Thứ 4, 06/11/2024, 19:02[GMT+7]

Không thể xuyên tạc, phủ nhận thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Thứ 4, 23/10/2024 | 08:32:06
1,525 lượt xem
Thời gian qua, các báo cáo nhân quyền, tôn giáo của một số nước phương Tây thường xuyên có nội dung xuyên tạc, vu cáo “chính quyền Việt Nam giới hạn tự do tôn giáo”. Đây là sự bịa đặt, vu cáo trắng trợn hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, cần làm rõ những luận điệu xuyên tạc để chứng minh Việt Nam luôn bảo đảm và thực hiện đầy đủ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung - Nét đẹp văn hóa của tôn giáo Cao Đài (ảnh: Lê Tấn Phát) _Nguồn: nhiepanhdong.vn.

Thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch, phản động không từ bỏ bất cứ thủ đoạn thâm hiểm nào nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Một trong những thủ đoạn thâm hiểm đó là lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá, coi đây là “mũi đột phá” hướng đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Trong những năm gần đây, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) - cơ quan tham vấn được thành lập theo Luật về Tự do tôn giáo quốc tế năm 1998, vẫn định kỳ đưa ra báo cáo nhận xét, đánh giá, phê phán về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo của một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo USCIRF, việc “cải thiện nhân quyền” ở một số nước không đi theo quỹ đạo của Mỹ nên “cần được quan tâm đặc biệt”. Từ năm 2012 đến nay, USCIRF liên tục đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách “các nước cần quan tâm đặc biệt, viết tắt là CPC” bất chấp thành tựu về bảo đảm các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tháng 5-2023, USCIRF tiếp tục khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào “danh sách CPC”, khi cho rằng Việt Nam đã “tăng cường kiểm soát và đàn áp”, “đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng”, “sách nhiễu, bức hại”, “ép buộc”, “tước đoạt tài sản”...

Sự tiếp cận, đánh giá thiếu thiện chí, thiếu khách quan của một số cá nhân trong Bộ Ngoại giao Mỹ và các đối tượng thù địch, phản động trong USCIRF đã vi phạm Khoản 7, Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc: “Tổ chức Liên hợp quốc không có quyền can thiệp vào công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất kỳ quốc gia nào”. Theo đó, đòi hỏi không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác cũng là nghĩa vụ đặt ra cho tất cả thành viên cộng đồng quốc tế(1).

Những luận điệu xuyên tạc, vu cáo trắng trợn trên không những không phản ánh đúng sự ghi nhận và bảo đảm của luật pháp Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không phản ánh đúng bản chất tình hình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, mà còn cố tình phớt lờ thành tựu của Việt Nam trong tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Âm mưu sâu xa, mục đích chính trị đen tối của các thế lực thù địch, phản động là tiến hành tổng thể biện pháp nhằm tạo dựng nhiều điểm nóng về tín ngưỡng, tôn giáo để gây ra bất ổn về chính trị, văn hóa, xã hội ở các địa phương trong cả nước. Cùng với đó, lợi dụng “ngòi nổ” tín ngưỡng, tôn giáo để kích động mâu thuẫn giữa các tôn giáo với nhau, giữa người theo đạo và người không theo đạo, giữa các tôn giáo với chính quyền các cấp; từ đó, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiến tới can thiệp vào công việc nội bộ, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam, gây tổn hại đến công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay.

Thực tế cho thấy, thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được dựa trên các cơ sở khoa học sau:

Thứ nhất, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo vệ, thể hiện rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam từ ngày thành lập nước đến nay, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.

Trong luật pháp và thông lệ quốc tế, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thuộc nhóm quyền dân sự, chính trị và là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận trong luật pháp, thông lệ quốc tế cũng như trong pháp luật nhiều nước trên thế giới. Khoản 3, Điều 1, Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 nhấn mạnh: “Thực hiện sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo và khuyến khích phát triển sự tôn trọng các quyền của con người và các tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hoặc tôn giáo”. Tuyên ngôn thế giới về quyền con người được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1948 - một văn kiện quan trọng trong lịch sử hình thành quy định về quyền con người, được soạn thảo bởi các đại diện có nền tảng pháp lý và văn hóa khác nhau từ các khu vực trên thế giới, được coi như một tiêu chuẩn chung cho tất cả quốc gia, dân tộc và mọi người, lần đầu tiên đặt ra các quyền cơ bản của con người phải được bảo vệ trên toàn cầu, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 không chỉ áp dụng với các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, mà còn áp dụng với các vùng lãnh thổ thuộc quyền tài phán của các quốc gia này. Điều 18 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 nêu rõ: “Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng”. Khoản 1 và Khoản 2, Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1966 mà Việt Nam đã phê chuẩn năm 1982, nêu rõ: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc kín đáo, dưới các hình thức như thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và truyền giảng. Không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ”.

