Bulgaria với bước tiến trên hành trình hội nhập Eurozone
Trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tuyên bố nêu trên đánh dấu bước tiến lịch sử trên hành trình hội nhập, mở ra cơ hội để Bulgaria trở thành thành viên thứ 21 của Khu vực đồng euro (Eurozone) từ năm 2026, đồng thời góp phần củng cố vị thế của đồng euro trong hệ thống tiền tệ quốc tế.
Gia nhập Eurozone là một hành trình đầy thách thức đối với Bulgaria. Để trở thành thành viên Eurozone, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải thỏa mãn những điều kiện khắt khe về tài chính công, lãi suất dài hạn, tỷ lệ lạm phát và tỷ giá hối đoái. Ngay từ khi tham gia mái nhà chung EU vào năm 2007, Bulgaria đã nỗ lực chuyển đổi đồng nội tệ lev sang đồng euro. Tuy nhiên, tiến trình này nhiều lần vấp phải trở ngại do tình trạng lạm phát dai dẳng và những bất ổn chính trị kéo dài.
Bất chấp những khó khăn đó, Bulgaria kiên trì điều chỉnh nền kinh tế theo các điều kiện nghiêm ngặt và quốc gia Đông Nam Âu đã gặt “trái ngọt” khi vừa được EC “bật đèn xanh” gia nhập Eurozone. Theo EC và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Sofia đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cần thiết.
Đáng chú ý, tỷ lệ lạm phát trong 12 tháng qua giảm xuống còn 2,7%, thấp hơn mức tham chiếu 2,8%. Thủ tướng Bulgaria Rossen Jeliazkov khẳng định, những đánh giá tích cực của EC cho thấy bước tiến trong nỗ lực cải cách của nước này. Nếu các bước phê chuẩn tiếp theo được tiến hành “thuận buồm xuôi gió”, Bulgaria sẽ trở thành thành viên Eurozone từ ngày 1/1/2026 sau những năm dài chờ đợi.
Không phải ngẫu nhiên mà Sofia tiêu tốn nhiều tâm sức để gia nhập Eurozone. Nhấn mạnh euro là biểu tượng hữu hình của sức mạnh và sự thống nhất của châu Âu, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen bày tỏ tin tưởng, đồng tiền chung euro sẽ trở thành đòn bẩy quan trọng hỗ trợ nền kinh tế Bulgaria. Thật vậy, hiện có khoảng 341 triệu người dân ở 20 trong tổng số 27 quốc gia thành viên EU thanh toán bằng đồng euro. Euro cũng là loại tiền tệ khá ổn định, ngày càng được nhiều ngân hàng trên thế giới tin dùng để dự trữ.
Vì vậy, việc tham gia Eurozone sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên biên giới, tăng tính minh bạch về giá, giảm chi phí trao đổi tiền tệ, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo cú huých cho ngành du lịch khi có thêm nhiều du khách châu Âu. Ngoài ra, gia nhập Eurozone đồng nghĩa với việc Sofia sẽ được tiếp cận các biện pháp hỗ trợ tài chính của ECB, cũng như có tiếng nói trong việc ban hành chính sách tiền tệ của khối.
Những lợi ích nêu trên đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế Bulgaria. Với dân số khoảng 6,4 triệu người, Bulgaria hiện bị coi là quốc gia nghèo nhất trong EU, với mức lương trung bình thấp và tỷ lệ nghèo đói cao. Bên cạnh đó, cũng như nhiều thành viên EU khác, Sofia đang phải gồng mình trước những tác động tiêu cực từ biến động thương mại toàn cầu.
Việc kết nạp thêm Bulgaria cũng mang nhiều ý nghĩa đối với Eurozone. Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang đối mặt bài toán nan giải khi ghi nhận mức tăng trưởng trì trệ trong nhiều năm qua.
Những căng thẳng thương mại với Mỹ cũng đe dọa kéo theo hệ quả khôn lường đối với nền kinh tế khu vực. Trong bối cảnh đó, việc thu nhận thêm Bulgaria sẽ là minh chứng sống động cho thấy đồng euro vẫn là một loại tiền tệ có sức hấp dẫn và giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của khu vực.
Bên cạnh đó, hiện nhiều nước thành viên EU đang chia rẽ do bất đồng liên quan các vấn đề thương mại, đối ngoại, quốc phòng… Bước mở rộng về quy mô này sẽ góp phần củng cố niềm tin cho các thành viên, cũng như tăng cường sức mạnh đoàn kết, thống nhất của EU nói chung và Eurozone nói riêng.
Gia nhập Eurozone sẽ chỉ là bước đầu. Thời gian tới, Bulgaria còn rất nhiều việc phải làm. Theo Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế Valdis Dombrovskis, để hội nhập thành công, nước này sẽ cần triển khai những bước đi quyết liệt và liên tục, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm tuân thủ các quy tắc về mức trần nợ công và thâm hụt ngân sách. Mặc dù thách thức còn chờ đợi phía trước, song cánh cửa cơ hội đã được mở ra để Bulgaria bước tiếp trên hành trình hội nhập và thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
-
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm làm việc tại phường Phố Hiến
- Công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương, địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và kết thúc hoạt động cấp huyện
- Báo Thái Bình - Một hành trình với những mốc son lịch sử
- Thư tòa soạn
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ
- Khởi công dự án nhà máy đốt chất thải rắn phát điện công nghệ hiện đại tại xã Thụy Trình
- Khởi công dự án đầu tư xây dựng sân golf Cồn Vành và dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng hàng lỏng Ba Lạt
- Việt Nam nâng tầm vị thế tại Hội nghị quốc tế về biển và đại dương
- Hội thảo khoa học: Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo của Đảng và cách mạng Việt Nam
- 26 tập thể, cá nhân tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2025 được trao thưởng