Thứ 5, 19/12/2024, 15:10[GMT+7]

Xứng đáng là quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng Kỳ 2: Những người con quê hương Thái Bình góp phần làm nên thời khắc lịch sử của dân tộc

Thứ 3, 17/12/2024 | 08:33:20
2,000 lượt xem
Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc những người con thân yêu của quê lúa Thái Bình đã sát cánh cùng đồng đội vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, chiến đấu dũng cảm kiên cường. Trong đó có 2 anh hùng đã lập chiến công xuất sắc vào những thời khắc lịch sử đặc biệt, gắn liền với những sự kiện vĩ đại của Đảng, của dân tộc, của Quân đội nhân dân Việt Nam, đó là Tạ Quốc Luật và Bùi Quang Thận.

Hình ảnh Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật phất cao lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” trên nóc hầm De Castries, ngày 7/5/1954 được tái hiện trong bức tranh panorama tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Người bắt sống tướng De Castries

Về xã Thụy Hải (Thái Thụy), nhắc đến anh hùng Tạ Quốc Luật ai nấy đều rất tự hào khi quê hương sinh ra người con ưu tú, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Anh hùng Tạ Quốc Luật sinh năm 1925 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng. Ông tham gia phong trào thanh niên phản đế tại địa phương từ trước Cách mạng Tháng Tám và gia nhập cứu quốc quân khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tạ Quốc Luật tình nguyện đi bộ đội. Năm 1947, ông là Trung đội trưởng Tiểu đoàn 151 tham gia nhiều trận đánh ở các tỉnh Bắc Cạn, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng và Lạng Sơn. Năm 1952, ông cùng đơn vị đánh cứ điểm Nà Sản. Sau trận này, ông được đề bạt làm Đại đội trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Tạ Quốc Luật đã chỉ huy Đại đội lập nhiều chiến công xuất sắc, trong đó có chiến công bắt sống tướng De Castries cùng bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chiều ngày 7/5/1954, báo hiệu sự sụp đổ của chế độ thực dân cũ và đánh dấu bước ngoặt lịch sử của sự nghiệp cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Tạ Quốc Luật tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1975, ông được giao nhiệm vụ chỉ huy bảo đảm thông tin thông suốt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông đã trực tiếp tham gia hơn 20 chiến dịch với trên 100 trận đánh trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. 

Với những cống hiến to lớn trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Tạ Quốc Luật được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2004, ông được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Để tưởng nhớ và tri ân công lao của anh hùng Tạ Quốc Luật, tỉnh Điện Biên đã đặt tên đường mang tên anh hùng Tạ Quốc Luật, tuyến đường dài 1,11km ngay sát điểm di tích lịch sử hầm De Castries.

Diện mạo quê hương của anh hùng Tạ Quốc Luật ngày càng khang trang đẹp đẽ.

Một điều đặc biệt nữa là anh hùng Tạ Quốc Luật chính là cháu nội của danh nhân văn hóa Tạ Hiện (Tạ Quang Hiện, còn gọi là cụ Đề Hẹn), người làm quan trong triều đình nhà Nguyễn thời vua Tự Đức, giữ chức Đô thống quân vụ. Từng là vị quan võ trong triều, yêu nước, thương dân, giỏi cầm quân..., ông cũng là tấm gương tiêu biểu về nghĩa khí khi không tham địa vị, công danh.

Người cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập

49 năm sau ngày miền Nam giải phóng, dù Anh hùng LLVTND Bùi Quang Thận đã ra đi nhưng trong tim những người dân Thái Bình nói chung, người dân xã Thụy Xuân (Thái Thụy) nói riêng vẫn mãi tự hào, khắc ghi hình ảnh kiên cường, dũng cảm về người con ưu tú của quê hương đã phất cao lá cờ trên nóc dinh Độc Lập báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông thu về một mối. Bùi Quang Thận sinh năm 1948, nhập ngũ tháng 11/1966, là cán bộ ưu tú thuộc thế hệ đầu tiên của Lữ đoàn Xe tăng 203; trải qua các cương vị: Trưởng xe, Trung đội phó, Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn trưởng, Chủ nhiệm Tăng thiết giáp Quân đoàn 2. Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975, ông giữ vai trò Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp trong Quân đoàn 2, là đơn vị trực tiếp đảm nhiệm việc đánh chiếm dinh Độc Lập. Trưa ngày 30/4/1975, ông chỉ huy xe tăng T54 mang biển số 843 đi đầu đội hình tiến vào dinh Độc Lập. Khi xe tăng 843 bị mắc kẹt lại tại cổng phụ và xe tăng 390 húc đổ cổng chính, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận nhảy xuống, mang cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cắm trên nóc dinh Độc Lập đánh dấu mốc quan trọng kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta. 

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và công tác, Đại tá Bùi Quang Thận đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương và phần thưởng cao quý. Năm 2000, Đại tá Bùi Quang Thận nghỉ hưu, về sống tại quê nhà, ông từ trần năm 2012. Năm 2013, ông được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, trên 52.000 người con của quê hương Thái Bình đã anh dũng hy sinh; gần 33.000 thương bệnh binh đã hiến dâng một phần xương máu; hơn 6.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; hơn 2.000 cán bộ lão thành cách mạng; gần 5.500 bà mẹ đã được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, gần 50.000 gia đình có công với nước; hơn 34.000 người nhiễm chất độc da cam/ Điôxin. 

Rất nhiều người con của Thái Bình đã lập chiến công, gắn liền với những sự kiện vĩ đại của Đảng và dân tộc như: Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, Đại tướng Hoàng Văn Thái, anh hùng Nguyễn Thị Chiên, nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ, anh hùng Phạm Tuân... Có thể nói, trong mỗi thời khắc lịch sử, trong mọi chiến công của quân và dân cả nước đều có xương máu và đóng góp của những người con Thái Bình. Sự hy sinh và công lao to lớn đó đã góp phần “làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi”, tô thắm thêm cho lá cờ Tổ quốc và truyền thống vẻ vang, kiên cường, bất khuất của dân tộc ta.

Cựu chiến binh Trịnh Duy Lệ, 97 tuổi, 77 năm tuổi đảng, tổ 3, phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình)
Tôi nhập ngũ năm 1947 đúng 1 năm sau khi thành lập Tỉnh đội dân quân Thái Bình và được biên chế Đại đội Quang Trung, tham gia 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trải qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc, thế hệ chúng tôi “lớp cha trước, lớp con sau” đã lên đường nhập ngũ cùng với quân dân cả nước làm nên những chiến thắng vĩ đại, bảo vệ vững chắc độc lập, tự do của dân tộc và luôn tự hào về truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Như vàng trong lửa, đối mặt với hiểm nguy nơi chiến trường ác liệt, song tinh thần dũng cảm, quật cường, mưu trí, sáng tạo của nhiều người con Thái Bình đã phát huy cao độ, làm nên những chiến công xuất sắc. Hôm nay, chúng tôi được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, chứng kiến sự đổi thay vĩ đại của dân tộc càng thấy rất tự hào về những người con ưu tú của quê hương. Cuộc sống của nhân dân ta ấm no hơn, quê hương, đất nước ngày càng phát triển. Thành quả đó được xây dựng từ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý chí và quyết tâm của một dân tộc anh hùng, của một Quân đội nhân dân anh hùng, trong đó có sự đóng góp của những người con Thái Bình.
Ông Tạ Quang Vinh, thôn Quang Lang Đông, xã Thụy Hải (Thái Thụy)
Tôi là cháu ruột anh hùng Tạ Quốc Luật và thấy rất tự hào khi dòng họ Tạ ở xã Thụy Hải có lịch sử hình thành hơn 400 năm với 16 đời nối dõi. Các anh chị em ruột của anh hùng Tạ Quốc Luật đều là những cán bộ lão thành cách mạng. Trải qua các cuộc kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược và bảo vệ Tổ quốc, dòng họ Tạ ở Thụy Hải có 12 liệt sĩ, 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 8 lão thành cách mạng. Hiện nay, các thế hệ con cháu dòng họ Tạ ở Thụy Hải đang sinh sống trên mọi miền của Tổ quốc, gần 20 người là cán bộ phục vụ trong quân đội, có nhiều đóng góp cho đơn vị, đóng góp xây dựng quê hương. Phát huy truyền thống gia đình, dòng họ, mỗi giai đoạn lịch sử đều có những người con của dòng họ Tạ đóng góp công sức, trí tuệ góp phần xây dựng quê hương, đất nước, làm rạng danh gia tộc.
Ông Bùi Văn Vo, thôn Minh Vũ, xã Thụy Xuân (Thái Thụy)
Tôi là cháu ruột của Anh hùng LLVTND Bùi Quang Thận. Chú Thận là người dũng cảm trong chiến đấu, có ý chí quyết đoán, khi về với đời thường chú luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, sống rất mẫu mực, là một đảng viên gương mẫu ở địa phương, tham gia rất tích cực các phong trào, hoạt động của thôn, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia nói chuyện giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Tôi và chú Thận có tình cảm rất sâu nặng, chú thường kể cho tôi nghe về những ngày cùng đơn vị chiến đấu trên các mặt trận, nên sau này khi chú mất đi, tôi là người nắm rõ thông tin về chú nhất và là người tiếp tục giữ trách nhiệm “truyền lửa” cách mạng cho các con, các cháu trong gia đình, tiếp nối truyền thống cách mạng của quê hương, dòng họ, góp sức xây dựng xã Thụy Xuân nói riêng, huyện Thái Thụy nói chung ngày càng phát triển.


(Còn nữa)

Mạnh Cường – Tiến Đạt