Nhìn tổng quát, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được các văn bản quốc tế quy định ở các nội dung, như tuyên bố sự tồn tại của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mọi người được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo một cách công khai một mình hay trong cộng đồng; nghiêm cấm sự phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

Chiểu theo pháp luật và thông lệ quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các văn bản quy phạm pháp luật mà Việt Nam đã phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế về quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo. Cụ thể, về phương diện Hiến pháp, Điều 10 Hiến pháp năm 1946 nhấn mạnh: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”; Điều 26 Hiến pháp năm 1959 quy định: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có các quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Điều 68 Hiến pháp năm 1980 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Điều 70 của Hiến pháp năm 1992 khẳng định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật”. Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung các quy định về quyền con người, trong đó khẳng định rõ hơn việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, được ghi tại Điều 16: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” và tại Khoản 1, 2, Điều 24 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, là cơ sở để Nhà nước Việt Nam ban hành các văn bản pháp luật trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên thực tế.

Các văn bản quy phạm pháp luật dưới Hiến pháp cũng thể hiện sự nhất quán trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đơn cử như, Điều 1 Sắc lệnh số 234/SL, ngày 14/6/1955, về vấn đề tôn giáo, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành, khẳng định: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào”; Điều 15 Sắc lệnh số 234/SL nêu rõ: “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là một quyền lợi của nhân dân. Chính quyền dân chủ cộng hòa luôn luôn tôn trọng quyền lợi ấy và giúp đỡ nhân dân thực hiện”. Điều 1 Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2004, nêu rõ: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy”. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo kể từ sau Sắc lệnh số 234/SL. Để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, ngày 18/11/2016, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được thông qua tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV với 9 chương, 8 mục và 68 điều quy định rõ về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Thậm chí, những người đang bị tạm mất quyền công dân cũng có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tại Khoản 5, Điều 6, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 chỉ rõ: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo”.

Có thể thấy, hệ thống chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam thể hiện sự liên tục, nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của người theo tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ hai, hệ thống văn bản, quy định về tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn, dân chủ hơn, tôn trọng, tạo điều kiện tốt nhất cho các chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo và tổ chức tôn giáo hợp pháp phát triển một cách lành mạnh, công bằng, bình đẳng trước pháp luật.

Ngày 3/9/1945, chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời bàn về sáu vấn đề cấp bách, trong đó có vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và lương giáo đoàn kết”(2). Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký hai sắc lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo, bao gồm Sắc lệnh số 35/SL, ngày 20/9/1945, quy định “Đền chùa, lăng tẩm, nhà thờ, tất cả các nơi có tính cách tôn giáo, bất cứ tôn giáo nào, nhân dân đều phải tôn trọng không được xâm phạm” và Sắc lệnh số 65/SL, ngày 23/11/1945, ấn định nhiệm vụ cho Đông phương Bác Cổ học viện nhiệm vụ bảo tồn tất cả cổ tịch trong toàn cõi Việt Nam.

Tiếp nối Sắc lệnh số 35/SL và Sắc lệnh số 65/SL, đến nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành hơn 30 văn bản về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Để khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân Việt Nam ở tính pháp lý cao nhất, kể từ khi Quốc hội được thành lập đến nay, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân đã được khẳng định tại 5 bản Hiến pháp, bao gồm Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013. Nhiều văn bản quan trọng khác đã được ban hành (3). Đặc biệt, tại kỳ họp thứ hai, khóa XIV, ngày 18/11/2016, Quốc hội đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (có hiệu lực từ năm 2018). Đây là sự cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về các điều, khoản quy định về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Với 9 chương, 8 mục và 68 điều quy định rõ về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động của tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng quy định về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo...

Từ những vấn đề trên, có thể khẳng định hệ thống văn bản, quy định về tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn, dân chủ hơn, đáp ứng nhu cầu đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân Việt Nam; đồng thời, thể hiện chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam về tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tạo điều kiện tốt nhất cho các chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo và tổ chức tôn giáo hợp pháp phát triển một cách lành mạnh, công bằng và bình đẳng trước pháp luật.

Thứ ba, để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và ước nguyện sống “tốt đời, đẹp đạo” của mỗi tín đồ tôn giáo, pháp luật Việt Nam thể hiện tính nghiêm trị hành vi lợi dụng tôn giáo, xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác.

Ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đều được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, không thể có sự tự do vô chính phủ, tự do vô nguyên tắc(4). Điều này thể hiện rõ trong Khoản 3, Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc năm 1966. Điều này cho thấy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề gắn với thể chế chính trị - xã hội và điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội ở từng quốc gia, dân tộc cụ thể, không thể tồn tại một khái niệm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chung chung, trừu tượng. Cũng không thể đem giá trị, quan niệm về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở một quốc gia, dân tộc này để áp dụng, đo lường hoặc đánh giá mức độ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở một quốc gia, dân tộc khác. Trên phương diện đối ngoại giữa các quốc gia, dân tộc, không thể đem tiêu chuẩn về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở quốc gia, dân tộc này để áp đặt lên một quốc gia, dân tộc khác và buộc họ tuân theo.

Theo đó, Khoản 3, Điều 24, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, quy định tại Khoản 1, Điều 3: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 cũng quy định rõ tại Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm đối với tín ngưỡng, tôn giáo, như phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo...

Việc xác định tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác được quy định tại Điều 164 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): 1- Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; 2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 2 lần trở lên; dẫn đến biểu tình; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; 3- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Thứ tư, những năm gần đây, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được bảo đảm trên thực tế là minh chứng sinh động về sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Trong đời sống thực tế của xã hội Việt Nam hiện nay thể hiện rõ sự đa dạng, hòa hợp và bình đẳng tôn giáo, được pháp luật bảo vệ, tôn trọng; mọi người hoàn toàn tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào; không có tôn giáo nào giữ vị trí độc tôn, mà đều tồn tại đan xen với nhau; các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào xã hội, từ thiện xóa đói, giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của đất nước.

Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung - Nét đẹp văn hóa của tôn giáo Cao Đài (ảnh: Lê Tấn Phát) _Nguồn: nhiepanhdong.vn.

Theo số liệu được công bố của Ban Tôn giáo Chính phủ cho thấy, bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân trên thực tế, đó là:

Tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện hoạt động theo hiến chương, điều lệ và quy định của pháp luật Việt Nam nhằm bảo đảm và tạo điều kiện để các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được diễn ra bình thường với quy mô lớn, thu hút đông đảo tín đồ tham dự. Hiện nay, cả nước đã có 3.700 điểm nhóm được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, hơn 6.500 người được phong phẩm, suy cử làm chức sắc; 16.783 người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc; 62 cơ sở đào tạo tôn giáo tại 36 tỉnh, thành phố; 15 tờ báo và tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động, đồng thời phần lớn tổ chức tôn giáo đều có trang web riêng để phục vụ việc sinh hoạt đạo, truyền bá tôn giáo. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, được ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp như mọi công dân khác theo quy định của pháp luật. Quốc hội khóa XV có năm đại biểu là chức sắc, nhà tu hành tôn giáo. Theo số liệu thống kê của các tỉnh, thành phố, hiện nay có trên 10 nghìn chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo là đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026(5).

Tổ chức, cá nhân theo tôn giáo được tạo điều kiện tham gia hoạt động quốc tế. Tính từ năm 2011 đến nay, có khoảng gần 2.000 lượt cá nhân theo tôn giáo xuất cảnh tham gia khóa đào tạo ở nước ngoài, tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế liên quan đến tôn giáo; gần 500 đoàn khách nước ngoài với hơn 3.000 lượt người vào Việt Nam để trao đổi, giao lưu, hướng dẫn đạo tại cơ sở tôn giáo ở Việt Nam, tham dự các sự kiện tôn giáo do các tổ chức tôn giáo Việt Nam tổ chức, trong đó có nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức trọng thể, thành công ở Việt Nam và được dư luận quốc tế đánh giá cao, như Hội nghị Liên hội đồng Giám mục Á Châu (năm 2012), Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak (ba lần: năm 2008, 2014, 2019 và dự kiến tổ chức vào năm 2025); Tổng hội Dòng Đa minh thế giới được tổ chức tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai (năm 2019)... Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam còn tích cực tham gia các hội nghị, diễn đàn tôn giáo khu vực và quốc tế, như Đối thoại liên tín ngưỡng Á - Âu (ASEM), Đối thoại liên tín ngưỡng khu vực châu Á - Thái Bình Dương...

