Chủ nhật, 19/05/2024, 04:55[GMT+7]

Chuyển đổi số báo chí trên địa bàn tỉnh Thái Bình thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp

Thứ 2, 12/02/2024 | 17:36:56
3,199 lượt xem
Ngày 30/11/2023, tại Thái Bình, Báo Nhân Dân, Tỉnh ủy Thái Bình, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - lý luận và thực tiễn”. Tại hội thảo, đồng chí Phạm Đồng Thụy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có tham luận với chủ đề “Chuyển đổi số báo chí trên địa bàn tỉnh Thái Bình - thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp”. Báo Thái Bình giới thiệu cùng bạn đọc.

Chuyển đổi số là xu thế về công nghệ trên toàn cầu hiện đang có tác động  sâu rộng lên mọi mặt của đời sống xã hội. Đối với báo chí, chuyển đổi số nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng, các cơ quan báo chí bắt buộc phải nhanh chóng đón đầu công cuộc chuyển đổi số.

Thái Bình xác định 3 yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi số là con người, thể chế và công nghệ. Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 19/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành, cụ thể hóa các văn bản quan trọng về công tác chuyển đổi số tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh như: Quyết định phê duyệt Đề án chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Thái Bình năm 2023; Kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn đến năm 2025; Quyết định giao chỉ tiêu nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2023; Ban hành kế hoạch hành động cụ thể để triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến... Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược chuyển đổi số và phát triển báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Hiện nay, Thái Bình có 3 cơ quan báo chí của tỉnh là Báo Thái Bình (cơ quan chủ quản là Tỉnh ủy Thái Bình), Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình (cơ quan chủ quản là Ủy ban nhân dân tỉnh), Tạp chí Văn nghệ Thái Bình (cơ quan chủ quản là Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình). Các cơ quan báo chí của tỉnh đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chuyển đổi số, trong đó xác định chuyển đổi số không chỉ là đầu tư về công nghệ, phần mềm, trang thiết bị mà phải thay đổi tư duy của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, thay đổi quy trình vận hành, phương thức tác nghiệp, quy trình sản xuất, xuất bản nội dung, quản lý dữ liệu..., từ đó mang lại những trải nghiệm mới cho công chúng và tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất. Đây là những tiền đề để thực hiện chuyển đổi số một cách mạnh mẽ.

Thái Bình là tỉnh tiên phong trong cả nước ứng dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” trong sinh hoạt chi bộ và cung cấp thông tin đến cán bộ, đảng viên; là 1 trong 13 địa phương trên cả nước đáp ứng toàn bộ yêu cầu kỹ thuật triển khai Đề án 06 (phiên bản 1.0) của Bộ Thông tin và Truyền thông; thành lập các kênh Zalo OA “Công dân số Thái Bình”, “Chính quyền số Thái Bình”, “Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp”, thường xuyên cung cấp thông tin từ chính quyền tới người dân, doanh nghiệp… Trên địa bàn tỉnh có 1.107 cơ quan, đơn vị có trang/cổng thông tin điện tử (150 trang của cơ quan, đơn vị; 697 trang của các trường học; 260 trang của các xã, phường, thị trấn). Các trang thông tin điện tử chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về hoạt động của trang thông tin điện tử; phát huy hiệu quả kênh thông tin chính thống của các cơ quan, đơn vị trên mạng internet, cung cấp thông tin khá thường xuyên, kịp thời, chính xác, góp phần công khai, minh bạch thông tin, hoạt động của các cơ quan, đơn vị, đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu thông tin của người dân.

