Thứ 4, 14/05/2025, 18:05[GMT+7]

Mạnh tay dọn “rác độc” của thị trường

Thứ 4, 14/05/2025 | 08:19:02
818 lượt xem
Hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc đang hàng ngày len lỏi tinh vi vào thị trường Thái Bình, lợi dụng kẽ hở từ thương mại điện tử đến các điểm bán lẻ truyền thống. Để bảo vệ thị trường nội địa, bảo vệ người tiêu dùng, xây dựng môi trường thương mại minh bạch, lành mạnh, Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389/ĐP tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp mạnh.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hoạt động kinh doanh mặt hàng điện tử tại địa bàn thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy).

Hàng lậu, hàng giả biến tướng

Trước thực trạng các cơ quan chức năng ở nhiều địa phương phát hiện, xử lý nhiều vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả như sữa, thực phẩm chức năng và mới đây là lòng lợn, nhằm sớm phòng ngừa nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, mới đây, BCĐ 389/ ĐP tỉnh đã tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả công tác hoạt động 4 tháng đầu năm và bàn giải pháp quản lý hiệu quả hơn. Ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng ban thường trực BCĐ 389/ĐP tỉnh cho biết: Mặc dù không phải là địa bàn trọng điểm về sản xuất, phân phối hàng giả, hàng lậu, song Thái Bình lại là thị trường tiêu thụ đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ và đang có diễn biến khó lường.

Thực tế cho thấy, các đối tượng vi phạm đang ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để vận chuyển, tàng trữ và tiêu thụ hàng hóa trái phép. Những mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm thực phẩm không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm, quần áo, hàng điện tử cũ, thuốc lá nhập lậu, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... Đáng chú ý, gian lận thương mại đang nổi lên ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhất là hiện tượng doanh nghiệp nhập hàng có nguồn gốc nước ngoài, gia công với tỷ lệ rất thấp nhưng lại khai báo xuất xứ Việt Nam để trục lợi chính sách ưu đãi thuế quan và gian lận thương hiệu quốc gia. Ông Trần Quốc Chính, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan tỉnh Thái Bình cho biết: Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, đơn vị đã phát hiện, xử lý 38 vụ vi phạm, tăng 117% so với cùng kỳ năm 2024; tổng số tiền xử phạt 150 triệu đồng, tăng 120%; buộc tái xuất 4 lô hàng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là khai sai xuất xứ, ghi nhãn mác không đầy đủ để gian lận thương mại và thuế quan. Ông Chính nhấn mạnh thêm, hiện tượng doanh nghiệp nhập hàng nước ngoài về, chỉ gia công nhẹ nhằm gắn mác “made in Viet Nam” đang trở thành vấn đề đáng lo ngại.

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn lợi dụng thương mại điện tử, mạng xã hội để kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính. Trong khi đó, việc kiểm soát, xử lý các vi phạm qua môi trường mạng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu công cụ giám sát chuyên sâu và chế tài chưa đủ sức răn đe.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Trước thực trạng trên, BCĐ 389/ĐP tỉnh đã chỉ đạo các ngành thành viên triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Lực lượng chức năng từ công an, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng đến các ngành liên quan đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời chủ động nắm chắc tình hình, đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm. Đại tá Phạm Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhận định: Tuy không phải là địa bàn sản xuất, phân phối đi các tỉnh nhưng Thái Bình là thị trường có nhiều nhức nhối về hàng giả, hàng kém chất lượng. Có nhiều nguyên nhân nhưng có nguyên nhân chủ quan từ trách nhiệm công vụ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, công tác phối hợp chia sẻ thông tin giữa các ngành thành viên phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống chưa chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời, những tồn tại này cần sớm phải được khắc phục.

Cùng với Công an tỉnh, lực lượng hải quan và quản lý thị trường cũng nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát ở các tuyến, địa bàn trọng điểm như khu vực cảng, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, siêu thị, chợ đầu mối, các điểm giao nhận hàng hóa. Ngoài ra, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử cũng được các ngành chức năng phối hợp triển khai. Các đơn vị đã tập hợp dữ liệu từ phản ánh của người tiêu dùng, phân tích dấu hiệu bất thường về giá, nguồn gốc hàng hóa để kịp thời xử lý các đối tượng lợi dụng môi trường mạng để buôn bán hàng vi phạm. Trong 4 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 671 vụ/756 đối tượng vi phạm; xử lý hình sự 163 vụ/228 đối tượng; tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 12.650.884.500 đồng. Riêng các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa, các sản phẩm từ sữa, thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thiết bị y tế, khám chữa bệnh, an toàn thực phẩm từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra 179 vụ, xử lý 146 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ đồng.

Các cơ quan chức năng quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng, giữ thị trường ổn định, lành mạnh.

Dọn “rác độc” khỏi thị trường

Theo đánh giá của BCĐ 389/ĐP tỉnh, trong thời gian tới tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - “rác độc” của thị trường sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhất là trong các dịp cao điểm như hè, lễ hội, cuối năm... Khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, các đối tượng vi phạm sẽ lợi dụng để trà trộn, đưa hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vào thị trường. Trước thực tế đó, BCĐ 389/ĐP tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Một mặt siết chặt quản lý thị trường, tăng cường kiểm tra liên ngành có trọng tâm, trọng điểm. Mặt khác, chỉ đạo các đơn vị thành viên xây dựng chuyên án đấu tranh lâu dài, phối hợp thông tin giữa các ngành để triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm vi phạm.

Đại tá Phạm Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết thêm: Công an tỉnh sẽ xây dựng và triển khai một số chuyên án trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân. Còn Đại tá Nhâm Xuân Tình, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Tình trạng hàng giả mạo xuất xứ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn đang có diễn biến khó lường. Vì vậy, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra thị trường, kiểm soát chặt chẽ khu vực cảng cá, các cơ sở kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, tránh để lọt những lô hàng không rõ nguồn gốc len lỏi vào thị trường nội địa.

BCĐ 389/ĐP tỉnh cũng yêu cầu các ngành thành viên tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân và doanh nghiệp, đây cũng được xác định là khâu then chốt. Khi người tiêu dùng có kiến thức để nhận diện hàng thật - hàng giả, khi doanh nghiệp có ý thức tuân thủ pháp luật thì “mảnh đất màu mỡ” cho hàng giả, hàng lậu mới thực sự bị thu hẹp. Tỉnh cũng sẽ xem xét bổ sung các công cụ pháp lý, đề xuất hoàn thiện cơ chế xử lý vi phạm trên môi trường mạng, nâng cao chế tài xử phạt, tăng tính răn đe.

Công cuộc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một cuộc chiến trường kỳ, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và bền bỉ của cả hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng và toàn xã hội. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự chủ động, linh hoạt và quyết tâm cao, Thái Bình đang và sẽ tiếp tục là một địa bàn an toàn cho sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và môi trường thương mại lành mạnh.

Khắc Duẩn