Thứ 3, 07/01/2025, 01:17[GMT+7]

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chủ nhật, 18/12/2022 | 20:52:20
7,222 lượt xem
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, văn hóa xã hội, khoa học, văn học, lịch sử... Nói đến ông, nhiều người luôn nhớ về một nhà quân sự đại tài.

Ngay sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, ở miền Nam, quân Pháp được quân Anh che chở, ngày 23/9/1945 chúng đã nổ súng xâm lược nước ta một lần nữa. Từ tháng 9/1945 - 6/1946, chúng lần lượt đánh chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Ở miền Bắc, được sự che chở của quân đồng minh, 20 vạn quân Tưởng kéo vào, đem theo bọn Việt gian phản động lưu vong như Việt Quốc, Việt Cách cùng bọn địa chủ cường hào, bọn đội lốt tôn giáo định lật đổ chính quyền cách mạng. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để ông toàn tâm toàn ý lãnh đạo lực lượng vũ trang chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp (Đại tướng đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ từ ngày 28/8/1945 đến ngày 2/3/1946).

Thế là từ ngày 2/3/1946 - 7/2/1980, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong 34 năm ấy, Đại tướng đã tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang Việt Nam từ những vũ khí thô sơ ban đầu với tầm vông, giáo mác, súng kíp, súng trường... theo lối đánh du kích để chống lại đội quân xâm lược nhà nghề với đầy đủ binh chủng: thủy, lục, không quân, đầy đủ vũ khí hiện đại: xe tăng, đại bác, máy bay, tàu chiến... Đội quân ấy dưới sự lãnh đạo tài tình của Đại tướng ngày một trưởng thành, lần lượt đánh thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ, giành lại độc lập, thống nhất nước nhà. Trong hai cuộc kháng chiến ấy, Đại tướng đã đánh bại 4 tướng của Pháp, 6 tướng của Mỹ, mấy chục tướng ngụy Sài Gòn.

Những chiến công của Đại tướng trong hai cuộc kháng chiến nhiều vô kể song chiến công tại Điện Biên Phủ có ý nghĩa quan trọng nhất, không chỉ với cách mạng Việt Nam mà còn cả với phong trào giải phóng dân tộc trên toàn cầu, đưa ông lên tầm các tướng lĩnh lừng danh thế giới.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được Pháp xây dựng vào cuối năm 1953 đến đầu năm 1954, trên thung lũng cánh đồng Mường Thanh bằng phẳng nhằm kiểm soát sự liên thông giữa cuộc kháng chiến của ta với Thượng Lào và nhử lực lượng chủ lực của quân đội ta lên để tiêu diệt. Nơi đây có khoảng 16.200 lính, được chia làm 3 phân khu sẵn sàng hỗ trợ nhau với đủ vũ khí hiện đại. Được bố phòng kiên cố như vậy, quân Pháp tin tưởng tuyệt đối không một sức mạnh nào của Việt Minh có thể tấn công được cứ điểm mạnh nhất Đông Dương này; ngược lại, Việt Minh đến đây sẽ bị nghiền nát. Các tướng lĩnh Pháp cho rằng, với vị trí ở miền Tây Bắc núi rừng hiểm trở, quân đội Việt Nam khó mà hành quân, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực lên mà đánh được. Song, chính vì vị trí chiến lược ấy mà Đảng ta hạ quyết tâm tiêu diệt để sớm kết thúc chiến tranh. Mục tiêu đó đã được Trung ương và Bộ Chỉ huy tối cao bàn bạc, quyết định.

Theo kế hoạch, chúng ta chủ trương đánh nhanh, thắng nhanh trong 3 ngày, 3 đêm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao toàn quyền chỉ huy chiến dịch. Trước khi đi, Bác Hồ dặn: “Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng, không được thua...”.