Báo Thái Bình có nhiều thay đổi trong nội dung, hình thức thể hiện, hạ tầng kỹ thuật, phương tiện tác nghiệp, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào mọi hoạt động, tạo tiền đề bắt nhịp với công cuộc chuyển đổi số. Hiện Báo có ấn phẩm báo in phát hành hàng ngày, báo điện tử thực hiện đa dạng hình thức thể hiện như phát thanh, truyền hình, infographic, e-magazine, longform…, đáp ứng yêu cầu xây dựng Báo Thái Bình trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Với lợi thế của báo điện tử, từ khi chính thức khai trương (ngày 22/3/2018) đến nay, Báo Thái Bình điện tử đã mở rộng diện phủ sóng trong nước và quốc tế, đến với đồng bào Việt Nam, đồng hương Thái Bình ở nước ngoài. Báo Thái Bình điện tử có phần mềm quản trị nội dung CMS, giúp xử lý được các nghiệp vụ “một chạm”, tuần hoàn ngay trong cùng một hệ thống CMS; xây dựng hệ thống sever lưu trữ và truyền tải dữ liệu; đồng thời, thiết lập các tài khoản gửi và nhận dữ liệu cho phóng viên, cộng tác viên gửi về tòa soạn một cách nhanh nhất, gửi và nhận được file có dung lượng lớn; từ đó giúp việc khai thác dữ liệu thực hiện các tác phẩm được thuận lợi, hiệu quả. Đặc biệt, đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI sử dụng MC ảo thay thế MC thật vào sản xuất các chương trình video, giúp tiết kiệm được thời gian, kinh phí, nhân lực, đồng thời thể hiện được phong cách làm báo hiện đại - đa phương tiện, đa nền tảng. Trong một số bản tin truyền hình và phát thanh đã sử dụng giọng đọc trí tuệ nhân tạo (Voice AI) thay vì phải chờ bản đọc từ phát thanh viên… Đối với báo in chuyển đổi theo hướng báo chí dữ liệu, đã xây dựng hệ thống đọc báo in trực tuyến, mở ra hướng tiếp cận dữ liệu báo chí chuyên sâu từ những trang báo giấy truyền thống trên máy tính và các thiết bị di động có kết nối internet.

Bên cạnh chuyển đổi số các ấn phẩm báo chí, Báo Thái Bình đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn cơ quan thông qua việc xây dựng phần mềm Hệ thông tin quản lý chất lượng tin, bài, ảnh để tiếp nhận tin, bài, ảnh từ phóng viên chuyển tiếp liên thông đến các cấp biên tập, giúp Ban biên tập quản lý được chất lượng tin, bài, ảnh và thời gian hoàn thành các nội dung công việc được giao, từ đó chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Những công nghệ được tích hợp trên Báo Thái Bình điện tử đã giúp tòa soạn có được những kho dữ liệu, trở thành những thông tin để tòa soạn cải tiến, thúc đẩy sáng tạo, xây dựng thêm nhiều nội dung hay hơn, chất lượng hơn nhằm phục vụ nhu cầu đọc, xem, nghe của công chúng.

Với phương châm “ở đâu có mạng xã hội, ở đó có Báo Thái Bình”, thời gian qua, các nền tảng mạng xã hội của Báo Thái Bình luôn đăng tải nhiều nội dung phong phú và ngày một phát triển. Các nền tảng Facebook, Youtube, Zalo nhanh chóng phát triển, thu hút được nhiều người dùng tương tác trên các nền tảng mạng xã hội của Báo Thái Bình. Việc có mặt trên các nền tảng mạng xã hội giúp Báo Thái Bình đưa thông tin nhanh chóng và chính xác đến mọi ngóc ngách trên môi trường số, qua đó giúp công chúng tiếp cận thông tin bất cứ lúc nào, bất kỳ ở đâu. Biến những vấn đề chính trị - xã hội tưởng chừng rất khô khan trở nên gần gũi, Báo Thái Bình đã lan tỏa thông tin tích cực tới cộng đồng, được đông đảo công chúng đón nhận.

Đối với Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, đơn vị đã từng bước đầu tư hệ thống sản xuất và truyền dẫn phát sóng theo tiêu chuẩn và được số hóa từ khâu đầu vào đến khâu phát sóng. Các chương trình của Đài được phát trên các hạ tầng như Truyền hình cáp Thái Bình, Truyền hình cáp Việt Nam, Truyền hình MyTV, Truyền hình FPT, Truyền hình NextTV, Truyền hình MobiTV… Truyền hình trực tuyến trên internet (tại địa chỉ thaibinhtv.vn); truyền hình trên mạng xã hội (tại địa chỉ youtube.com/thaibinhtv hoặc facebook.com/thaibinhtv); phát sóng kênh Truyền hình Thái Bình trên nền tảng truyền hình số quốc gia VTVGo. Hiện nay, Đài phát sóng thời lượng truyền hình 18,5 giờ/ngày, thời lượng phát thanh 18 giờ/ngày

Xác định chuyển đổi số là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình đã ban hành kế hoạch về chuyển đổi số với mục tiêu thực hiện việc chuyển đổi số trong các hoạt động biên tập, kỹ thuật và quản trị hành chính của Đài, xây dựng tòa soạn hội tụ nâng cao chất lượng, năng lực sản xuất và phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình trên các hạ tầng một cách chính xác, kịp thời. Khai thác và sử dụng hiệu quả những tư liệu được lưu trữ phục vụ cho nhiệm vụ tuyên truyền, khai thác nguồn thu quảng cáo từ hoạt động trên các hạ tầng đang thực hiện. Bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống, tạo điều kiện cho khán thính giả tiếp cận nhanh nhất các thông tin… Đài đăng tin, bài lên hạ tầng số để thăm dò sở thích của khán giả; chỉ đạo tăng cường sản xuất các nhóm chủ đề mà khán giả xem nhiều. Chỉ đạo sản xuất tin, bài ngắn gọn (tin thường 1phút, phóng sự khoảng 2,5 phút) để phù hợp với đăng tải trên hạ tầng số. Hiện tại, toàn bộ các chương trình thời sự, một số chuyên mục, một số sân chơi của Đài đều được đăng trên các hạ tầng số. Hàng ngày chọn khoảng 3 - 5 tin, phóng sự hay, hấp dẫn để cập nhật riêng lẻ lên hạ tầng số. Trong đó có những tin sau khi đăng tải đã thu hút hơn 1 triệu lượt người truy cập. Ngoài mảng truyền hình, hàng ngày Đài sản xuất chương trình phát thanh 1H với Radio Thái Bình phát sóng trực tiếp trên sóng phát thanh từ 8 - 9h, đồng thời được đăng tải trực tiếp lên trang facebook của Đài để khán giả có thể tương tác trực tiếp, gửi bình luận hoặc đặt câu hỏi với chương trình.

Tạp chí Văn nghệ Thái Bình đã nỗ lực sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số phù hợp với điều kiện và khả năng, tạo nên các tác phẩm nghệ thuật có giá trị và tầm cao mới. Phần lớn các văn nghệ sĩ của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình thấy được công nghệ giờ đây đã là công cụ hỗ trợ, cầu nối hiệu quả cho công việc và quảng bá những tác phẩm văn học nghệ thuật đến được công chúng trên toàn cầu. Tạp chí Văn nghệ Thái Bình đã số hóa các ấn phẩm, tác phẩm của các tác giả để lưu trữ trong thư viện tác giả, thư viện tác phẩm trên trang thông tin điện tử của Hội và áp dụng chuyển đổi số vào trong hoạt động của Tạp chí.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số báo chí trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn, thách thức như:

Kiến thức, kinh nghiệm còn hạn chế, có lúc, có việc không tránh khỏi lúng túng; chưa có mô hình chuyển đổi số của cơ quan báo chí nào được đánh giá thành công bằng kết quả đo lường cụ thể, cũng chưa có một mô hình chuẩn cho chuyển đổi số báo chí.
Hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan báo chí tỉnh Thái Bình tuy đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ; nhiệm vụ ngày càng tăng, yêu cầu ngày càng cao trong khi kinh phí hoạt động còn hạn chế, nhân lực giảm, nguồn thu quảng cáo khó khăn.
Nhận thức của một bộ phận cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên về chuyển đổi số có lúc, có việc chưa kịp thời.

Từ thực tiễn quá trình chuyển đổi số báo chí trên địa bàn tỉnh có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, nhận thức của người đứng đầu; quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của các bộ, ngành và của tỉnh về chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số báo chí nói riêng. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, quay phim, biên tập viên, kỹ thuật viên phải xác định rõ chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là vấn đề sống còn của các cơ quan báo chí, từ đó đoàn kết, thống nhất trong triển khai, tổ chức thực hiện.

Thứ hai, có sự chuẩn bị các nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật.

- Thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên (có kỹ năng nghề nghiệp tốt, có khả năng sử dụng nhiều trang thiết bị phục vụ tác nghiệp, đồng thời am hiểu nhiều loại hình báo chí; phóng viên có thể làm được nhiều việc, không chỉ viết cho báo in, báo điện tử mà còn có thể sản xuất các sản phẩm phát thanh, truyền hình, các sản phẩm báo chí đa phương tiện khác); đồng thời, xây dựng được đội ngũ có khả năng làm chủ công nghệ số.

- Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đầy đủ, hiện đại không chỉ tạo điều kiện cho phóng viên, kỹ thuật viên làm nghề, giúp nội dung bứt phá thể hiện sức mạnh truyền thông. Đây là yếu tố tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của tòa soạn.

Thứ ba, cơ quan báo chí phải luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích, có ngày càng nhiều hơn những sản phẩm chất lượng phục vụ nhiệm vụ chính trị, đồng thời nâng cao tính thuyết phục và niềm tin với công chúng.

Hiện nay, chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu, xuất phát từ việc cần phải củng cố vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin của các cơ quan báo chí, đáp ứng việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của báo chí, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí trên địa bàn tỉnh Thái Bình, cần thực hiện hiệu quả một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý thông tin, truyền thông; lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí về vai trò quan trọng và sự cấp thiết phải đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí đồng bộ với chương trình chuyển đổi số của tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh những tổ chức, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong quá trình chuyển đổi số báo chí để chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa, nhân rộng.

Hai là, tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 19/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 120/KH-UBND, ngày 25/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg, ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình, bảo đảm sắp xếp hệ thống báo chí tinh gọn, hiện đại, phát huy hiệu quả các cơ quan báo chí của tỉnh.

Ba là, phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả. Thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả. Ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong việc tự động hóa để thúc đẩy quá trình sản xuất nội dung.

Bốn là, ứng dụng nền tảng số cho các cơ quan báo chí của tỉnh. Ứng dụng các công cụ thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, dự báo, theo dõi, giám sát chất lượng báo chí; chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; nền tảng phát thanh số (trực tuyến) và nền tảng truyền hình số (trực tuyến); nền tảng báo chí điện tử. Ứng dụng nền tảng số cho các cơ quan báo chí thực hiện phân phối nội dung báo chí, chia sẻ dữ liệu báo chí; khuyến khích cơ quan báo chí có đủ tiềm lực về công nghệ, tài chính xây dựng nền tảng riêng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp thông qua ứng dụng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử.

Năm là, tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý thông tin, truyền thông, lãnh đạo các cơ quan báo chí về kỹ năng cơ bản, cần thiết cho chuyển đổi số báo chí. Tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, an toàn, an ninh mạng, thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ đổi mới sản xuất, phân phối nội dung và giám sát, đánh giá chất lượng thông tin. Các cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ nhằm đào tạo nguồn nhân lực số có chất lượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số báo chí.

Tăng cường hợp tác, học tập kinh nghiệm của các địa phương có báo chí số phát triển mạnh. Bố trí kinh phí và tạo điều kiện cho cơ quan báo chí thuộc địa phương triển khai chuyển đổi số.

Đồng chí Phạm Đồng Thụy

(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

  • Từ khóa