Thứ 4, 15/01/2025, 12:45[GMT+7]

Cách thay dầu trợ lực lái

Thứ 6, 23/08/2024 | 15:05:38
5,088 lượt xem
Dầu trợ lực tay lái xe bị thiếu sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống lái, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông, do vậy cần được kiểm tra, tiếp thêm hoặc thay định kỳ.

Có hai cách thay dầu trợ lực lái. (Ảnh minh họa).

Kiểm tra dầu trợ lực lái

Xác định vị trí bình dầu trợ lực lái

Để kiểm tra và thay dầu trợ lực lái, trước tiên tài xế cần xác định vị trí bình dầu trợ lực lái nằm ở vị trí nào. Thông thường, dầu trợ lực tay lái được đựng trong một bình chứa có xy lanh, đặt cạnh dây kéo vô lăng trợ lực. Chất liệu bình thường được làm bằng nhựa hoặc kim loại. 

Kiểm tra lượng dầu trong bình

Nếu bình chứa dầu trợ lực tay lái làm bằng nhựa trong mờ, lái xe dễ dàng quan sát mức dầu còn lại bên trong bình để có hướng xử lý. Nếu bình chứa làm bằng kim loại hoặc nhựa đục, lái xe có thể sử dụng que để kiểm tra mức dầu còn lại. Tuy nhiên, trên tất cả các xe hiện nay, trên nắp bình dầu trợ lực tay lái đã được nhà sản xuất trang bị sẵn que kiểm tra dầu.

Trước khi sử dụng que kiểm tra dầu, lái xe cần lấy giẻ lau thật sạch que để tránh nhiễm bẩn vào dầu. Sau đó cắm que vào bình rồi lấy ra quan sát que thăm dầu theo các vạch đánh dấu mức tối đa và tối thiểu đã quy định. Nếu mức dầu trợ lực tay lái ở mức tối thiểu hoặc dưới mức tối thiểu nghĩa là xe đang bị thiếu dầu trợ lực lái và cần được bổ sung ngay.

Kiểm tra chất lượng dầu

Lái xe cũng cần thường xuyên kiểm tra chất lượng dầu trợ lực tay lái để xác định chất lượng dầu còn sử dụng được hay không? Nếu dầu trợ lực tay lái có màu vàng da cam hoặc màu hồng nhạt thì dầu vẫn sử dụng tốt. Trường hợp dầu có màu nâu hoặc đen cho thấy dầu đã bị bẩn, không nên sử dụng tiếp và cần phải thay mới.

Cách tiếp dầu trợ lực tay lái

Việc bổ sung dầu trợ lực tay lái không quá phức tạp nên lái xe hoàn toàn có thể tự thay tại nhà. Chủ phương tiện chỉ cần bổ sung thêm dầu trợ lực lái vào bình đến mức vạch tiêu chuẩn mà nhà sản xuất đánh dấu là được.

Sau đó, nổ máy xe tại chỗ, xoay bánh lái qua lại để cho hết bọt khí trong hệ thống và kiểm tra xe. Sau khi đã kiểm tra xong, cần tắt máy, đóng nắp bình dầu trên xe cẩn thận.

Trong quá trình thay dầu, bổ sung thêm dầu cần cẩn thận tránh để bụi rơi vào bình dầu, gây ảnh hưởng đến chất lượng.

Thay dầu trợ lực tay lái

Khi kiểm tra thấy chất lượng dầu trợ lực tay lái kém chất lượng và không thể tiếp tục sử dụng thì chủ phương tiện nên thay mới toàn bộ dầu trợ lực. 

Dùng bình hút 

Lái xe sử dụng bình hút để hút toàn bộ dầu cũ ra. Sau đó đổ dầu mới vào là hoàn tất. Khi hút dầu theo cách này, lái xe chỉ có thể hút dầu trong bình, không thể hút sạch toàn bộ dầu trong hệ thống dầu trợ lực tay lái. Vì thế cần phải thêm một vài bước tiếp theo.

Cụ thể, sau lần hút đầu tiên, lượng dầu chưa ra hết, tài xế nên cho thêm một ít dầu mới vào bình, sau đó khởi động và chạy xe khoảng từ 15 – 20 phút để dầu mới trộn đều với dầu cũ. Tiếp sau đó lại sử dụng bình hút để hút hết dầu ra. Sau đó mới đổ dầu mới vào, chạy xe và hút dầu ra.

Sau mỗi lần hút, chất lượng dầu sẽ được nâng lên. Thực hiện từ 3 - 4 lần là có thể đảm bảo loại bỏ sạch dầu cũ hoàn toàn. Trong lần đổ dầu cuối cùng, tái xế cần châm dầu mới đầy bình và khoá chặt nắp. Quy trình thay dầu trợ lực lái này tuy mất thời gian nhưng lại giảm được việc phải kích và nâng gầm xe lên.

Thay dầu theo cách thủ công

Cách làm này tuy phức tạp hơn nhưng có thể xả sạch dầu trợ lực lái cũ chỉ trong 1 lần. 

Cụ thể, sử dụng kích ô tô để nâng gầm xe lên.

Rút ống dẫn dầu về bình return hose ra, gắn ống plastic thay vào và nâng cao đầu còn lại của ống plastic để dầu không chảy ra ngoài.

Đặt dầu ống return hose vào một cái chậu để hứng dầu cũ chảy ra.

Nổ máy xe, đánh lái vô lăng trọn vòng từ trái sang phải và ngược lại. Điều này sẽ giúp dầu trong tay lái chảy xuống ống return hose.

Đồng thời lúc đó đổ dầu mới vào bình phía trên. Rót liên tục cho đến khi thấy dầu cũ chảy trong chậu có màu tương tự dầu mới thì dừng.

Tắt máy xe, lắp lại ống return hose như cũ, nhớ xiết đai ốc thật chắc chắn.

Nổ máy xe trở lại, đánh lái trọn vòng từ trái sang phải và ngược lại để xe hết bọt khí trong hệ thống.

Kiểm tra lại mức dầu trong bình chứa, nếu thấy chưa đủ thì châm thêm đúng mức quy định, sau đó đóng nắp bình dầu và kết thúc việc thay dầu.

Tuy có thể tự thực hiện các thao tác thay dầu nhưng để đảm bảo chất lượng và hiệu quả thì chủ xe vẫn nên lựa chọn cách mang xe đến gara để thợ chuyên trách kiểm tra, thực hiện theo đúng quy chuẩn.

Theo vtc.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày