Những lợi thế khi robot khám phá vũ trụ
Vào đêm Giáng sinh 2024, một tàu vũ trụ tự động bay qua Mặt Trời, tới gần ngôi sao này hơn bất kỳ vật thể nhân tạo nào trước đây. Bay qua khí quyển, tàu thăm dò Parker của NASA đang thực hiện nhiệm vụ khám phá Mặt Trời, bao gồm tác động tới thời tiết vũ trụ. Đây là một khoảnh khắc đặc biệt đối với nhân loại, nhưng không có bất kỳ người nào tham gia trực tiếp, bởi tàu vũ trụ tiến hành nhiệm vụ lập trình sẵn khi bay qua Mặt Trời và không liên lạc với Trái Đất.
Những tàu thăm dò tự động đã bay qua hệ Mặt Trời trong 6 thập kỷ qua, tới nhiều đích đến bất khả thi đối với con người. Trong chuyến bay gần kéo dài 10 ngày, tàu Parker đã trải qua nhiệt độ 1.000 độ C. Nhưng thành công của các tàu vũ trụ tự động này, kèm theo sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo cao cấp, cũng dấy lên câu hỏi về vai trò của con người đối với khám phá vũ trụ trong tương lai, theo BBC.
Một số nhà khoa học băn khoăn liệu phi hành gia có cần thiết hay không. "Robot đang phát triển nhanh chóng và trường hợp đưa người vào vũ trụ đang trở nên mong manh hơn. Tôi không nghĩ tiền thuế nên được dùng cho việc đó", Lord Martin Rees, nhà thiên văn học người Anh, chia sẻ.
Andrew Coates, nhà vật lý ở Đại học London, cũng đồng tình với ý kiến trên. "Đối với khám phá vũ trụ, tôi thích robot hơn. Chúng bay xa hơn và làm được nhiều việc hơn. Chúng cũng rẻ hơn so với phi hành gia. Khi AI ngày càng phát triển, robot có thể càng thông minh hơn".
Robot tự hành so với con người
Tàu vũ trụ tự động đã ghé thăm mọi hành tinh trong hệ Mặt Trời, cũng như nhiều tiểu hành tinh và sao chổi, nhưng con người mới chỉ tới hai nơi là quỹ đạo Trái Đất và Mặt Trăng. Tổng cộng, khoảng 700 người đã bay vào không gian, từ năm 1961, khi nhà du hành Yuri Gagarin của Liên Xô trở thành người thám hiểm vũ trụ đầu tiên. Phần lớn họ bay lên quỹ đạo (vòng quanh Trái Đất) hoặc cận quỹ đạo (bay quãng ngắn vào không gian trong vài phút trên phương tiện như tên lửa New Shepard của công ty Mỹ Blue Origin.
Trừ khao khát khám phá bẩm sinh hoặc để tạo thanh thế, con người cũng tiến hành nghiên cứu và thí nghiệm trên quỹ đạo Trái Đất, như Trạm Vũ trụ Quốc tế và sử dụng kết quả để thúc đẩy khoa học. Robot có thể góp phần vào nghiên cứu khoa học đó nhờ khả năng di chuyển tới nhiều địa điểm khắc nghiệt với con người, có thể dùng thiết bị để thăm dò môi trường và bề mặt. "Con người linh hoạt hơn và thực hiện công việc nhanh hơn robot, nhưng rất khó sống sót trong vũ trụ", tiến sĩ Kelly Weinersmith, nhà sinh vật học ở Đại học Rice, Texas, cho biết.
Tuy nhiên, robot cũng có một số mặt hạn chế. Nhiều robot khá chậm rãi và thận trọng, ví dụ trên sao Hỏa, các robot tự hành điều khiển từ xa di chuyển ở tốc độ 0,16 km/h.
Trợ lý AI và robot hình người
Công nghệ có thể góp phần hỗ trợ con người du hành không gian thông qua giải phóng phi hành gia khỏi một số nhiệm vụ, cho phép họ tập trung vào nghiên cứu quan trọng hơn. Theo tiến sĩ Kiri Wagstaff, nhà khoa học máy tính và hành tinh ở Mỹ từng làm việc tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, AI có thể dùng để tự động hóa công việc tẻ nhạt. "Trên bề mặt một hành tinh, con người trở nên mệt mỏi và mất tập trung, nhưng máy móc thì không", ông nói.
Thách thức nằm ở chỗ cần lượng điện khổng lồ để vận hành hệ thống như mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), có thể hiểu và tạo ra ngôn ngữ con người thông qua xử lý lượng lớn dữ liệu văn bản. "Chúng ta chưa tiến đến mốc có thể vận hành LLM trên robot sao Hỏa. Bộ xử lý của các robot chạy ở tốc độ bằng 1/10 điện thoại thông minh, có nghĩa chúng không thể giải quyết lệnh chạy LLM", Wagstaff cho biết.
Những cỗ máy hình người phức tạp với cánh tay robot và chân là một dạng công nghệ khác có thể phụ trách công việc và chức năng cơ bản trong không gian, đặc biệt do chúng mô phỏng sát sao hơn khả năng thể chất của con người. Robot Valkyrie của NASA được chế tạo bởi Trung tâm vũ trụ Johnson để hoàn thành một thử nghiệm năm 2013. Nặng 136 kg và cao 188 cm, đây là một trong số nhiều cỗ máy hình người có siêu năng lực.
Rất lâu trước khi Valkyrie ra đời, Robonaut là robot hình người đầu tiên của NASA được thiết kế để sử dụng trong vũ trụ, thực hiện công việc của con người. Hai bàn tay thiết kế đặc biệt giúp nó sử dụng dụng cụ như phi hành gia và tiến hành nhiệm vụ phức tạp như cầm nắm vật thể hoặc đẩy cần gạt.
Một mô hình sau này của Robonaut được chở lên Trạm Vũ trụ Quốc tế trên tàu con thoi Discovery năm 2011, nơi nó tham gia bảo trì và lắp ráp. "Nếu cần thay bộ phận hoặc vệ sinh pin quang điện, chúng ta có thể sử dụng robot", tiến sĩ Shaun Azimi ở Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA tại Texas, nhấn mạnh. Theo ông, robot có thể rất hữu ích, nhưng không thay thế hẳn phi hành gia mà làm việc cùng với họ.
Một số robot đang hoạt động trên những hành tinh khác mà không cần con người, thậm chí đôi khi tự ra quyết định. Ví dụ, robot tự hành Curiosity của NASA, đang khám phá khu vực mang tên miệng hố Gale trên sao Hỏa và tự động thực hiện một số nhiệm vụ khoa học dù không có lệnh từ con người. Ví dụ, nó có thể phân tích một khối đá và gửi dữ liệu về Trái Đất khi con người đang ngủ. Nhưng khả năng của robot tự hành như Curiosity bị hạn chế bởi tốc độ chậm của chúng. Ngoài ra, chúng cũng không có khả năng truyền cảm hứng như người thật.
Con người chưa bay xa khỏi quỹ đạo Trái Đất từ tháng 12/1972 khi nhiệm vụ Apollo cuối cùng tới thăm Mặt Trăng. NASA hy vọng có thể đưa con người đến đó trong thập kỷ này với chương trình Artemis. Nhiệm vụ có người lái tiếp theo sẽ đưa 4 phi hành gia bay vòng quanh Mặt Trăng năm 2026. Một nhiệm vụ khác dự kiến diễn ra năm 2027 sẽ đưa phi hành gia NASA hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng. Không chỉ NASA, cơ quan vũ trụ Trung Quốc cũng muốn bay vòng quanh Mặt Trăng năm 2026. Tuy nhiên, con người nhiều khả năng vẫn phải tiếp tục tiến từng bước nhỏ vào vũ trụ, trên con đường mà những tàu thám hiểm robot đã bay qua từ lâu.
Theo vnexpress.net
Tin cùng chuyên mục
- Quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả 17.10.2024 | 15:31 PM
- Sóng nhiệt kỷ lục ở Nam cực đe dọa tương lai Trái đất 06.08.2024 | 09:46 AM
- 201 thí sinh tham gia Hội thi tin học trẻ tỉnh Thái Bình năm 2024 10.06.2024 | 19:17 PM
- Tổng kết và trao giải hội thi, cuộc thi sáng tạo khoa học năm 2022 - 2023 18.12.2023 | 16:35 PM
- Hội thảo khoa học về vai trò của khoa học và công nghệ trong việc sản xuất, tiêu thụ và phát triển sản phẩm nông nghiệp 16.12.2023 | 14:38 PM
- Hội nghị khoa học về chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch 28.10.2023 | 12:02 PM
- Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nước mắm 15.02.2023 | 18:51 PM
- Tàu container lớn nhất thế giới 13.02.2023 | 08:42 AM
- Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập 23.09.2022 | 21:19 PM
- Hội thảo tư vấn, phản biện về cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động phát triển khoa học, công nghệ 07.06.2022 | 16:39 PM
Xem tin theo ngày
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng
- Gắn thực hiện nhiệm vụ của ngành kiểm sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
- Đảng ủy Quân khu 3: Ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ năm 2025
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Thái Bình
- Gặp mặt đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình các khóa
- Năm mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới