Chủ nhật, 05/01/2025, 14:51[GMT+7]

Hưng Hà: Hướng tới kinh tế số, xã hội số, công dân số

Thứ 6, 05/08/2022 | 10:54:29
1,221 lượt xem
Với mục tiêu từng bước đưa chuyển đổi số vào cuộc sống, huyện Hưng Hà đã có nhiều cách làm hiệu quả như xây dựng 3 đề án chuyển đổi số từ lĩnh vực giáo dục, cải cách hành chính và chuyển đổi số cấp xã, từ đó tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực.

Việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Một trong 3 đề án chuyển đổi số mà huyện Hưng Hà triển khai sớm đó là chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trường THCS Lê Danh Phương (thị trấn Hưng Hà) là đơn vị tiên phong đưa chuyển đổi số vào giảng dạy và học tập bằng việc áp dụng mô hình dạy học thông minh. Thầy giáo Hoàng Anh Quyền cho biết: Từ khi nhà trường trang bị phòng học thông minh thì thầy và trò rất hào hứng trước công nghệ mới. Bản thân tôi đã chuẩn bị bài giảng chu đáo, khi lên lớp kết hợp với máy tính xách tay hoặc máy tính sẵn có để trình chiếu các bài giảng qua màn hình nên học sinh rất hứng thú và say mê học tập, từ đó chất lượng giáo dục tiến bộ đáng kể.

Thầy giáo Lê Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Danh Phương khẳng định: Trong năm học vừa qua, 100% cán bộ quản lý và giáo viên, học sinh ứng dụng tốt công nghệ vào giảng dạy và học tập. Ví dụ như hệ thống quản lý nhà trường, cơ sở dữ liệu của ngành hoặc hệ thống văn phòng điện tử... Việc chuyển đổi số trong giáo dục đã cho thấy rõ tính hiệu quả, nhất là trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Tiến Hoạt, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Hà cho biết: Chúng tôi đã tích cực tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên hiểu và nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Đồng thời, tham mưu cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường để thực hiện công tác chuyển đổi số. Đồng thời, chúng tôi cũng chỉ đạo các trường thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số, triển khai ứng dụng thư viện điện tử, học bạ điện tử.

Chuyển đổi số còn được huyện Hưng Hà chú trọng khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Các tổ chức, cá nhân không cần trực tiếp đến cơ quan nhà nước nhưng vẫn có thể đăng ký hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến mọi lúc, mọi nơi trên máy tính có kết nối internet và nhận kết quả qua bưu điện. Việc tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã phản ánh hiệu quả hoạt động điều hành của chính quyền điện tử, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Hưng Hà cho biết: Hiện nay, hệ thống dịch vụ công cấp huyện đã tích hợp, đăng tải công khai 272 bộ TTHC cấp huyện và 92 bộ TTHC cấp xã, trong đó có 53 TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 134 TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. 6 tháng đầu năm 2022, huyện tiếp nhận 8.431 hồ sơ, đã giải quyết 8.136 hồ sơ đúng và trước hạn, đạt tỷ lệ 96,5%; 3,5% hồ sơ giải quyết TTHC theo dịch vụ công mức độ 3, 4. Việc giải quyết các TTHC đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được thực hiện theo đúng quy định, nhanh gọn, minh bạch.

Dây chuyền sản xuất tự động của Xí nghiệp Veston Hưng Hà.

Cùng với đó, để thực hiện chuyển đổi số, Hưng Hà đã đầu tư lắp đặt hệ thống wifi cho 100% thôn, tổ dân phố với dung lượng lớn phục vụ cùng lúc cho trên 200 người tại một điểm để sinh hoạt chi bộ, hội họp và tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Ông Đặng Xuân Cường, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tiến Đức cho biết: Việc rõ nhất trong thực hiện chuyển đổi số ở Tiến Đức là các đảng viên đã sử dụng thành thạo phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”, thông qua đó có thể tiếp nhận thông tin, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của trung ương, tỉnh, huyện và các văn bản chỉ đạo của cấp ủy cơ sở một cách nhanh nhất, kịp thời và hiệu quả. Đồng thời, chúng tôi còn tập trung ứng dụng hệ thống mạng văn phòng điện tử liên thông trong quá trình thực hiện các hình thức quản lý, trao đổi, cập nhật thông tin để từng bước xây dựng chính quyền điện tử.

Với quyết tâm xây dựng chính quyền số theo phương châm phục vụ người dân, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo, Hưng Hà đặt ra mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân trên môi trường số, tạo ra các giá trị mới cho xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và khơi dậy khát vọng bứt phá vươn lên, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để đạt được mục tiêu trên, Hưng Hà chú trọng xây dựng văn hóa công sở, đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; phổ biến kiến thức về chuyển đổi sang kinh tế số cho doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử... Phấn đấu đến hết năm 2022 tỷ lệ văn bản điện tử có chứng thực số và chữ ký số đạt 80% trở lên; tỷ lệ văn bản có đầy đủ chữ ký số của cơ quan, cá nhân lãnh đạo đạt 50% trở lên; 50% phiên họp của huyện sử dụng hệ thống phòng họp không giấy tờ; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 80% sử dụng dịch vụ công mức độ 4; 80% hồ sơ cấp huyện và 60% hồ sơ cấp xã được xử lý trên môi trường mạng... Với mục tiêu đó, Hưng Hà quyết tâm bắt nhịp quá trình chuyển đổi số, tiến tới xây dựng kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Thanh Thủy