Thứ 3, 07/01/2025, 08:55[GMT+7]

Những nhiệm vụ vũ trụ đáng mong đợi trong năm 2025

Thứ 3, 31/12/2024 | 09:39:36
574 lượt xem
Năm 2025 hứa hẹn trở thành năm đột phá trong khám phá vũ trụ với nhiều nhiệm vụ tham vọng tới Mặt Trăng và nhiều thiên thể khác từ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…

Mô phỏng tàu đổ bộ Mặt Trăng Blue Ghost của Firefly Aerospace. Ảnh: NASA

Thăm dò bề mặt Mặt Trăng với CLPS

Dịch vụ gửi hàng tới Mặt Trăng thương mại (CLPS) của NASA là sáng kiến nhằm vận chuyển hàng hóa khoa học và công nghệ tới Mặt Trăng bằng tàu đổ bộ thương mại. Trước đó, trong chương trình CLPS, tàu đổ bộ Odysseus của Intuitive Machines tới Mặt Trăng vào tháng 2/2024, trở thành tàu đầu tiên của Mỹ hạ cánh ở đây từ thời Apollo. Năm 2025, NASA lên kế hoạch cho vài nhiệm vụ thuộc CLPS, bao gồm các công ty Astrobotic, Intuitive Machines và Firefly Aerospace.

Những nhiệm vụ này sẽ vận chuyển một loạt thiết bị và thí nghiệm khoa học công nghệ tới vài địa điểm khác nhau trên Mặt Trăng nhằm nghiên cứu địa chất, kiểm tra trang bị mới cho nhiệm vụ có người lái trong tương lai và thu thập dữ liệu về môi trường.

Khảo sát bầu trời với SPHEREx

Vào tháng 2/2025, NASA lên kế hoạch phóng đài quan sát SPHEREx (Spectro-Photometer for the History of the Universe, Epoch of Reionization and Ices Explorer). Nhiệm vụ này sẽ khảo sát bầu trời bằng ánh sáng cận hồng ngoại, loại ánh sáng không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng những thiết bị đặc biệt có thể phát hiện. Ánh sáng cận hồng ngoại rất hữu ích trong quan sát vật thể quá lạnh hoặc quá xa để nhìn bằng ánh sáng khả kiến.

SPHEREx sẽ tạo ra bản đồ tổng quát về vũ trụ bằng cách khảo sát và thu thập dữ liệu hơn 450 triệu thiên hà cùng với hơn 100 triệu ngôi sao trong dải Ngân Hà. Các nhà thiên văn học sẽ sử dụng dữ liệu này để giải đáp nhiều câu hỏi lớn về nguồn gốc thiên hà cũng như sự phân bố nước và phân tử hữu cơ trong vườn ươm sao, nơi những ngôi sao sinh ra từ bụi và khí.

Nghiên cứu quỹ đạo thấp của Trái Đất với Space Rider

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) lên kế hoạch tiến hành bay thử nghiệm lên quỹ đạo máy bay vũ trụ không người lái Space Rider vào quý 3 năm 2025. Space Rider là tàu vũ trụ tái sử dụng được thiết kế để tiến hành nhiều thí nghiệm khoa học khác nhau ở quỹ đạo thấp của Trái Đất. Những thí nghiệm khoa học này bao gồm nghiên cứu vi trọng lực, môi trường gần như không trọng lượng của vũ trụ. Các nhà khoa học sẽ tìm hiểu cây trồng phát triển như thế nào, vật liệu hoạt động ra sao và cách quá trình sinh học diễn ra nếu không có ảnh hưởng của trọng lực.

Space Rider cũng sẽ kiểm tra công nghệ mới cho nhiệm vụ tương lai. Ví dụ, nó sẽ thử nghiệm hệ thống viễn thông tiên tiến, đóng vai trò thiết yếu trong duy trì liên lạc với tàu vũ trụ qua khoảng cách dài. Con tàu cũng xem xét công cụ thám hiểm robot dùng trong nhiệm vụ Mặt Trăng hoặc sao Hỏa.

Khám phá Mặt Trăng với M2/Resilience

Nhiệm vụ M2/Resilience dự kiến phóng vào tháng 1/2025 sẽ đưa tàu đổ bộ và robot tự hành nhỏ tới bề mặt Mặt Trăng. Nhiệm vụ này sẽ nghiên cứu đất Mặt Trăng để tìm hiểu thành phần và đặc điểm. Các nhà nghiên cứu cũng sẽ tiến hành thử nghiệm tách nước để tạo ra oxy và hydro bằng cách khai thác nước từ bề mặt Mặt Trăng, làm nóng và tách hơi nước thu được. Nước, oxy và hydro sản xuất được có thể dùng cho thám hiểm Mặt Trăng dài hạn.

Nhiệm vụ M2/Resilience cũng sẽ kiểm tra công nghệ mới như hệ thống định vị tiên tiến để hạ cánh chính xác và hệ thống vận hành robot tự động, có thể dùng cho các nhiệm vụ tương lai.

Nghiên cứu tiểu hành tinh với Thiên Vấn 2

Nhiệm vụ Thiên Vấn 2 của Trung Quốc là nhiệm vụ thăm dò sao chổi và mang mẫu vật tiểu hành tinh trở về Trái Đất. Được lên lịch phóng vào tháng 5/2025, Thiên Vấn 2 hướng tới thu thập mẫu vật tiểu hành tinh gần Trái Đất và nghiên cứu một sao chổi. Nhiệm vụ này sẽ thúc đẩy hiểu biết của các nhà khoa học về quá trình hình thành và tiến hóa của hệ Mặt Trời, dựa trên thành công của các nhiệm vụ Mặt Trăng và sao Hỏa trước đây của Trung Quốc. Mục tiêu đầu tiên của nhiệm vụ là tiểu hành tinh gần Trái Đất 469219 Kamoʻoalewa. Đây là giả vệ tinh của Trái Đất, có nghĩa nó quay quanh Mặt Trời nhưng ở gần Trái Đất. Kamoʻoalewa có đường kính 40 - 100 m và có thể là mảnh vỡ của Mặt Trăng bắn vào không gian từ sự kiện va chạm trong quá khứ.

Thông qua nghiên cứu tiểu hành tinh này, các nhà khoa học hy vọng có thể học hỏi về hệ Mặt Trời thuở sơ khai và những quá trình định hình nó. Tàu vũ trụ sẽ sử dụng cả kỹ thuật chạm và rời cùng kỹ thuật neo bám để thu thập mẫu vật từ bề mặt tiểu hành tinh. Sau khi thu thập mẫu vật từ Kamoʻoalewa, Thiên Vấn 2 sẽ mang chúng về Trái Đất và khởi hành tới mục tiêu thứ 2 là sao chổi 311P/PANSTARRS ở vành đai chính. Sao chổi này nằm ở vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc. Thông qua phân tích vật liệu của sao chổi, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể hiểu rõ hơn về điều kiện của hệ Mặt Trời thuở đầu cũng như nguồn gốc của nước và phân tử hữu cơ trên Trái Đất.

Theo vnexpress.net