Các tổ chức, cá nhân theo tôn giáo được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Hiện nay, cả nước có khoảng 300 trường mầm non, 2.000 lớp học tình thương, 12 cơ sở dạy nghề, trên 500 cơ sở khám, chữa bệnh từ thiện của các tổ chức tôn giáo, được thành lập dưới nhiều hình thức khác nhau; gần 800 cơ sở bảo trợ xã hội của các tổ chức Phật giáo, Công giáo, Cao đài,... đang nuôi dưỡng trên 12 nghìn trẻ em mồ côi, tàn tật, người già cô đơn, bệnh nhân tâm thần, HIV/AIDS(6). Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã gặp mặt, biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (năm 2016, 2019, 2022). Tại các buổi gặp mặt, các tôn giáo bày tỏ sự nhất trí đồng thuận với Đảng, Nhà nước và mong muốn được đóng góp công sức trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền lãnh thổ.

Mặt khác, nhiều sự kiện tôn giáo nổi bật đã được ghi nhận. Đơn cử như, đối với Phật giáo, năm đầu tiên của nhiệm kỳ IX (2022 - 2027), Hội đồng Trị sự cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố tích cực triển khai các công việc của năm cũng như kế hoạch hoạt động của cả nhiệm kỳ. Đối với hoạt động quốc tế, đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo toàn cầu vào cuối tháng 4-2023 tại Ấn Độ do Bộ Văn hóa Ấn Độ phối hợp với Liên đoàn Phật giáo quốc tế tổ chức. Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn cử nhiều đoàn ra nước ngoài tham dự hội nghị, hội thảo...

Đối với Công giáo, bên cạnh các hoạt động thường kỳ, như Hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam, một sự kiện nổi bật trong đời sống Công giáo ở Việt Nam những năm gần đây, cụ thể năm 2023 là việc nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Tòa thánh Va-ti-căng, với việc ký kết “Thỏa thuận về Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú Tòa thánh và Văn phòng Đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam”.

Đối với đạo Tin Lành, tháng 3-2023, đạo Tin Lành Việt Nam đã tổ chức Chương trình truyền giảng với chủ đề “Xuân yêu thương” tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình do các Hội Thánh Tin Lành tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với mục sư Ph. Gra-ham (Franklin Graham) tổ chức, cùng hơn 2.000 tình nguyện viên. Sự kiện đáng chú ý của đạo Tin Lành là một số Hội thánh Tin Lành có những hoạt động để tiến tới được công nhận là pháp nhân.

Đối với các tôn giáo nội sinh, các tôn giáo nội sinh hoạt động bình thường theo đúng chương trình hành đạo đã đăng ký với chính quyền. Đáng chú ý, năm 2023 là năm chuẩn bị các công việc cho đại lễ kỷ niệm lớn của một số tôn giáo nội sinh, như 100 năm ngày thành lập Minh lý đạo - Tam Tông miếu (năm 2024), các Hội thánh của đạo Cao Đài cũng sẽ kỷ niệm 100 năm ngày khai đạo (năm 2026) hay 90 năm của Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam (năm 2024),... đồng thời, các tôn giáo nội sinh vẫn thực hiện các nghi lễ theo đúng lịch lễ nghi của đạo trong một năm. Các hoạt động tôn giáo ổn định, chấp hành tốt quy định của pháp luật của Nhà nước(7).

Như vậy, pháp luật Việt Nam về quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo không chỉ phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế, mà còn đáp ứng nguyện vọng của cá nhân tham gia đời sống tín ngưỡng, tôn giáo với ước nguyện sống “tốt đời, đẹp đạo”. Do đó, những hoạt động lén lút, lợi dụng tôn giáo, trái với văn hóa truyền thống Việt Nam, nhuốm màu mê tín dị đoan, có dấu hiệu trục lợi, vi phạm pháp luật, đi ngược lại đạo đức xã hội... phải bị lên án, xử lý nghiêm. Có thể khẳng định dứt khoát rằng, ở Việt Nam hoàn toàn không có chuyện “chính quyền Việt Nam giới hạn tự do tôn giáo”, “đàn áp tôn giáo” như các thế lực thù địch, phản động thường rêu rao. Những luận điệu xuyên tạc, vu cáo đó chỉ là chiêu trò mà các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, sử dụng nhằm phục vụ âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy, cũng như các nước khác, Việt Nam không chấp nhận việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước hay kích động bạo lực, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân... Chính sách đó luôn được Nhà nước Việt Nam khẳng định và thực hiện nhất quán.

Những luận cứ trên là cơ sở pháp lý và thực tiễn phong phú, sinh động về những thành tựu bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, là điều không ai có thể xuyên tạc, phủ nhận được. Trong thư của Giáo hoàng Phan-xi-cô gửi công đoàn Công giáo Việt Nam nhân dịp công nhận Thỏa thuận về Quy chế cho Đại diện thường trú của Tòa thánh Va-ti-căng vào ngày 8/9/2023, đã viết: “Dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau được xây dựng từng bước trong nhiều năm qua, và được củng cố bằng các chuyến thăm thường niên của phái đoàn Tòa thánh cũng như các cuộc họp của nhóm làm việc chung giữa Việt Nam và Tòa thánh, cả hai bên đã có thể cùng nhau tiến tới và sẽ còn tiến nữa, nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt. Hơn thế nữa, hai bên đã có thể đồng hành, lắng nghe nhau và hiểu nhau. Dù mỗi bên có sự khác biệt về lịch sử và kinh nghiệm sống, điều đó không thể ngăn cản cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh”(8). Vì vậy, có thể khẳng định dứt khoát rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam không những phù hợp với các quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn đáp ứng tâm tư, tình cảm và nguyện vọng chính đáng của các chức sắc, chức việc tôn giáo và đồng bào theo đạo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Các luận điệu của các thế lực thù địch, phản động về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam không chỉ là sự thiếu thiện chí, cố tình xuyên tạc, vu cáo trắng trợn, phủ nhận thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm và thực hiện quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn đi ngược với pháp luật và thông lệ quốc tế, phải bị lên án mạnh mẽ và bác bỏ./.

-----------------------

(1) Xem: “International Religious Freedom Act of 1998” (Tạm dịch: Đạo luật Tự do tôn giáo quốc tế năm 1998), congress.gov,  

https://www.congress.gov/bill/105th-congress/housebill/2431#:~:text=International%20Religious%

20Freedom%20Act%20of%201998%20%2D%20Declares%20it%20to%20be,and%

20development%20assistance%20to%20governments 

(2)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 8

(2)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 8

2)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 8

(3) Đơn cử như: Sắc lệnh số 22/SL, ngày 18/2/1946, của Chủ tịch nước, ấn định những ngày Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo; Sắc lệnh số 49/SL, ngày 18/6/1949, của Chủ tịch nước, quy định về thuế đất và hoa màu cho các tôn giáo; Nghị định số 315/TTg, ngày 4/10/1953, “Về chính sách đối với tôn giáo”; Sắc lệnh số 234/SL, ngày 14/6/1955, của Chủ tịch nước, “Về vấn đề tôn giáo”; Nghị quyết số 297-CP, ngày 11/11/1977, của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), “Về một số chính sách đối với tôn giáo” đã kế thừa Sắc lệnh số 234/SL, ngày 14/6/1955; Nghị quyết số 24- NQ/TW, ngày 16/10/1990, của Bộ Chính trị khóa VI, “Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”, được cụ thể hóa bằng Nghị định số 69/HĐBT, ngày 21/3/1991, của Hội đồng Bộ trưởng, “Về các hoạt động tôn giáo”; Nghị quyết số 25/NQ, ngày 12/3/2003, của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, “Về công tác tôn giáo”; Nghị định số 26/1999/NĐ-CP, ngày 19/4/1999, của Chính phủ, “Về các hoạt động tôn giáo”; Thông tư số 01/1999/TT-TGCP, ngày 16/6/1999, hướng dẫn thực hiện một số điều trong Nghị định số 26/NĐ, ngày 19/4/1999, của Chính phủ, “Về các hoạt động tôn giáo”; Thông tư số 03/1999/TT-TGCP, ngày 16/6/1999, của Ban Tôn giáo Chính phủ, “Về sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam”; Chỉ thị số 37/CT, ngày 2/7/1998, của Bộ Chính trị, “Về công tác tôn giáo trong tình hình mới”; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP, ngày 1/3/2005, của Chính phủ, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 92/2012/NĐ/CP, ngày 8/11/2012, của Chính phủ, quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo

(4) Xem: Conference Report: “Selective Service Act of 1948” (Tạm dịch: Đạo luật nghĩa vụ chọn lọc năm 1948), House of Representatives, No. 2438, ngày 19/6/1948, https://tile.loc.gov/storage-services/service/ll/llmlp/act-1948/act-1948.pdf

(5) Ban Tôn giáo Chính phủ: Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2022, tr. 88 - 97

(6) Ban Tôn giáo Chính phủ: Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2022, tr. 88 - 92

(7), (8) Xem: Chu Văn Tuấn: “Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam năm 2023, những sự kiện tiêu biểu và khuyến nghị chính sách”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 1 (239), 2024, tr. 38 - 56.


PGS, TS, Đại tá HÀ ĐỨC LONG,
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Theo: dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày