Thứ 6, 22/11/2024, 13:27[GMT+7]

Xã hội số - tạo đột phá và phát triển

Thứ 4, 29/11/2023 | 08:34:57
2,607 lượt xem
Cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là chuyển đổi số với sự tích hợp của số hóa, kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Đây là quá trình phát triển tất yếu trên toàn cầu và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài lộ trình ấy. Tại Thái Bình, quá trình chuyển đổi số diễn ra một cách đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó xã hội số có sự chuyển động tích cực.

Hầu hết các phòng học của Trường THCS Trung An (Vũ Thư) đều được trang bị ti vi thông minh.

Là một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số của ngành y tế, Bệnh viện Nhi Thái Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin mạng trong khám chữa bệnh và các phần mềm tại Bệnh viện. Bệnh viện cũng đã triển khai và hướng dẫn sử dụng ứng dụng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa Vtelehealth; đăng ký tài khoản phần mềm cho bác sĩ các khoa, phòng và ứng dụng sử dụng phần mềm tiền giám định bảo hiểm; kết nối và triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; duy trì hoạt động phần mềm quản lý bệnh viện, hệ thống quản lý thông tin xét nghiệm và hệ thống chẩn đoán, lưu trữ hình ảnh... Với sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên, Bệnh viện Nhi Thái Bình hiện là một trong những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Cùng với Bệnh viện Nhi Thái Bình, nhiều bệnh viện trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo trong chuyển đổi số. Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình đã chủ động nâng cấp hạ tầng, xây dựng phần mềm, tối ưu hóa quy trình để ứng dụng công nghệ thông tin tốt hơn. Bên cạnh đó, Bệnh viện còn triển khai đặt lịch khám qua mạng, hoàn thiện phần mềm quản lý thông tin y tế, thực hiện đăng ký khám từ xa, hệ thống vận chuyển mẫu tự động, chữ ký số, 100% hồ sơ bệnh án được quản lý và xử lý trên phần mềm; triển khai thanh toán không sử dụng tiền mặt... 

Ông Hà Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại. Với nhiều lợi ích mang lại, chuyển đổi số đã được các đơn vị trong ngành triển khai từ sớm, đạt được nhiều kết quả tích cực từ công tác quản lý, quản trị ngành, hoạt động khám chữa bệnh đến công tác quản lý sức khỏe và y tế dự phòng. Giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, ngành y tế xác định tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; ưu tiên chuyển đổi số trong 3 lĩnh vực: khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và quản trị thông minh. Hướng đến 2 nhóm hoạt động theo thứ tự ưu tiên là nhóm hoạt động chuyển đổi số để giảm phiền hà cho người dân và nhóm hoạt động xây dựng y tế thông minh để tạo thêm tiện ích và sự hài lòng cho người dân. Lộ trình ngành đang hướng đến là hình thành trung tâm dữ liệu, trung tâm điều hành y tế; triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử; kết nối liên thông các hệ thống hiện có. Mục tiêu nhằm xây dựng hệ thống y tế hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.

Đối với lĩnh vực giáo dục, toàn ngành đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong quản lý giáo dục. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục đã kết nối internet tốc độ cao và sử dụng phần mềm quản lý, trong đó hầu hết là phần mềm quản lý theo mô hình trực tuyến. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT được triển khai đồng bộ, triệt để. Từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển đến nộp lệ phí xét tuyển và xác nhận nhập học đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả các thí sinh. Nhờ đó, việc tuyển sinh diễn ra công khai, minh bạch, được nhân dân đánh giá cao. Cùng với đó, đến tháng 9/2023, 100% cơ sở giáo dục đã thực hiện giao dịch thu, chi tài chính qua cổng dịch vụ công. 

Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của xã hội nói chung, ngành giáo dục nói riêng. Đội ngũ nhà giáo đã thể hiện năng lực thích ứng, tích cực học hỏi và thực hành ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, quản lý và kiểm tra, đánh giá học sinh. Trong bối cảnh phải chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến, ngành giáo dục đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 vừa kiên trì mục tiêu chất lượng và hoàn thành kế hoạch năm học. Việc chuyển đổi số đã góp phần tạo sự đột phá, phát triển khác biệt cho cả giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; lấy người học và người dạy làm trung tâm của chuyển đổi số; lấy lợi ích của người học, nhà giáo, người dân làm thước đo đánh giá chuyển đổi số và nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý. Thời gian tới, toàn ngành tiếp tục xây dựng và làm phong phú thêm kho học liệu số để chia sẻ dùng chung trong toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi các môn học; hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành...

Bệnh viện Nhi Thái Bình đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ khám chữa bệnh.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2023 các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 40 mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng về chuyển đổi số đặt ra trong năm 2023. Các lĩnh vực nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số, nhân lực số, an toàn, an ninh mạng... được thúc đẩy và đạt được những kết quả quan trọng. Thực hiện Đề án 06, các sở, ngành đã hoàn thành 26/34 nhiệm vụ, đang thực hiện 5 nhiệm vụ bảo đảm theo lộ trình, 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án của một số đơn vị đạt kết quả tốt, một số thủ tục đạt 100% trực tuyến ở một số ngành... Những đột phá với nhiều kết quả nổi bật và sự tích cực, chủ động trong chuyển đổi số của 2 ngành y tế, giáo dục và các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh đang triển khai sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số toàn diện trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh, mang lại sự thuận lợi, tiện ích cho người dân.

Giáo viên Trường Mầm non Vân Trường (Tiền Hải) tập huấn ứng dụng phần mềm dạy học hiện đại. 

Hoàng Lanh - Đặng Anh