Chủ nhật, 25/05/2025, 01:38[GMT+7]

Những mảng màu đan xen của kinh tế thế giới

Thứ 7, 24/05/2025 | 10:51:08
522 lượt xem
Trong khi tăng trưởng dài hạn của Mỹ đang bị đặt dấu hỏi do hậu quả của tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao, kinh tế Nhật Bản bị kéo lùi bởi chi tiêu tiêu dùng yếu và nhập khẩu tăng, thì các nền kinh tế như Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) lại ghi nhận sự ổn định và có dấu hiệu khởi sắc.

Xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc ghi nhận đà đi lên. (Ảnh: Xinhua)

Xu hướng trái chiều này đã tô điểm cho bức tranh kinh tế thế giới với nhiều gam màu đan xen.

Bức tranh kinh tế với gam màu xám

Phó Tổng Giám đốc thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gita Gopinath nhấn mạnh, tình hình tài khóa của Mỹ đang đặt ra nhiều rủi ro đối với tăng trưởng dài hạn, đồng thời cảnh báo thâm hụt tài khóa của nền kinh tế số 1 thế giới hiện quá cao và Washington cần sớm giải quyết gánh nặng nợ công ngày càng gia tăng. 

Bà Gopinath cho biết, mặc dù có một số tín hiệu tích cực như việc chính quyền Tổng thống Donald Trump dỡ bỏ thuế quan đối với Trung Quốc và ký kết thỏa thuận kinh tế với Anh, song Mỹ vẫn đang đối mặt tình trạng bất ổn chính sách thương mại ở mức độ cao. 

Hồi tháng 4, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ do ảnh hưởng từ chính sách thuế quan, đồng thời cảnh báo rằng nếu căng thẳng thương mại tiếp tục kéo dài, đà phục hồi kinh tế có thể bị suy yếu thêm. Bà Gopinath nhận định, việc thuế suất trung bình được điều chỉnh giảm là tín hiệu tích cực, song vẫn còn rất nhiều yếu tố bất định.

Những quan ngại về tăng trưởng dài hạn của Xứ Cờ hoa càng gia tăng khi hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa hạ đánh giá tín nhiệm quốc gia của Mỹ do lo ngại về khoản nợ liên bang đang tiệm cận mốc 36.000 tỷ USD. Moody’s cảnh báo, việc thiếu đồng thuận giữa Chính phủ và Quốc hội Mỹ trong việc khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách lớn và chi phí lãi vay ngày càng tăng đang gây rủi ro cho ổn định tài chính của nền kinh tế số 1 thế giới. 

Theo đó, Moody’s đã hạ mức tín nhiệm của Mỹ từ AAA (mức cao nhất) xuống AA1 vì nợ chính phủ gia tăng. Quyết định hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Moody’s đối với Mỹ phản ánh chiều hướng gia tăng gần đây về chi phí đi vay của nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng như các động thái tương tự trong những năm gần đây của hai cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn là S&P và Fitch. 

Giải thích về quyết định trên, Moody’s lưu ý, nợ chính phủ gia tăng suốt hơn một thập kỷ và thanh toán lãi suất ở mức cao hơn đáng kể so với các quốc gia được xếp hạng tương tự. 

Tuy vậy, Moody’s cũng thay đổi triển vọng đối với nền kinh tế Mỹ từ tiêu cực sang ổn định, cho rằng mặc dù “chưa hoàn thành nhiệm vụ” giải quyết tình trạng gia tăng nợ chính phủ, song Xứ Cờ hoa vẫn duy trì được sức mạnh tín dụng đặc biệt qua quy mô, khả năng phục hồi và tính năng động của nền kinh tế, cũng như vai trò của đồng USD là một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu.

Cùng gam màu không được tươi tắn như Mỹ, nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), gồm 21 nền kinh tế thành viên, được dự báo sẽ chỉ đạt các mức tăng trưởng khiêm tốn 2,6% trong năm nay và 2,7% trong năm 2026, giảm mạnh so mức 3,6% của năm 2024. Xuất khẩu trong khu vực sẽ giảm mạnh, chỉ tăng 0,4% năm 2025, so mức tăng 5,7% của năm trước. Dự báo tăng trưởng của APEC trong năm nay thấp hơn mức dự báo 2,9% cho phần còn lại của thế giới. 

Lý giải về vấn đề này, giới phân tích cho rằng, APEC phải hạ dự báo tăng trưởng do các tranh chấp thương mại và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, cũng như sự thay đổi chuỗi cung ứng. Ngoài ra, bất ổn và biến động thương mại gia tăng đang làm suy yếu nhu cầu của người tiêu dùng, xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, làm chậm xuất khẩu và giảm triển vọng tăng trưởng. 

Nền kinh tế Nhật Bản cũng được dự báo tăng trưởng kém tích cực. Theo số liệu do Văn phòng Nội các Nhật Bản mới công bố, tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong quý I/2025 giảm 0,7% so cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý suy giảm đầu tiên kể từ quý I/2024.

Nguyên nhân chủ yếu là do chi tiêu tiêu dùng vẫn yếu trong bối cảnh lạm phát tăng cao, cùng với việc gia tăng nhập khẩu gây áp lực đối với tăng trưởng kinh tế. Chi tiêu tiêu dùng, yếu tố chiếm hơn một nửa GDP Nhật Bản, tăng nhẹ 0,04% trong quý I/2025, đánh dấu quý tăng thứ tư liên tiếp, song tốc độ tăng này vẫn chậm do lạm phát tiếp tục vượt xa tốc độ tăng lương. 

Xuất khẩu của Nhật Bản giảm 0,6%, ghi nhận mức giảm đầu tiên trong bốn quý, trong khi nhập khẩu - yếu tố làm giảm GDP - tăng mạnh 2,9%, chủ yếu do nhập khẩu máy bay và thanh toán cho quảng cáo trực tuyến. 

Tín hiệu tích cực từ Trung Quốc và EU

Ở chiều ngược lại, nền kinh tế Trung Quốc và EU lại ghi nhận tăng trưởng ổn định bất chấp môi trường thương mại toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro và chính sách kinh tế còn khó lường. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, nhờ phối hợp các chính sách vĩ mô một cách hợp lý, các chỉ số chính của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ổn định và nền kinh tế duy trì xu hướng phục hồi tích cực, dù còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.

Sản xuất công nghiệp, nhất là ngành sản xuất thiết bị và công nghệ cao, của Trung Quốc trong tháng 4 tăng trưởng 6,1% so cùng kỳ năm trước. Ngành dịch vụ cũng tăng trưởng ổn định và tiến trình hiện đại hóa ngành này tiếp tục được đẩy mạnh. Chỉ số sản xuất dịch vụ trong tháng 4 tăng 6% so cùng kỳ năm ngoái. 

Tổng doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng đạt 3.717,4 tỷ nhân dân tệ (509,2 tỷ USD), tăng 5,1% so cùng kỳ. Xuất nhập khẩu hàng hóa cũng ghi nhận đà đi lên với cơ cấu thương mại được tối ưu hóa. Trong tháng 4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3.839,1 tỷ nhân dân tệ, tăng 5,6%. 

Theo dự báo Kinh tế mùa xuân 2025 công bố hôm 19/5 của Ủy ban châu Âu (EC), kinh tế EU dự kiến duy trì đà tăng trưởng khiêm tốn trong năm nay và kỳ vọng tăng tốc rõ nét vào năm 2026. Theo đó, GDP của EU dự kiến tăng 1,1% năm 2025 và 1,5% năm tới. Điểm sáng trong bức tranh kinh tế EU cuối năm 2024 là mức tăng trưởng 0,4%, vượt xa kỳ vọng ban đầu nhờ lực cầu nội địa mạnh. Động lực này tiếp tục được duy trì trong quý I/2025 với tăng trưởng GDP ước đạt 0,3%. 

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng cả năm 2025 đã được điều chỉnh giảm do lo ngại thương mại toàn cầu chững lại và các rủi ro địa chính trị gia tăng. Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Valdis Dombrovskis nhấn mạnh, kinh tế EU đang cho thấy sức chống chịu đáng kể trước những thách thức ngày càng gia tăng từ căng thẳng thương mại và bất ổn toàn cầu. 

Theo EC, sự phân mảnh thương mại toàn cầu, các bất ổn địa chính trị và biến đổi khí hậu tiếp tục là những rủi ro lớn đối với triển vọng tăng trưởng. Tuy nhiên, triển vọng có thể cải thiện nếu căng thẳng thương mại giữa EU và Mỹ hạ nhiệt, hoặc các hiệp định thương mại tự do mới được đẩy mạnh, qua đó mở rộng thị trường cho hàng hóa và dịch vụ EU. 

Ngoài ra, các biện pháp tăng chi tiêu quốc phòng và cải cách để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng tạo ra những tác động tích cực. Việc đẩy mạnh các cải cách để tăng cường khả năng cạnh tranh và thúc đẩy thương mại với các đối tác mới sẽ là chìa khóa để EU vượt qua những “cơn sóng dữ” và hướng tới một tương lai tăng trưởng bền vững và thịnh vượng.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày