Thứ 4, 08/05/2024, 14:28[GMT+7]

Một số kỹ năng lái xe ô tô an toàn trong mùa mưa bão

Thứ 4, 25/08/2021 | 18:15:43
3,132 lượt xem
Miền Bắc của nước ta đang trong giai đoạn mưa dông và bão, lũ. Những đợt mưa lớn kéo dài khiến cho đường phố ngập lụt là nguyên nhân tiềm ẩn khá nhiều rủi ro cho người tham gia giao thông.

Nếu như không biết cách di chuyển và vận hành xe ô tô khi trời mưa và đi qua vùng ngập lụt thì nó sẽ là điểm yếu và xe của chúng ta sẽ gặp phải hiện tượng thủy kích cực kỳ nghiêm trọng. 

8 kỹ năng và kinh nghiệm khi cho xe đi qua vùng ngập nước mà anh Bùi Dân, chuyên viên tư vấn Đại lý 3S MG Thái Bình chia sẻ sẽ giúp bạn bảo đảm an toàn cho cả người và phương tiện.

Video: Huong_dan_lai_xe_qua_vung_ngap_nuoc_-_MG.mp4

 

1. Giảm tốc (slow down) hoặc dừng lại để đánh giá tình hình mực nước trước khi quyết định vượt qua.

Trước khi tiếp cận vùng ngập lụt, ta cần giảm tốc hoặc dừng lại để quan sát các xe đi trước, vỉa hè hoặc một số hiện vật có thể đo lường được mức nước, ổ gà hoặc chướng ngại vật. Sau đó chúng ta xác định dòng xe của chúng ta thuộc dòng xe gì, gầm thấp hay gầm cao. Là dòng xe SUV hay Sedan/ Hatchback. 

Các dòng xe sedan khi di chuyển vào vùng ngập nước chúng ta cần dừng lại và quan sát mực nước, chiều sâu an toàn cho dòng xe sedan gầm thấp là khoảng 25cm. Nếu mức nước đến 1/2 bánh, hoặc dưới đó thì có thể đi. Nhưng nên chú ý khi những dòng xe tải hoặc bus đi qua có thể tạo lên 1 làn sóng tạt vào khoang động cơ của xe thì rất có thể sẽ khiến xe chết máy và gây ra hiện tượng thủy kích vì thường các dòng xe SEDAN luôn thiết kế cổ hút gió để ở phần thấp 1 là ở dưới đèn pha, 2 là có thể để ở sau lưới tản nhiệt. Trong trường hợp ngập cả bánh xe thì bạn nên quay đầu lại và di chuyển theo hướng khác. 

2. Bật đèn báo nguy hiểm hoặc đèn chiếu sáng để đánh giá độ sâu của nước.

Trước khi cho xe đi vào vùng ngập nước, tài xế cần bật đèn cảnh báo nguy hiểm hoặc đèn chiếu sáng để đánh giá độ sâu của nước. Chúng ta nên quan sát và giữ khoảng cách với xe đi trước, không chạy song song.

3. Tắt điều hòa, hạ kính xe chạy bằng quạt 

Tài xế nên tắt điều hòa, giảm nguy cơ quạt hút gió hoạt động sẽ dẫn nước vào sâu khoang  động cơ và giảm bớt gánh nặng cho xe. Khi điều hòa chạy sẽ khiến xe của bạn yếu hơn khi lội nước. Bởi khi cho xe qua vùng ngập nước sẽ có độ ì rất lớn và phải cần chạy công suất cao. 

Trước khi đi vào đoạn đường ngập, hãy tắt điều hòa và hạ kính. Vì điều hòa luôn có quạt thông gió để lấy không khí tươi từ bên ngoài vào. Nếu chỗ ngập quá cao thì quạt thông gió sẽ biến thành máy bơm hút nước vào động cơ. Cánh quạt có thể quấn rác dẫn đến gãy khiến động cơ tăng nhiệt. Việc hạ kính sẽ giúp cân bằng không khí bên trong và ngoài xe, giúp không khí bên trong được thông thoáng hơn. 

4. Giữ đều chân ga, tuyệt đối không được dừng lại giữa vùng ngập nước

Khi lái xe đi qua khu vực ngập, nên giữ đều ga và chọn số thấp. Nếu là số sàn bạn nên đi số 1 - 2. Còn đối với xe số tự động hoặc bán tự động thì nên chuyển về số D1 hoặc chuyển về chế độ số tay rồi đi ở số 1 - 2. Giữ đều chân ga ở tốc độ 10 - 15km/h, không tăng tốc hay giảm tốc đột ngột để tránh nước tràn vào khoang động cơ từ phía trước và cả ống xả phía sau. Không rồ ga phóng qua đường ngập bởi nguy cơ nước có thể bị áp lực đẩy tràn lên nắp capo và tràn vào cổ hút gió của động cơ gây hiện tượng thủy kích. Đặc biệt, tuyệt đối không dừng lại giữa vùng ngập nước. 

Nếu điều kiện giao thông cho phép, lái xe nên đi ở giữa tâm đường, bởi đây luôn là vị trí cao nhất của mặt đường. Điều này sẽ giúp giảm mực nước và giảm nguy cơ cho chiếc xe của bạn. Luôn giữ khoảng cách với các phương tiện khác và tránh xa những xe có trọng tải lớn bởi những phương tiện khác khi di chuyển sẽ tạo ra những cơn sóng nước lớn tràn qua nắp capo và có thể làm nước tràn vào họng hút gió và vào thẳng động cơ gây hiện tượng thủy kích.

Kinh nghiệm nhỏ là trước khi đi qua những chỗ có ngập nước, nên tháo đường ống hút gió ở phía đầu xe ra để lấy gió trực tiếp từ khoang động cơ vào (vị trí cao nhất) mà không thông qua đường khí nạp theo xe (vị trí thấp hơn). Qua khỏi đoạn ngập lụt, lắp lại lọc gió động cơ. Cách làm này có thể hạn chế được việc nước tràn qua nắp capo sẽ bị hút vào họng hút gió và đi vào động cơ gây ra hiện tượng thủy kích.

5. Từ từ tăng ga khi thoát khỏi mực nước sâu 

Từ từ tăng ga khi thoát khỏi mực nước sâu. Tránh những xe đi ngược chiều. Khi chiếc xe gần thoát khỏi khu vực nước sâu, bạn có thể tăng tốc độ một cách cẩn thận. 

6. Nếu đã vượt qua vùng ngập lụt, hãy lái xe bình thường, điềm tĩnh, không thốc ga hay phanh gấp

Nếu đã vượt qua vùng lũ một cách an toàn, tiếp tục lái xe bình thường nhưng nên di chuyển một cách điềm tĩnh, không thốc ga hay phanh gấp vì các bộ phận trên xe đã có tiếp xúc với nước nên cần thêm thời gian để khô ráo.

Kể cả khi xe bạn không chết máy và đã lội nước thành công, nước chắc chắn vẫn nằm đâu đó trong xe, nên hãy tiếp tục di chuyển khoảng 5 - 10 phút nữa, vừa đi vừa rà phanh để nước trong phanh ra khỏi đĩa phanh, tránh hiện tượng bó phanh sau khi để qua đêm. Di chuyển điềm tĩnh, không thốc ga hay phanh gấp. Dọn rác, lá cây ở két nước vì khi chúng ta đi vào vùng ngập, két nước là chỗ chắn đựng rất nhiều rác trong nước và giữ lại. Kiểm tra lại động cơ và gầm xe để bảo đảm sạch sẽ và không có gì bất thường.

7. Kiểm tra xe thật kỹ khi đã cho xe ra khỏi vùng ngập lụt

Kiểm tra nội thất

Sau khi đưa xe ra khỏi khu vực ngập nước, hãy tiến hành kiểm tra nội thất. Nếu lọt nước vào nội thất sẽ gây phá hủy rất nhanh. Dùng khăn hoặc giấy thấm hết nước đọng lại, sau đó dùng quạt hoặc máy sấy để làm khô nội thất.

Kiểm tra khoang động cơ

Hãy mở nắp capo và quan sát, nếu thấy có nhiều nước đọng ở lọc gió, động cơ hay bình chứa dầu, nguy cơ hiện hữu là xe bạn đã bị nước lọt vào động cơ. Với người bình thường không biết về kỹ thuật, cách tốt nhất là để thợ kỹ thuật kiểm tra và sửa chữa. Với xe đời mới, hệ thống các chất lỏng được đóng kín khít, nhưng trên xe đời cũ vẫn có nguy cơ rò rỉ. Vì vậy, ngoài dầu máy, cần kiểm tra thêm các chất lỏng khác như dầu phanh, dầu trợ lực lái, nước mát.

Kiểm tra hệ thống điện

Nếu xe có thể khởi động được, kiểm tra tất cả các bộ phận dùng điện như đèn pha, đèn xi-nhan, điều hòa, âm thanh, khóa cửa, chỉnh điện cửa sổ, mở cốp điện, chỉnh ghế, gương thậm chí đèn nội thất. Nếu có bất cứ chi tiết nào không hoạt động trơn tru đều là dấu hiệu nước khiến hệ thống điện chập chờn. Hãy mang xe đi bảo dưỡng, thay dầu, bôi trơn lại ổ trục sớm nhất có thể sau khi lội nước, vì nước mưa sẽ gây ăn mòn rất nhanh.

8. Gọi cứu hộ trong trường hợp động cơ bị tắt

Trong nhiều trường hợp, dù bạn đã đi rất đúng kỹ thuật nhưng những sự cố bất ngờ khiến bạn phải dừng xe khi đang lội nước, hoặc bạn vô tình đuối ga, hay quá ga, chập điện... khiến nước vào động cơ và xe chết máy. Khi xe chết máy, tuyệt đối không được khởi động lại. 

Nếu bạn đề nổ lại xe, nước sẽ tràn mạnh vào động cơ và bị nén, gây hiện tượng thủy kích, khiến cong tay biên, gãy tay biên hay vỡ lốc máy, gây ra hậu quả nghiêm trọng với động cơ, chi phí sửa chữa sẽ hết sức tốn kém (nhất là xe có tính năng turbo tăng tốc). Bĩnh tĩnh, rút chìa khóa, cố gắng đẩy xe ra khỏi vùng ngập nước, hoặc gọi cứu hộ khẩn cấp để kéo xe về an toàn. Tài xế nên lưu sẵn số cứu hộ trong điện thoại của mình để lúc cần là gọi ngay. 

Hotline cứu hộ xe: 19001967

Trên đây là những điều cần lưu ý và một số kinh nghiệm cơ bản cho xế yêu của bạn khi di chuyển qua vùng ngập lụt để hạn chế tối đa những rủi ro cho xe. Chúc các bạn tham gia giao thông an toàn và luôn giữ vững tay lái trên mọi nẻo đường. 

Khắc Duẩn