Thứ 7, 20/04/2024, 01:26[GMT+7]

5 chỉ số cần biết khi dán phim cách nhiệt xe hơi

Thứ 2, 06/03/2023 | 09:40:45
4,724 lượt xem
VLT, VLR, TSER, IRR, UVR là các chỉ số thường thấy trên phim cách nhiệt, mô tả tính chất của sản phẩm.

So sánh độ truyền sáng của phim trong, từ trái qua phải độ VLT lần lượt là 70%, 55%, 35%, 18%, 5%. Ảnh: Tintsmart

Phim cách nhiệt là phụ kiện phổ biến cho ôtô nhằm giúp khoang xe bớt nóng, giảm tia gây hại và giảm lóa từ ánh đèn xe khác. Thị trường phim cách nhiệt ngày càng nhiều chủng loại, giá tiền, nguồn gốc nên người sử dụng thường không dễ để lựa chọn. Tuy vậy, dù là loại phim nào, người dùng nên nắm rõ những chỉ số liên quan để chọn được loại phim phù hợp với nhu cầu.

Cụ thể, các chỉ số cần quan tâm gồm tỷ lệ truyền sáng, tỷ lệ phản sáng, tổng năng lượng bị cản, tỷ lệ hồng ngoại bị cản và tỷ lệ tia cực tím bị cản. Các thông số trên có thể tham khảo trên website của nhà sản xuất, đại lý hoặc cơ sở dán phim. Ngoài ra, nhân viên tư vấn sẽ cung cấp những thông số này khi được yêu cầu, một số cơ sở có trang bị thêm các thiết bị đo lường để kiểm tra độ chuẩn xác của thông số trên phim cách nhiệt.

Tỷ lệ truyền sáng (Visible Light Transmittance - VLT) là lượng ánh sáng có thể đi xuyên qua kính. Chỉ số VLT được đo bằng phần trăm. VLT thấp có nghĩa ít ánh sáng có thể xuyên qua kính hơn. chỉ số VLT trên các loại phim cách nhiệt được đo bằng máy chuyên dụng, đo lượng ánh sáng từ bên ngoài đi xuyên qua lớp kính, phim và vào bên trong xe.

Thông thường chỉ số càng thấp, phim càng tối. Ví dụ phim cách nhiệt VLT 50% sẽ cho 50% ánh sáng chiếu xuyên qua, tương tự VLT 80% sẽ cho 80% ánh sáng chiếu xuyên qua. Trong điều kiện nắng, đủ ánh sáng, phương tiện dán phim VLT thấp vẫn có thể quan sát rõ xung quanh. Tuy nhiên vào buổi tối, những phim VLT thấp sẽ khó quan sát hơn so với VLT cao.

Xác định được VLT cũng giúp người dùng lựa chọn được dán loại phim phù hợp cho từng vị trí trên xe. Ví dụ cửa kính của hành khách phía sau có thể cho độ xuyên sáng rất thấp (phim tối), nhưng với cửa kính hàng ghế thứ nhất và đặc biệt là kính chắn gió, nơi tài xế cần quan sát thì nên dùng loại phim có độ truyền sáng thấp để đảm bảo an toàn khi lái xe.

Tỷ lệ phản sáng (Visible Light Reflectance - VLR) là tỷ lệ ánh sáng bị phản lại bởi bề mặt kính hoặc phim cách nhiệt. Ví dụ phim VLR 10% sẽ phản xạ 10% lượng ánh sáng vào môi trường. Cách phim cách nhiệt có VLR càng cao sẽ khiến bề mặt kính xe có độ phản xạ ánh sáng cao, thậm chí giống như bề mặt gương, khiến người ngoài khó quan sát bên trong xe. Tuy nhiên, chỉ số VLR cao có thể gây chói cho các phương tiện khác. Chỉ số VLR thông thường của kính xe chưa dán phim cách nhiệt là 8-10%.

Chọn loại phản sáng cao có thể giúp người trên xe có không gian riêng tư, không bị quan sát từ bên ngoài, nhưng cũng cần để ý không gây chói cho người đi đường.

Phim VLR cao sẽ làm bề mặt kính phản xạ như gương. Ảnh: Mechanic Base

Phim VLR cao sẽ làm bề mặt kính phản xạ như gương. Ảnh: Mechanic Base

Tổng năng lượng mặt trời bị cản (Total Solar Energy Rejected - TSER) biểu thị khả năng của phim cách nhiệt trong việc loại bỏ tác động từ năng lượng mặt trời, bao gồm tia UV, tia hồng ngoại, ánh sáng có thể nhìn thấy. Tỷ lệ cao, lượng nhiệt mặt trời truyền qua phim và kính càng ít, giúp khoang xe mát hơn. Các loại phim cách nhiệt hiện nay có TSER trung bình khoảng 40-60%.

Tỷ lệ năng lượng hồng ngoại mặt trời bị cản (Infra-Red Rejection - IRR) đo lượng bức xạ hồng ngoại bị cản do phim cách nhiệt. Đây là tia mang nhiệt, nguyên nhân chủ yếu gây nóng trong xe, mắt người không nhìn thấy. Chỉ số càng cao, hiệu quả cản tia hồng ngoại của phim cách nhiệt càng lớn, giúp khoang xe càng mát.

Tỷ lệ tia cực tím bị cản (Ultra Violet Rejection - UVR) đo mức độ tia UV (cả hai loại UVA và UVB) bị cản khi đi qua phim cách nhiệt. Hầu hết các loại phim cách nhiệt đều có khả năng ngăn 99% tia UV. Tia UV là tác nhân chính gây lão hóa và ung thư da.

Theo vnexpress.net