Thứ 3, 25/02/2025, 00:22[GMT+7]

Thái Thụy: Đẩy mạnh chuyển đổi số công tác khám chữa bệnh

Thứ 2, 24/02/2025 | 10:58:27
340 lượt xem
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong lộ trình phát triển, nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe nhân dân, những năm qua, các cơ sở y tế ở Thái Thụy đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, KCB.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thái Ninh kiểm tra hệ thống lọc nước R.O chạy thận nhân tạo.

Những ngày cuối tháng 2/2025, có mặt tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa Thái Ninh, đầu giờ sáng đã có rất đông người dân đến đăng ký KCB. 

Vừa đăng ký khám bệnh xong, ông Bùi Đình Nhu, xã Hòa An chia sẻ: Tôi sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp để đăng ký khám bệnh tại bệnh viện. Tôi thấy rất tiện lợi, chỉ cần thẻ CCCD là có thể đến KCB BHYT. Khi đưa thẻ CCCD cho nhân viên y tế quét mã QR vào đầu đọc thẻ là hiện lên tất cả thông tin cá nhân, lịch trình KCB, rất thuận tiện cho người đăng ký khám bệnh và đỡ mất thời gian của nhân viên y tế cũng như tạo thuận lợi cho bác sĩ nắm bắt được tiền sử bệnh tật của người đăng ký khám. Tại đây, tôi còn được hướng dẫn cài ứng dụng VssID-BHXH trên điện thoại theo dõi quá trình KCB, hưởng chính sách BHYT. 

Cũng đến KCB tại Bệnh viện Đa khoa Thái Ninh, chị Vũ Thị Hường, xã Thái Xuyên cho biết: Mỗi lần đến khám bệnh tại đây tôi thấy quy trình khám rất nhanh gọn. Bệnh viện thực hiện thanh toán qua mã QR không dùng tiền mặt đã giúp quy trình thanh toán viện phí đơn giản, nhanh gọn, bảo đảm chính xác, an toàn cho người sử dụng, rút ngắn thời gian chờ đợi, hạn chế những rủi ro phát sinh khi thanh toán tiền mặt. 

Bác sĩ Lê Thanh Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thái Ninh cho biết: Mỗi ngày Bệnh viện tiếp đón 350 - 380 lượt người dân đến khám bệnh, điều trị nội trú cho hơn 200 bệnh nhân. Để phục vụ hiệu quả người bệnh, Bệnh viện đã thực hiện chuyển đổi số trong KCB; triển khai số hóa nhiều khâu, từ quy trình tiếp đón, hướng dẫn người dân đến KCB sử dụng đăng nhập tài khoản VNeID, VssID, CCCD gắn chíp, thanh toán không dùng tiền mặt... Bệnh viện đã triển khai bảng điện tử thể hiện số thứ tự tại các khu vực phòng khám, khu lấy mẫu xét nghiệm, khu chờ thực hiện các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh. Ngoài ra còn sử dụng phần mềm LIS, HIS phục vụ công tác KCB và làm bệnh án điện tử, liên thông dữ liệu KCB và kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, trả kết quả tại khoa phòng giảm thời gian chờ đợi. Sắp tới Bệnh viện triển khai ki ốt điện tử lấy số và đăng ký tự động; đăng ký khám bệnh và nhận kết quả tự động qua website bệnh viện, triển khai hệ thống PAC, thực hiện bệnh án điện tử. 

Để đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân, Bệnh viện đã được đầu tư nhiều thiết bị y tế hiện đại như hệ thống CT-Scanner, hệ thống PTNS, hệ thống nội soi tiêu hóa... Trong năm 2024, Bệnh viện được đầu tư 7 máy chạy thận nhân tạo. Dự kiến trong tháng 3/2025 Bệnh viện đưa máy chạy thận nhân tạo hoạt động phục vụ bệnh nhân. 

Bệnh viện Đa khoa Thái Ninh triển khai bảng điện tử thể hiện số thứ tự tại các khu vực phòng khám.

Cũng như Bệnh viện Đa khoa Thái Ninh, các cơ sở y tế tuyến huyện và các trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thái Thụy đã đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ. Hiện các bệnh viện tuyến huyện đã triển khai KCB qua tài khoản VNeID, VssID, CCCD gắn chíp; 100% trạm y tế xã, thị trấn triển khai phần mềm y tế cơ sở, hồ sơ sức khỏe điện tử, bảo đảm kết nối liên thông. Trạm y tế các xã, thị trấn đều được trang bị máy tính, đầu đọc mã vạch thẻ BHYT, góp phần hạn chế thời gian chờ đợi của người dân khi đi khám bệnh. 

Bác sĩ Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng trạm Y tế xã Thụy Phong cho biết: Trạm thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực KCB ban đầu và quản lý các chương trình y tế bằng phần mềm. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và KCB, Trạm đã yêu cầu cán bộ chủ động học tập, nâng cao kiến thức và cử đi tập huấn các lớp ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao trình độ chuyên môn ở từng chuyên ngành do Sở Y tế, Trung tâm Y tế huyện tổ chức. 

Bà Vũ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy cho biết: Thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế góp phần cải tiến quy trình KCB theo hướng nhanh gọn, chính xác, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch và phát động phong trào thi đua thực hiện chương trình chuyển đổi số; phối hợp với các đơn vị viễn thông tổ chức tập huấn cho cán bộ Trung tâm và trạm y tế các xã, thị trấn về các phần mềm và lập hồ sơ sức khỏe điện tử; thành lập tổ công nghệ thông tin hỗ trợ các trạm y tế, phân công mỗi thành viên trực tiếp phụ trách hướng dẫn 1 - 2 trạm y tế theo phương châm “cầm tay chỉ việc”; trạm y tế phối hợp với công an xã, thị trấn cập nhật thông tin dữ liệu dân cư trên phần mềm quản lý về các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực về tiêm chủng mở rộng, quản lý dân số...; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân cài App “Sổ sức khỏe điện tử”; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.


Nguyễn Thắm