Thứ 6, 20/12/2024, 18:09[GMT+7]

Tăng tốc “về đích” số hóa dữ liệu hộ tịch

Thứ 6, 20/12/2024 | 08:38:40
327 lượt xem
Thời gian qua, ngành tư pháp tích cực phối hợp với Công an tỉnh và các địa phương đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu hộ tịch nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông qua đó góp phần quan trọng để Thái Bình hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số, hướng đến một nền hành chính hiện đại, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Cán bộ, công chức phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) triển khai quy trình số hóa dữ liệu hộ tịch.

L à một trong những địa phương có tỷ lệ số hoá dữ liệu hộ tịch cao của huyện Vũ Thư, lãnh đạo địa phương, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Bách Thuận quyết tâm hoàn thành mục tiêu trong thời gian sớm nhất. 

Ông Nguyễn Văn Bốn, công chức tư pháp - hộ tịch xã Bách Thuận chia sẻ: Ngay sau khi được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, chúng tôi đã nghiên cứu văn bản, xác định các biện pháp tổ chức thực hiện. Được sự hỗ trợ của Phòng Tư pháp, Công an huyện Vũ Thư, sự quan tâm của lãnh đạo UBND xã, chúng tôi đã thành lập tổ nhập dữ liệu hộ tịch từ 6-8 thành viên. Trong quá trình triển khai, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn với việc chụp dữ liệu từ năm 2015 trở về trước để scan thành văn bản. Với sự hỗ trợ của Phòng Hành chính tư pháp - Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp huyện, chúng tôi đã tìm ra giải pháp khắc phục. Nhờ đó, mỗi ngày chúng tôi có thể nhập được 500 - 600 dữ liệu hộ tịch lên phần mềm. Khoảng thời gian nhập dữ liệu lên phần mềm thuận lợi nhất là từ 10-12giờ đêm và từ 4-6 giờ sáng. Vì vậy, chúng tôi tranh thủ khoảng thời gian này để tổ chức thực hiện. Tính đến ngày 16/12/2024, chúng tôi đã chuyển 3.702/4.753 dữ liệu chính thức vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh mở đợt cao điểm thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch, huyện Vũ Thư đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ ngành tư pháp trong quá trình thực hiện các phần việc. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn khiến cho tiến độ số hóa dữ liệu không được bảo đảm. 

Ông Phạm Chí Dũng, Trưởng phòng Tư pháp huyện cho biết: Hiện nay, việc triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch của huyện vẫn còn chậm. Nhiều địa phương còn gặp một số khó khăn về đường truyền, hạn chế về cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn chưa thực sự quyết liệt trong triển khai thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch. Vì vậy, huyện quyết tâm triển khai các biện pháp, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương khắc phục hạn chế, tồn tại để bảo đảm hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trước ngày 28/12/2024 theo kế hoạch của UBND tỉnh.

Sở Tư pháp Thái Bình tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện số hoá dữ liệu hộ tịch.

Số lượng sổ sách nhiều cùng một số sổ sách lưu lại từ năm 1981 đã mục nát, không đầy đủ thông tin khiến việc triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch của phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, với sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm cao độ của đội ngũ cán bộ, công chức, phường đã “về đích” việc số hóa dữ liệu hộ tịch trong thời gian rất ngắn. 

Ông Lại Mạnh Thắng, Chủ tịch UBND phường cho biết: Đây là nhiệm vụ mới và thời gian thực hiện gấp rút với khối lượng công việc lớn. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND phường đã thành lập tổ công tác, bố trí công chức có trình độ chuyên môn đảm nhiệm công tác đăng ký hộ tịch. Cùng với đó, huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên, giáo viên tin học của các trường cùng tham gia hỗ trợ. Cùng với việc bảo đảm nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ, công chức phường đã tranh thủ thời gian ngoài giờ, tạm gác lại công việc cá nhân, tranh thủ ngày thứ bảy và chủ nhật để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Với sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của Đảng ủy, UBND phường, hiện tại phường đã hoàn thành việc số hóa dữ liệu hộ tịch.

Theo số liệu tổng hợp đến ngày 19/12/2024 của Sở Tư pháp, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện số hóa 1.131.085/1.219.710 dữ liệu hộ tịch, đạt tỷ lệ 93,78%. 

Ông Đoàn Mạnh Huân, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Thời gian qua, ngành tư pháp đã phối hợp với Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch về mở đợt cao điểm số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức sàng lọc hơn 1,3 triệu dữ liệu hộ tịch và phân về cho từng huyện, xã để nhập vào phần mềm hộ tịch 158. Trên cơ sở đó, các xã tiếp tục sàng lọc, kết hợp với sổ lưu, bản scan chuyển chính thức vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Với sự quyết tâm, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, từ ngày 30/11 - 18/12 một số huyện, thành phố đã triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch với tỷ lệ rất cao; trong đó, 3 huyện Tiền Hải, Quỳnh Phu, Kiến Xương và thành phố Thái Bình đã hoàn thành. Đối với các huyện chưa bảo đảm tiến độ, chúng tôi sẽ thành lập các đoàn công tác trực tiếp về cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, tồn tại; phấn đấu đến hết ngày 22/12 sẽ có 8 huyện, thành phố bảo đảm hoàn thành 100% việc số hóa dữ liệu hộ tịch.

Sự chỉ đạo và những giải pháp quyết liệt của UBND tỉnh, ngành tư pháp và nỗ lực của các địa phương sẽ không chỉ giúp Thái Bình đạt mục tiêu sớm “về đích” số hóa dữ liệu hộ tịch mà còn góp phần xây dựng kho tài nguyên số của quốc gia, hướng đến một nền hành chính hiện đại, phục vụ người dân tốt hơn trong việc thực hiện thủ tục hành chính.

Lực lượng công an phối hợp với ngành tư pháp triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch. 

Nguyễn Triệu