Mãi mãi tình thầy trò, tình bạn không bao giờ phai mờ
Trường PTTH Lê Quý Đôn, thành phố Thái Bình năm 2022.
Quê tôi là làng Đồng Đức, xã Phúc Thành, một miền quê nghèo của huyện Vũ Thư. Ấy thế mà năm 1962 xã có đến chín chàng trai thi đỗ vào trường cấp ba của tỉnh. Cả tỉnh Thái Bình năm ấy chỉ có một trường cấp ba. Dẫu nghèo đói nhưng được học ở trường này là vinh dự lắm.
Tôi học 8G rồi 9G. Lớp tôi có 54 bạn trong đó có 19 bạn nữ, 90% là con nhà nông dân. Chỉ có mấy đứa con nhà thị dân và công chức. Tôi thân với thằng Triều, thằng Sang, thằng Huấn, cái Vy, cái Hương, cái Mỹ...
Đến bây giờ đã 60 năm, tôi vẫn không sao quên được giọng nói oang oang của thằng Triều Choắt, cái chất hùng biện của thằng Huấn Cồ, nghệ thuật “siêu quay cóp” của thằng Tú Út, những cử chỉ dịu dàng của cái Vy làng Cát và giọng nói êm như nhung của cái Hương đồng nội.
Thế rồi những buổi họp lớp, những buổi lao động trong trường, những buổi nghe ngoại khóa... nhiều đứa có những trò nghịch ngợm kỳ lạ. Có những trò làm cả lớp cười đến mấy hôm sau. Có những trò cũng gây hiểu lầm giữa đứa này đứa kia làm cho chúng suýt lao vào đánh nhau. Thế rồi những chuyến đi tham quan chùa Keo, cống Lân, cảng Diêm Điền, nhà máy dệt Nam Định, chùa Hương (Hà Nội), chùa Non Nước (Ninh Bình) và chuyện về người chiến sĩ anh hùng Giáp Văn Khương... chúng tôi vẫn còn nhớ mãi...
Nhưng nhớ nhất vẫn là kỷ niệm với các thầy cô giáo. Thầy Lê Cừ - Hiệu trưởng, thầy Hồi dạy hóa, cô Mỹ dạy toán, đặc biệt là thầy Lương Văn Khanh (quê Nghệ An) – chủ nhiệm lớp tôi. Thầy Khanh người gày gò, nhỏ nhắn. Đôi mắt thầy hiền từ nhưng rất sáng. Thầy quý học trò lắm, nhất là bạn nào giỏi văn. Tôi là một trong số các bạn được thầy quý như thế.
Nhớ có một hôm đi học tôi đi đến gần cầu Báng thì có một ông trông dáng dữ tợn khật khưỡng từ trong ngõ đi ra. Ông ta lè nhè những câu gì nghe không rõ rồi ngáng đường tôi làm tôi ngã bổ chửng. Thế rồi ông ta cướp cặp sách của tôi chạy vào trong ngõ. Tôi bò dậy, vừa đuổi theo vừa kêu:
- Bà con ơi, nó cướp sách của tôi... Bà con ơi...
Tôi chạy đuổi theo vào trong ngõ. Ngõ làng ở đây ngoằn ngoèo đầy tre, song mây rậm rạp. Đến ngã tư thì mất dấu. Tôi chạy đuổi bừa theo một hướng. Mãi đến đoạn ra cuối làng cũng không thấy ông ấy đâu cả, tôi đành lủi thủi quay ra, rồi thất thểu đi bộ đến trường.
Tôi đến trường muộn mất hai tiết học. Tiết học này lại đúng là tiết văn của thầy Khanh. Tôi đứng ở cửa lớp, lí nhí nói:
- Thưa thầy, em bị cướp mất sách nên đi muộn ạ.
Thầy chạy ra, thấy tôi quần ống thấp ống cao, mồ hôi nhễ nhại, thầy bảo:
- Em vào lớp đi. Cuối giờ thầy sẽ giải quyết.
Ngồi trong lớp nhưng đầu óc tôi chẳng tập trung được gì. Tôi lo lắm. Trong chiếc cặp cói có mấy quyển sách, một cái bút máy ông chú là hiệu trưởng cấp một ở xã cho tôi nhưng lo nhất là sách giáo khoa Quốc văn và Toán. Sách giáo khoa bố mẹ tôi mua lại sách cũ, chứ chẳng làm gì có tiền mua sách mới. Mất rồi không biết tính sao đây?
Hết giờ học, thầy Khanh bảo:
- Bây giờ thầy lai em về cầu Báng đòi lại sách.
Thế rồi thầy lai tôi về cầu Báng. Tôi áy náy lắm. Lẽ ra tôi phải lai thầy vì có lẽ tôi khỏe hơn thầy nhưng khổ nỗi là tôi lại không biết đi xe đạp.
Đến đúng lối rẽ vào ngõ ông say, thầy dừng lại. Thầy bảo rằng có bạn dạy với thầy ở trong xóm này. Thế là hai thầy trò hỏi thăm đến nhà thầy Linh, bạn thầy. Nhà thầy Linh ở mãi giữa làng. Thầy Linh niềm nở ra đón hai thầy trò. Bắt tay thầy Linh xong, thầy Khanh nói luôn mục đích đến đòi sách cho tôi. Thầy Linh vui vẻ nói: “Tôi biết rồi. Thằng Quắc xóm này chuyên say nhè và giật đồ của mọi người. Tôi dẫn thầy trò thầy đến đòi lại sách cho em”.
Nhà anh Quắc ở cuối làng. Thấy ba thầy trò tôi đến, anh Quắc (chắc đã tỉnh rượu) chắp tay lạy các thầy và chạy ngay vào nhà thu sách bỏ vào cặp trả tôi ngay.
Thầy Linh bảo:
- Lần sau anh không được bắt nạt các em nhé.
Anh Quắc dạ vâng rối rít.
Thế là tôi lại có sách, không lo nữa.
Tạm biệt thầy Linh, thầy Khanh lai tôi ra đường. Đến quán nước, thầy mua cho tôi một chiếc bánh, rồi bảo: “Em ăn đi cho đỡ đói. Cố gắng nhé”. Rồi thầy đạp xe về trường.
Tôi cảm động rơi nước mắt, đáp lí nhí: “Em cảm ơn thầy ạ”.
Thế rồi mấy tháng sau, tôi nghỉ học mấy ngày, tôi có ý định bỏ học vì nhà tôi nghèo quá, tôi muốn ở nhà phụ giúp bố mẹ (bố mẹ tôi không biết). Thầy Khanh đã đạp xe mười cây số về nhà tôi trong một chiều mưa gió. Thầy nói chuyện với bố mẹ tôi, bảo rằng tôi học khá, tặng tôi hai quyển sách, cây bút máy, rồi thầy ra về. Bố mẹ tôi, tôi và các em tôi cố giữ thầy ở lại ăn bữa cơm với gia đình nhưng thầy nhất quyết không ở lại. Cả nhà tôi cứ đứng nhìn mãi theo bóng thầy.
Thế rồi mùa xuân năm sau, tôi lên đường ra trận.
Ngôi trường cấp 3 thị xã Thái Bình năm 1963.
Sau hơn 10 năm quân ngũ tôi trở về và lao ngay vào với sự nghiệp, với học hành, công việc, với vợ con, với cơm áo gạo tiền và bao nhiêu những lo toan của một thời hòa bình gian khó. Bạn bè cùng học ngày xưa thì mỗi người một ngả. Chúng tôi nghe tin thầy Khanh sau chuyển vùng về quê Nghệ Tĩnh, rồi thầy cũng ra trận. Không biết bây giờ thầy có còn không? Nếu thầy còn thì không biết bây giờ cuộc sống của thầy ra sao?
60 năm trải qua suốt một thời đạn bom, suốt một thời hòa bình, biết bao nhiêu buồn vui, ngọt bùi cay đắng... bao nhiêu điều đã quên, bao nhiêu điều không giữ lại được... Nhưng tình thầy, tình bạn, tấm gương sáng trong của thầy thì lung linh, lung linh ngời sáng mãi trong tâm trí tôi, không bao giờ phai mờ.
Phạm Minh Giang
(Thành phố Thái Bình)
Tin cùng chuyên mục
- Đưa múa rối nước đến gần hơn với thế hệ trẻ 16.03.2025 | 09:59 AM
- Tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Học tập suốt đời” 13.03.2025 | 09:44 AM
- Thành phố: 133 giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi năm học 2024 - 2025 17.12.2024 | 16:12 PM
- Tiền Hải: Khánh thành nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tại xã Vân Trường 16.12.2024 | 17:56 PM
- Thành phố: Hơn 400 hộ dân được chi trả tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng 08.11.2024 | 16:16 PM
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố: Tổ chức chuyên đề thay sách giáo khoa mới lớp 9 11.10.2024 | 17:54 PM
- Hội thảo khoa học: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh 07.10.2024 | 17:12 PM
- Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 16.09.2024 | 17:13 PM
- Bắt giữ tàu khai thác cát trái phép trên sông Hóa 30.08.2024 | 15:32 PM
Xem tin theo ngày
-
Đặc sắc chương trình nghệ thuật kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và chào mừng hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình
- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm làm việc tại phường Phố Hiến
- Công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương, địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và kết thúc hoạt động cấp huyện
- Báo Thái Bình - Một hành trình với những mốc son lịch sử
- Thư tòa soạn
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ
- Khởi công dự án nhà máy đốt chất thải rắn phát điện công nghệ hiện đại tại xã Thụy Trình
- Khởi công dự án đầu tư xây dựng sân golf Cồn Vành và dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng hàng lỏng Ba Lạt
- Việt Nam nâng tầm vị thế tại Hội nghị quốc tế về biển và đại dương
- Hội thảo khoa học: Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo của Đảng và cách mạng Việt Nam