Thứ 5, 25/04/2024, 11:32[GMT+7]

Hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 Chuyển đổi số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn

Chủ nhật, 09/10/2022 | 21:17:07
5,376 lượt xem
“Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân” - đó là nội dung chính của chủ đề ngày Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia 10/10 năm nay.

Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor (cụm công nghiệp Đông Hải, Quỳnh Phụ) đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, đồng bộ để giảm bớt sức lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Xác định CĐS là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngày 19/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về CĐS tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với quyết tâm tạo đột phá phát triển, đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, đưa Thái Bình bắt kịp, đi cùng, vượt lên phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo đó, CĐS trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung vào 3 trụ cột trọng tâm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Về chính quyền số sẽ tập trung đẩy mạnh để đưa các hoạt động của chính quyền từ tỉnh đến xã lên môi trường số, vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số để có khả năng cung cấp dịch vụ công ngày càng chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt CĐS của tỉnh. Về kinh tế số, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ số, nền tảng số vào các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhằm tăng năng suất lao động, tạo giá trị kinh tế mới, giá trị tăng thêm. Về xã hội số, thực hiện việc CĐS mọi mặt trong đời sống xã hội của người dân trên toàn tỉnh. CĐS giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho mọi người dân về tiếp cận dịch vụ, mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống của người dân.

BHXH là một trong những ngành thực hiện nhiều chính sách về an sinh xã hội, tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Vì vậy, để các chính sách sớm đi vào cuộc sống, cùng với đầu tư hạ tầng, BHXH đã triển khai nhiều ứng dụng hướng tới người dân. Ông Trần Thiên Thai, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Để phục vụ công tác CĐS, BHXH tỉnh đã trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng, bảo đảm đủ điều kiện để kết nối liên thông các phần mềm nghiệp vụ của ngành và các ứng dụng dùng chung để xử lý công việc trên môi trường mạng nhanh chóng, kịp thời. Hiện nay, tất cả các thủ tục hành chính của ngành đều được thực hiện trên không gian số. Điều này giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. BHXH tỉnh tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký, cài đặt và sử dụng ứng dụng BHXH số - VssID. Đến nay, số người tham gia BHXH, BHYT cài đặt ứng dụng VssID toàn tỉnh trên 600.000 người. BHXH cũng tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử. Kết quả, đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh đã có trên 827.000 người tham gia BHXH, BHYT được đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, ngành cũng đã phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp để khám chữa bệnh thông qua BHYT.

Ông Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Năm nay, để thực hiện ngày CĐS quốc gia, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hưởng ứng ngày CĐS tại tỉnh và tuyên truyền mọi người hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc CĐS trong xã hội hiện nay. Sở cũng tổ chức ra mắt nền tảng “Công dân số Thái Bình” để kết nối chính quyền với người dân gần gũi hơn, cung cấp cho người dân thông tin chính thống từ chính quyền cũng như cung cấp các tiện ích phục vụ người dân: giáo dục số, y tế số, BHXH số... Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là thay đổi thói quen làm việc của người dân. Trước đây, chúng ta làm việc trên môi trường thực, tức là xử lý hồ sơ bằng giấy tờ thì giờ đây xử lý hồ sơ trên môi trường mạng. Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh và chỉ đạo các địa phương thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tới tận thôn. Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ tuyên truyền giúp người dân nắm được quá trình tất yếu của cuộc sống và hỗ trợ người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng nhằm thúc đẩy CĐS trong cộng đồng một cách toàn diện. Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tập huấn cho tổ công nghệ số cộng đồng các kỹ năng để hỗ trợ người dân một cách tốt nhất trong quá trình CĐS trong xã hội. Đồng thời, mong muốn mỗi người dân cần có nhận thức đúng về CĐS. Ngành thông tin và truyền thông sẽ cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, nghị quyết, đề án để thực hiện các nội dung liên quan đến CĐS trong từng ngành, trước mắt là các ngành cần tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành từ dữ liệu giấy chuyển thành dữ liệu số. Đối với các doanh nghiệp, chúng tôi cũng mong muốn doanh nghiệp ứng dụng được nhiều công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Ngành cũng sẽ tham mưu để đưa các giải pháp CĐS, nền tảng CĐS hữu hiệu và phù hợp với khả năng hiện tại của tỉnh để ứng dụng trong cuộc sống, sản xuất, kinh doanh cũng như điều hành trong các cấp chính quyền.

Người lao động làm việc tại Công ty Tân Đệ có thể kiểm tra chất lượng sản phẩm trên thiết bị thông minh.

Chuyển đổi số là việc làm của tất cả mọi người chứ không phải của các chuyên gia công nghệ. Phải có công cụ tốt, tức là những ứng dụng phục vụ người dân. Doanh nghiệp, chính quyền phải chạy thường xuyên, linh hoạt trên hệ thống mạng, trên các thiết bị để mọi người có thể sử dụng được. Chúng ta phải có kỹ năng giỏi, tức là mọi người phải thường xuyên có các ứng dụng để triển khai tạo thành kỹ năng thì công cuộc chuyển đổi số sẽ thành công.

Ông Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông




Nguyễn Cường