Thứ 4, 15/01/2025, 13:49[GMT+7]

Những dòng họ khoa bảng tiêu biểu ở Thái Bình

Thứ 2, 13/01/2025 | 08:55:09
6,260 lượt xem
Lịch sử khoa cử thời Nho học của Việt Nam còn lưu truyền hàng chục dòng họ ở Thái Bình giàu truyền thống khoa bảng, đời nối đời hiển đạt khoa danh, từng được sử sách tôn vinh là những dòng họ văn hiến.

Quang cảnh Lễ xướng danh ở trường thi Nam Định năm Mậu Tý (1888) cho các thí sinh trúng Cử nhân. Ảnh tư liệu

Những trường hợp được xác định là dòng họ khoa bảng thường có các thế hệ ông cháu, cha con, chú cháu, anh em cùng đỗ đại khoa với các danh vị: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ, Phó bảng. Điều rất đáng tự hào là hầu hết các trí thức đại khoa của những dòng họ khoa bảng ở Thái Bình đều có công danh sự nghiệp, đức hạnh để đời, khi qua đời được thờ làm phúc thần ở các làng quê, nhiều người được sử sách vinh danh là những “nhà Nho có công lao phò tá” hoặc là những “bề tôi tiết nghĩa”.

Người khai khoa cho truyền thống khoa bảng ở Thái Bình đồng thời cũng là người xây móng đắp nền cho truyền thống một dòng họ khoa bảng ở làng An Để (Vũ Thư) là Tiến sĩ Đặng Nghiêm (1155 - 1236), khoa Bính Thìn (1185). Cháu nội của ông là Hoàng giáp Đặng Diễn khoa Nhâm Thìn (1232). Từ thời Lý - Trần trở về sau hậu duệ dòng họ này tuy không có người đỗ đại khoa nhưng học phong vẫn đời nối đời thịnh đạt.

Từ đường họ Quách ở làng Phúc Khê (Thái Thụy) còn lưu giữ được bức đại tự “Thi lễ truyền gia” của triều đình nhà Lê ban tặng. Vào thế kỷ XV, họ Quách lẫy lừng tiếng tăm do có hai anh em ruột đỗ đại khoa và đều trở thành những bậc đại thần có danh cao vọng trọng ở triều Lê sơ. Quách Đình Bảo (1440 - 1507), đỗ Thám hoa khoa Quý Mùi (1463), làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lễ, Thượng thư Bộ Hình. Khi về hưu được phong hàm Thái phó. Quách Hữu Nghiêm (1445 - 1505), đỗ Hoàng giáp khoa Bính Tuất (1466), làm quan tới chức Thái Thường tự khanh. Điều đặc biệt là hai anh em nhà họ Quách này đều được cử đi sứ sang nhà Minh và đều nổi danh vì thơ hay sứ giỏi.

Có lẽ, nổi trội hơn cả trong số các dòng họ khoa bảng của Thái Bình và của cả Việt Nam là trường hợp dòng họ Đỗ ở làng An Bài (Quỳnh Phụ) liên tiếp 5 đời có 6 cha con, anh em, ông cháu nối tiếp nhau thi đỗ đại khoa. Từ đường dòng họ Đỗ ở An Bài còn giữ được đôi câu đối: “Toàn tộc lục đại khoa liên đăng ngũ thế/ Nhất môn tam Hoàng giáp hựu trúng tam khôi”. Nghĩa là: “Toàn họ có 6 người đỗ đại khoa liền trong 5 đời/Một nhà có 3 Hoàng giáp lại thêm một người trúng Tam khôi”. Người khai khoa của dòng họ này là Đỗ Hoàn, còn có tên Đỗ Duệ, Hoàng giáp khoa Ất Mùi (1475), làm quan tới Tham chính trấn Sơn Nam, được vị vua sáng Lê Thánh Tông hết mực sủng ái. Con trai Đỗ Hoàn là Đỗ Toại, Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1496), làm quan tới chức Tả thị lang bộ Lễ, trải ba lần đi sứ sang nhà Minh. Khi mất được truy phong hàm Thái Bảo. Con trai Đỗ Toại là Đỗ Cảnh, Hoàng giáp khoa Giáp Tuất (1514), làm quan đến Tả Thị lang Bộ Binh, đi sứ sang nhà Minh. Con trai Đỗ Cảnh là Đỗ Nhân An, Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1544), làm quan tới chức Lễ bộ Tả Thị lang, đi sứ sang nhà Minh... Cuối đời, ông mở trường dạy học ở quê nhà, có nhiều người hiển đạt, trong đó hai con trai của ông là Đỗ Cung đỗ Thám hoa và Đỗ Diễn đỗ Hoàng giáp cùng khoa Canh Thân (1580).

Trong lịch sử khoa cử thời Nho học tỉnh Thái Bình có hai vị Trạng nguyên đều là người khai mở mệnh mạch khoa bảng cho dòng họ của mình. Phạm Đôn Lễ (1454 - ?), quê làng Hải Triều (Hưng Hà), Trạng nguyên khoa Tân Sửu (1481). Năm 1484, làm Chánh sứ sang nhà Minh. Nhân chuyến đi này, ông học được kỹ thuật dệt chiếu tân tiến. Khi về nước truyền dạy lại cho dân làng. Dân tôn ông là Trạng Chiếu. Khi ông mất, dân lập đền thờ gọi là đền Quan Trạng. Người cháu gọi Phạm Đôn Lễ bằng chú ruột là Phạm Nguyên Chấn (1470 - 1530), Hoàng giáp khoa Kỷ Mùi (1499), làm quan tới chức Thiêm Đô ngự sử và cũng được cử đi sứ sang nhà Minh. Đương thời nổi tiếng là một học quan giàu khí tiết.

Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm (? - 1512), khoa Kỷ Mùi (1499), người làng Ngoại Lãng (Vũ Thư), làm quan đến Phó Đô ngự sử. Là người tiết tháo, có tài thao lược. Năm 1509, làm Chánh sứ sang nhà Minh. Khi đoàn về đến Bằng Tường thì gặp cướp, ông đã dũng cảm chống trả, bị trọng thương và mất trên đường về. Vua truy phong tước Thái Bảo, hàm Thượng thư, phong làm Phúc thần làng Ngoại Lãng. Đền thờ ông còn ghi: “Cảnh Thống Trạng nguyên vọng phiên sơn đẩu/Bằng Tường sứ tử tiết lẫm băng sương” (Đỗ Trạng nguyên năm Cảnh Thống danh vọng như núi cao, như Bắc đẩu/Đi sứ tử tiết ở Bằng Tường, tinh thần khí tiết như băng sương). Em ruột Đỗ Lý Khiêm là Đỗ Oánh (có sách chép là Đỗ Dung hoặc Đỗ Vinh), Hội nguyên khoa Mậu Thìn (1508), làm quan tới chức Phó Đô ngự sử. Năm 1516, Trịnh Duy Sản giết vua Lê Tương Dực, Trần Cảo nổi loạn chiếm kinh thành. Đỗ Oánh phò Chiêu Tông đánh nhau với quân Trần Cảo ở Hồng Đàm, nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội, bị chết trận. Vua Chiêu Tông truy phong tước Thái Bảo, phong làm Phúc thần làng Văn Lãng. Đền thờ ông còn ghi: “Hồng Đàm nhất chiến trung thần liệt/Văn Lãng thiên thu nghĩa sĩ từ” (Một trận chiến đấu ở Hồng Đàm ngài là trung thần lẫm liệt/Ngàn năm đất Văn Lãng còn đền thờ bậc nghĩa sĩ). Ngôi từ đường họ Đỗ ở làng Song Lãng cò lưu giữ được câu đối “Cảnh Thống Trạng nguyên, Đoan Khánh Hội nguyên tịnh nghĩa/Bằng Tường sứ tiết, Hồng Đàm súy tiết thanh cao” (Trạng nguyên năm Cảnh Thống, Hội nguyên năm Đoan Khánh đều là bậc trung nghĩa/ Bằng Tường cờ sứ, Hồng Đàm cờ chiến thanh cao).

Vào đầu thế kỷ XVI, dòng họ Nguyễn ở làng Đông Địa Linh nay là thôn Đông Linh, thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) có Hoàng giáp Nguyễn Doãn Khâm, khoa Giáp Tuất (1514), làm quan đến Thị lang Bộ Lại. Được cử làm chánh sứ sang nhà Minh. Đi sứ về được thăng Lễ bộ Thượng thư. Người cháu gọi Nguyễn Doãn Khâm bằng chú ruột là Tiến sĩ Nguyễn Quý Lương khoa Kỷ Sửu (1529), làm Tham chính Cao Bằng đã cùng anh ruột là Nguyễn Duy Hòa, Hoàng giáp khoa Ất Mùi (1535), làm Tổng binh thiêm sự trấn thủ Cao Bằng có nhiều công lao mở mang giáo hóa vùng biên giới. Hậu duệ của dòng họ này có Nguyễn Duy Hợp (1744 - 1803), Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1772), làm quan tới chức Bồi Tụng, tước Đông Nhạc hầu.

Cũng vào thế kỷ XVI, ở làng Nham Lang (Hưng Hà) có Nguyễn Uyên (1525 - 1580), Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1556), làm quan tới Tả Thị lang Bộ Lại, làm Chánh sứ sang nhà Minh. Con trai Nguyễn Uyên là Nguyễn Trạch, Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1628), làm tới chức Tham tri Bộ Lại.

Thời nhà Mạc (thế kỷ XVI), ở làng Vang Thượng (Quỳnh Phụ) còn có Nguyễn Viết Hoành (1516 - ?), Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1556), làm tới chức Tế tửu Quốc Tử giám. Cháu gọi ông bằng chú ruột là Nguyễn Duy Hằng, Hoàng giáp khoa Kỷ Mùi (1559), từng đi sứ sang nhà Minh. Vào cuối triều Mạc, làng Tri Lai, nay thuộc thành phố Thái Bình có Tiến sĩ Khiếu Đình Tuân, khoa Nhâm Thìn (1592). Tròn 300 năm sau, vào khoa Nhâm Thìn (1892) dòng họ này có Khiếu Hữu Sử đỗ Phó bảng.

Vào thế kỷ XVIII, dưới thời Lê trung hưng, ở Thái Bình xuất hiện khá nhiều dòng họ khoa bảng với những trí thức đại khoa giàu tài năng, phẩm hạnh, trong đó có những người đã trở thành danh nhân đất Việt. Tiêu biểu như họ Lê ở làng Diên Hà (Hưng Hà) với hai cha con Tiến sĩ Lê Trọng Thứ, khoa Giáp Thìn (1724) và Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn, khoa Nhâm Thân (1752). Hai cha con Hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục khoa Nhâm Thân (1752) và Cử nhân Đoàn Nguyễn Tuấn ở làng Hải An (Quỳnh Phụ). Hai cha con Tiến sĩ Uông Sĩ Đoan khoa Tân Sửu (1721) và Tiến sĩ Uông Sĩ Điển khoa Bính Tuất (1766) ở làng Văn Hàn (Thái Thụy)...

Đến triều Nguyễn (thế kỷ XIX), mặc dù các kỳ thi Tiến sĩ tổ chức tại kinh đô Huế nhưng vẫn xuất hiện thêm nhiều dòng họ khoa bảng ở Thái Bình và điều đáng tự hào là hầu hết những vị khoa danh của các dòng họ này đều trở thành những sĩ phu yêu nước chống Pháp được sử sách lưu danh. Tiêu biểu như dòng họ Phạm làng Luyến Khuyết (Thái Thụy) với hai anh em Tiến sĩ Phạm Thế Hiển khoa Kỷ Sửu (1829) và Phó bảng Phạm Thế Húc khoa Quý Mão (1843). Dòng họ Doãn làng Ngoại Lãng (Vũ Thư) với hai anh em Cử nhân Nguyễn Doãn Uẩn khoa Mậu Tý (1828) và Tiến sĩ Doãn Khuê khoa Mậu Tuất (1838) là hai danh nhân rạng ngời phẩm hạnh, công danh. Dòng họ Ngô - Nguyễn làng Trình Phố (Tiền Hải) với hai anh em Cử nhân Ngô Đức Trạch khoa Ất Mão (1855) và Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích khoa Kỷ Tỵ (1869) là những sĩ phu đi tiên phong trong phong trào cần vương chống Pháp. Dòng họ Nguyễn Doãn làng Hành Dũng Nghĩa (Vũ Thư) từ thế kỷ XVIII có Cử nhân Nguyễn Doãn Trung làm quan tới chức Hàn lâm viện Thị độc. Ông có 6 người con, trong đó có ba Cử nhân, hai Tú tài và một Nhị trường. Cả sáu người đều là nhà giáo thành danh. Ba Cử nhân là Nguyễn Doãn Vọng khoa Đinh Mão (1867), Nguyễn Doãn Cử khoa Giáp Tý (1863), Nguyễn Doãn Tựu khoa Canh Ngọ (1870), cả ba anh em đều là những nhà giáo, học quan nhiệt thành, bền gan yêu nước chống Pháp.

Ngoài những dòng họ khoa bảng tiêu biểu như trên còn có thể kể đến hàng chục dòng họ khác đời nối đời có học phong hưng thịnh. Truyền thống khoa bảng của những dòng họ này đã và đang được các thế hệ hậu duệ kế thừa, phát huy ở thời đại mới, góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống hiếu học thành danh của Thái Bình.

Nguyễn Thanh
Vũ Quý, Kiến Xương


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày