trấn. 10/10 xã thành lập mới đi vào hoạt động từ ngày 1/12/2024. Giai đoạn đầu sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, một số địa phương sẽ chịu tác động và ảnh hưởng nhất định do phải điều chỉnh thông tin, thay đổi trụ sở hành chính... trong khi hiện nay, thời điểm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp đang đến gần; Bộ Chính trị, Chính phủ đang quyết liệt triển khai chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Theo đó, sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến kế hoạch, giải pháp, lộ trình thực hiện sắp xếp, bố trí đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Do đó, để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế đã được nhận diện, trong thời gian tới, tôi đề nghị HĐND tỉnh cùng các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, các bộ, ban, ngành nhằm tạo tự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động trong cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh; thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư; thực hiện tốt công tác bố trí, quản lý, sử dụng trụ sở, tài chính, tài sản công của các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp bảo đảm đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả, không để trụ sở để hoang, bỏ trống, lãng phí; xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập như: trường học, trạm y tế, HTX DVNN bảo đảm tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với điều kiện tình hình thực tế ở địa phương; tăng cường công tác theo dõi, nắm chắc tình hình để bảo đảm công tác an ninh, giữ gìn trật tự xã hội tại các địa bàn tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Đồng chí Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế

Thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn tỉnh

Trong những năm qua, ngành y tế Thái Bình thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở y tế được quan tâm đầu tư, phát triển cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn chuyên môn kỹ thuật. Cùng với đó, các cơ sở y tế còn tích cực ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào công tác khám, chữa bệnh, từ đó giúp nhân dân từng bước được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng. Đến nay, tuổi thọ bình quân toàn tỉnh đạt 75,4 tuổi (cả nước 73,6), tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 93,4%, tỷ lệ trẻ tiêm đủ mũi đạt 95,8%, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,5%; bình quân một bệnh viện đa khoa tuyến huyện khám, chữa bệnh ngoại trú cho trên 80.000 lượt người/năm, điều trị nội trú cho trên 10.000 lượt người/năm, tỷ lệ điều trị kết quả khỏi bệnh và đỡ/giảm chiếm trên 90%. Từ năm 2020, toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Để nâng cao năng lực y tế cơ sở, thời gian tới, ngành y tế chú trọng xây dựng, phát triển mạng lưới y tế cơ sở đạt chuẩn, đồng bộ, bảo đảm phát triển cân đối, hài hòa giữa khám, chữa bệnh với lĩnh vực y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu; khuyến khích thu hút đầu tư xã hội hóa phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; phát triển và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở bảo đảm đồng bộ, hiệu quả; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, phấn đấu 100% đơn vị y tế cơ sở triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động khám, chữa bệnh và quản lý sức khỏe tại cộng đồng, hướng tới đưa Thái Bình trở thành trung tâm y tế chất lượng cao vùng đồng bằng sông Hồng.

Đồng chí Phạm Viết Vượng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh

Nâng cao nhận thức pháp luật, đề cao cảnh giác và kỹ năng phòng tránh tội phạm

Kết thúc năm công tác 2024, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đánh giá: mặc dù số vụ việc phát sinh tăng nhiều, có nhiều việc khó, phức tạp, trong khi biên chế thiếu, song toàn ngành đã thực hiện hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội và ngành giao, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chất lượng công tác giải quyết án hình sự tiếp tục được nâng lên, không để xảy ra trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; yêu cầu phục hồi giải quyết 14 nguồn tin về tội phạm; ban hành 1.295 bản yêu cầu điều tra; đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố 18 vụ án và 60 bị can; yêu cầu thay đổi, bổ sung 6 quyết định khởi tố vụ án, 7 quyết định khởi tố bị can.... Qua đó, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm. Qua công tác kiểm sát thấy một số tội phạm có xu hướng tăng cao như: các loại tội sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; giết người, cố ý gây thương tích... Vì vậy, tôi đề nghị HĐND tỉnh giám sát và chỉ đạo UBND các cấp, các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật và phối hợp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nhân dân nâng cao nhận thức pháp luật, đề cao cảnh giác và kỹ năng phòng tránh tội phạm; chủ động, tích cực phát hiện, tố giác vi phạm, tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự và phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật; quan tâm, chú trọng thực hiện các kiến nghị phòng vi phạm, tội phạm trên các lĩnh vực mà Viện kiểm sát đã kiến nghị.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Quỳnh Phụ (tổ Quỳnh Phụ)

Tiếp tục nghiên cứu cơ chế hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phù hợp hơn, thực chất hơn

Những năm qua, huyện Quỳnh Phụ có cách làm sáng tạo trong vận động nhân dân tự nguyện, thỏa thuận, góp quyền sử dụng đất để làm đường giao thông. Sau 4 năm thực hiện, “góp đất” từ phong trào thi đua sôi nổi, đã trở thành phong trào cách mạng rộng khắp. Đến nay, toàn huyện có hơn 7.000 hộ gia đình tự nguyện tặng quyền sử dụng đất cho Nhà nước, diện tích hơn 50ha, trị giá gần 800 tỷ đồng. Nguồn lực tiết kiệm được từ kinh phí giải phóng mặt bằng huyện tiếp tục đầu tư hoàn thiện các công trình phúc lợi. Đến hết năm 2024, huyện Quỳnh Phụ có 9 xã được công nhận nông thôn mới (NTM) nâng cao, xã An Thái đạt NTM kiểu mẫu. Dự kiến năm 2025, Quỳnh Phụ sẽ đề nghị tỉnh công nhận thêm từ 8 xã trở lên đạt NTM nâng cao, thêm 1 xã đạt NTM kiểu mẫu để đến năm 2026 trở thành huyện NTM nâng cao. Với Quỳnh Phụ, nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đang bảo đảm tiến độ rất tốt, hoàn thành mục tiêu, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025. Tuy nhiên, trên phạm vi toàn tỉnh, kết quả thực hiện nhiệm vụ này còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Vì vậy, tại kỳ họp HĐND tỉnh, tôi đề nghị tỉnh nên rà soát tổng thể kết quả xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên phạm vi toàn tỉnh, đánh giá khách quan, cụ thể, thực chất xem kết quả thực hiện được đến đâu, còn đang vướng mắc ở khâu nào, cân nhắc tiêu chí nào không còn phù hợp, không thực chất... cần thiết phải điều chỉnh; tiếp tục nghiên cứu cơ chế hỗ trợ các địa phương phù hợp hơn, thực chất hơn; sớm ban hành cơ chế hỗ trợ bằng tiền cho các địa phương làm đường giao thông trục xã, giao thông trục thôn và trục chính nội đồng; quy đổi mức hỗ trợ bằng m2 là phù hợp và công bằng. Nên định hướng toàn tỉnh làm đường giao thông trục thôn tối thiểu 7m, trục chính nội đồng tối thiểu 5m để bắt kịp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhóm phóng viên

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày