Thứ 6, 17/05/2024, 19:24[GMT+7]

Dấu ấn chuyển đổi số

Thứ 3, 13/02/2024 | 14:35:29
3,661 lượt xem
Ngày 19/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau hơn 2 năm Nghị quyết đi vào cuộc sống, hoạt động CĐS trên địa bàn tỉnh có chuyển biến rõ nét. Phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về những dấu ấn nổi bật của hoạt động CĐS trong thời gian qua.

Phóng viên: Năm 2023 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết số 02 về hoạt động CĐS. Xin ông cho biết những dấu ấn nổi bật của hoạt động CĐS trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Ông Đỗ Như Lâm: Ngay sau khi Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về CĐS tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 571/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt đề án CĐS tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành, từ tỉnh, huyện và các địa phương đã tích cực vào cuộc. Đến nay, trong 3 trụ cột chính của CĐS (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số) đều đạt được những kết quả nổi bật.

Trong hoạt động chính quyền số, đến năm 2023, nhiều chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu đã đề ra: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; tỷ lệ văn bản điện tử có chứng thực số và ký số đạt 99,6%, tỷ lệ văn bản có đầy đủ chữ ký số của cơ quan và cá nhân lãnh đạo đạt 82,2%; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; 100% các cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước... Thái Bình là một trong 13 địa phương của cả nước đáp ứng toàn bộ yêu cầu của Đề án 06.

Công an các huyện, thành phố hướng dẫn cài đặt tài khoản định danh điện tử cho người dân.

Đối với hoạt động kinh tế số, đến nay đã hỗ trợ đăng tải, quảng bá gần 2.300 sản phẩm hàng hóa của tỉnh lên sàn thương mại điện tử. Một số sở, ngành đã xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, sàn giao dịch điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, ngành công thương đã thực hiện hỗ trợ 11 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh xây dựng website; hỗ trợ 5 doanh nghiệp quảng bá thông tin, hình ảnh, sản phẩm trên website uy tín của Bộ Công Thương; hỗ trợ 18 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh xây dựng giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Liên minh HTX tỉnh đã lựa chọn, hướng dẫn các HTX tham gia sàn giao dịch điện tử. Một số doanh nghiệp đã hoàn thành việc mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử lớn như Alibaba, Shopee, Sendo và đang trong quá trình tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế.

Trong hoạt động xã hội số, ngành giáo dục và đào tạo đã hoàn thành việc xét tuyển đại học, cao đẳng bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Các cơ sở giáo dục đã triển khai thực hiện thu, chi học phí và thu khác không dùng tiền mặt. Ngành y tế tiếp tục triển khai liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy chứng tử lên cổng giám định BHYT, một số cơ sở y tế thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Kết quả người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh đã được đồng bộ, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tại Trường Tiểu học và THCS An Thái (Quỳnh Phụ), các phòng học đều được lắp đặt thiết bị thông minh phục vụ cho việc dạy và học.

Phóng viên: Quá trình triển khai thực hiện, cùng với những chuyển biến tích cực, hoạt động CĐS trong tỉnh vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết. Những khó khăn, vướng mắc cụ thể là gì, thưa ông?

Ông Đỗ Như Lâm: Quá trình triển khai thực hiện hoạt động CĐS tại các cơ quan, đơn vị, một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự được quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; một số bộ phận cán bộ chưa thật sự đổi mới, còn giữ thói quen truyền thống làm việc cũ; trình độ, kỹ năng, nhận thức của một số bộ phận cán bộ về CĐS còn hạn chế... Việc xác định một số mục tiêu còn khó khăn như: tỷ trọng kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP); tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số còn hạn chế.

Phóng viên: CĐS là quá trình liên tục, lâu dài, để hoạt động CĐS Thái Bình ngày càng bắt kịp, đi cùng, vượt lên phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới Sở Thông tin và Truyền thông có giải pháp cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Như Lâm: Nhiệm vụ trước tiên, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo nghị quyết, kế hoạch đã đề ra. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp, trong đó tăng cường tuyên truyền về CĐS trong cộng đồng dân cư, nòng cốt là các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố, đồng thời phát huy vai trò tiên phong của lực lượng đoàn thanh niên trong việc tuyên truyền và hỗ trợ người dân trong sử dụng các nền tảng số.

Huy động sự tham gia của cộng đồng, cho phép các tổ chức, doanh nghiệp cùng khai thác các hệ thống công nghệ thông tin, các nền tảng và cơ sở dữ liệu phục vụ việc phát triển hệ sinh thái sản phẩm chính quyền điện tử. Nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ số vào triển khai CĐS số như: điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối... Cùng với đó, nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Cường

(Thực hiện)