Ghi nhớ lời dạy của Bác, khi đến thực địa chiến trường, Đại tướng thấy tương quan hỏa lực, địa thế giữa ta và địch quá chênh lệch. Nếu đánh nhanh, thắng nhanh, bộ đội ta sẽ phải chạy trên đất bằng, vượt qua tầng tầng lớp lớp dây thép gai và bãi mìn xông vào lô cốt địch thì sẽ thương vong rất nhiều, khó mà tiếp cận được đồn địch. Bài học trận đánh cứ điểm Nà Sản cuối năm 1953 của hai sư đoàn 308 và 312 thất bại còn đó khiến Đại tướng không thể đánh theo chiến thuật “biển người” của các cố vấn Trung Quốc vận dụng từ chiến trường Triều Tiên về được. Lời dặn của Bác Hồ trước khi ra trận luôn văng vẳng bên tai. Vậy làm cách nào thắng địch? Để trả lời được câu hỏi này, Đại tướng đã nung nấu suy nghĩ suốt 11 ngày đêm về những cách công thành, diệt đồn giặc của cha ông và thế giới. Thế rồi, có lẽ chiến thuật đào địa đạo của Trần Nguyên Hãn xưa kia để độn thổ chui vào hạ thành Xương Giang của giặc Minh là một gợi ý? Cuối cùng, Đại tướng ra lệnh: Tất cả các đơn vị, binh chủng rút lui về vị trí xuất phát. Kế hoạch mới của Đại tướng là “chuyển từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc”. Theo đó, cho chiến sĩ đào hào vừa bao quanh vừa chia cắt cứ điểm Điện Biên Phủ như những cái thòng lọng, ngày càng siết dần để thắt cổ chúng.

Với chiến thuật này, cuộc chiến sẽ kéo dài nhưng ít thương vong và chắc thắng. Quyết định này, theo Đại tướng “là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tôi”. Bởi vì ông phải đấu tranh tư tưởng giữa chấp hành Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chỉ huy tối cao về đánh nhanh, thắng nhanh hay tự ý chuyển sang đánh chắc, tiến chắc để đỡ hy sinh xương máu cho bộ đội và chắc thắng. Và, với phương châm đó thì cách đánh như thế nào, xưa nay chưa có tiền lệ.

Với chiến thuật mới, bộ đội ta đã kiên trì, mưu trí, dũng cảm chiến đấu 56 ngày đêm (từ ngày 13/3 - 7/5/1954) “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” để cuối cùng tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng chỉ huy De Castries mà sự hy sinh xương máu ở mức thấp nhất.

Phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng còn lệnh cho năm chiến trường khác ở khắp Đông Dương đẩy mạnh hoạt động để căng địch ra, không cho chúng chi viện lẫn nhau, làm cho Điện Biên Phủ rơi vào thế thân cô, thế cô, ta dễ bề tiêu diệt.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng đế quốc Pháp mà còn là cả can thiệp Mỹ, buộc Pháp và Mỹ phải ngồi lại hội nghị Giơ-ne-vơ, ký kết hiệp định đình chiến, lập lại hòa bình và trao trả quyền độc lập cho 3 nước Đông Dương, dựng lên mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh của các dân tộc thuộc địa, làm chấn động địa cầu, tác động mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Chiến thắng này là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ và nỗ lực của toàn quân, toàn dân ta, trong đó có đóng góp quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đánh bại hai đế quốc Pháp và Mỹ, tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lừng danh khắp thế giới. Những chiến công của Đại tướng khiến các tướng lĩnh, nhà nghiên cứu quân sự phương Tây đều thán phục. Tướng De Castries, tổng chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khi được phỏng vấn đã nói: “Tôi lấy làm hạnh phúc được là bại tướng của tướng Võ Nguyên Giáp”. Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil B. Currey thì viết: “Ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà còn là một trong những vị tướng tài năng nhất về chiến tranh nhân dân và là một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại...”.

Vũ Duy Yên
(Kiến Xương)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày