Thứ 7, 20/04/2024, 09:55[GMT+7]

Những lưu ý khi sạc xe điện tại nhà

Thứ 4, 15/02/2023 | 09:24:28
4,237 lượt xem
Xe điện ngày càng phổ biến. Nhiều người băn khoăn là xe sạc điện ở nhà và đổ xăng, loại nào tiết kiệm hơn?

Ảnh minh họa.

Khi xu hướng điện khí hóa phát triển, một chiếc ôtô điện dành cho gia đình là điều không thể thiếu.

Chuyên gia cảnh báo

Tiền điện hàng tháng chắc chắn sẽ tăng, nhưng bù lại sẽ tiết kiệm được tiền xăng. Ngoài ra, theo Bộ Năng lượng Mỹ, xe điện có chi phí bảo dưỡng ít hơn so với xe chạy bằng khí đốt vì pin và động cơ của chúng khá bền bỉ, trong khi xe chạy xăng lại phải thay dầu định kỳ.

Thế nhưng một vấn đề người dùng cần tính đến là làm trạm sạc điện ở nhà.

“Sẽ có một số cài đặt phức tạp hơn bình thường” - Caradoc Ehrenhalt, Giám đốc điều hành của EV Safe Charge, một công ty cung cấp giải pháp sạc ở Los Angeles (Mỹ), cho biết.

Một lời khuyên đưa ra là nên để xe với nguồn điện trong phạm vi dưới 25m bởi sẽ liên quan đến việc phải đào rãnh và chạy cáp ngầm để kết nối.

Một vấn đề khó khăn khác có khả năng gây tốn kém cho các chủ sở hữu xe điện tiềm năng là liệu hệ thống điện trong nhà của bạn có được trang bị để xử lý tải trọng bổ sung của việc sạc xe hay không? Harvey Faulkner - một thợ điện chuyên nghiệp và là chủ sở hữu của Focus Trade Services ở thủ đô Washington D.C. - gợi ý rằng chủ xe sẽ cần nâng cấp bảng điện nhà mình để có thêm cầu dao bổ sung.

Ngoại trừ bộ sạc siêu tốc của Tesla chỉ tương thích với các dòng xe của hãng, tất cả các bộ sạc cấp 1 và cấp 2 có sẵn ở Bắc Mỹ đều có phích cắm tiêu chuẩn, có thể áp dụng cho tất cả loại bộ sạc. Từ đó, các tùy chọn được phân biệt theo kích thước, tốc độ sạc, độ dài dây, kết nối với WiFi cùng các tính năng khác. Chúng có thể có giá từ vài trăm đến vài nghìn USD. Một mẫu phổ biến là JuiceBox 40 có giá khoảng 700 USD. Một bộ sạc thường được khuyên dùng khác là ChargePoint Home Flex có giá 749 USD.

Nên mua bộ sạc ở nhà không?

Trên thực tế, có lẽ là không. Hầu như tất cả các loại xe điện (EV) đều đi kèm với bộ sạc cấp 1. Những bộ sạc này cắm trực tiếp vào ổ cắm tiêu chuẩn nhưng tốc độ sạc lại chậm, ước tính khoảng nửa ngày. Về việc tự lắp đặt bộ sạc EV tại nhà, thường chủ yếu là về bộ sạc cấp 2 vì chúng mạnh mẽ hơn. Chủ xe có thể sạc đầy pin qua đêm và đi được thêm hàng chục km trong một tiếng sạc. Bộ sạc cấp 2 yêu cầu một loại phích cắm khác, và phải nhờ đến thợ điện.

Simon Ouellette, Giám đốc điều hành của Mogile Technologies, một công ty nghiên cứu xe điện ở Montreal (Canada), cho biết: “Việc bạn có thực sự muốn dùng bộ sạc cấp 2 hay không không phụ thuộc rất nhiều vào quãng đường đi mỗi ngày”.

Bộ sạc cấp 3 là nhanh nhất, nhưng vì chúng cần rất nhiều năng lượng nên rất hiếm người tự lắp ở nhà riêng.

Theo laodong.vn