Thứ 7, 23/11/2024, 04:10[GMT+7]

Chính phủ chính thức đặt lộ trình 'khai tử' xe động cơ đốt trong ở Việt Nam

Thứ 2, 25/07/2022 | 09:34:37
10,459 lượt xem
Việt Nam xác định đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch. Đến 2050, 100% phương tiện chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Ngày 22/7, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh từ nay đến năm 2050, trong đó sẽ hướng tới mục tiêu từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất và nhập khẩu ô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Quyết định này cũng tác động không nhỏ đến ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước những năm tới.

Đến năm 2040, Việt Nam sẽ từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe sử dụng nhiên liệu hoá thạch.

Cụ thể, Chương trình đã đề ra lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh trong giai đoạn 2022 - 2030 với một số mục tiêu như: Thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và sử dụng các loại phương tiện giao thông sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 với phương tiện giao thông đường bộ. 

Đồng thời, phát triển hạ tầng sạc điện để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ chuyển đổi theo tiêu chí xanh. 

Đáng chú ý, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước. 

Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng sạc điện để cung cấp năng lượng xanh trên toàn quốc.

Vào năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới tại Việt Nam là xe điện, sử dụng năng lượng xanh.

Cũng theo Quyết định vừa ban hành, chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trong nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26 hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

Đây cũng là cơ hội để ngành Giao thông vận tải có sự phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hoá và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, là "kim chỉ nam" để các hãng xe trong nước và nhập khẩu xác định rõ kế hoạch sản xuất, phát triển sản phẩm của mình ở thị trường Việt Nam, nhất chuyển đổi sang sản xuất và phân phối xe điện.

Theo vietnamnet.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày