Thứ 6, 19/04/2024, 08:32[GMT+7]

Chuyện người “tảo địa”

Thứ 6, 03/03/2023 | 16:38:01
327 lượt xem
“Năm 1969, tôi đi cùng hai ông bố lên tận Ba Vì nơi đơn vị anh Vươn đóng quân xin thủ trưởng đơn vị cho anh về phép để chúng tôi làm lễ cưới. Anh nắm tay tôi mà nước mắt cứ ứa ra. Không được đâu! Chậm mất rồi em ơi! Đơn vị anh vừa nhận lệnh chiều ngày mai hành quân vào miền Nam chiến đấu. Hết giặc rồi anh sẽ trở về, chúng mình làm đám cưới. Em ở nhà đợi anh nhé. Nhớ chịu khó qua lại hai bên nhà chăm sóc bố mẹ và các em nhé... Đó là lần cuối cùng của cuộc đời anh nắm tay tôi, sau giây phút ấy anh đi mãi không về. Tôi vào chùa “tảo địa” để xua đi phiền muộn, cho tâm tịnh độ chú ạ” - bà Nguyễn Thị Nết đã trải lòng với tôi chuyện của riêng mình trong ngày đầu xuân này.

Thêm lần chứng kiến nước mắt chị rơi

Sáng nay, tiết xuân vẫn đang gieo trên những mầm cây, lúa xuân mới cấy gặp tiết xuân ấm bén rễ mơn mởn trải xanh khắp đồng làng. Tôi rảo bước chân vãng thăm chùa Phúc Khánh, xã An Cầu (Quỳnh Phụ). Tọa lạc trên khu đất đẹp đầy sinh khí, dẫu không bề thế nguy nga như nhiều ngôi chùa tôi từng đến vãn thăm và dâng hương nhưng chùa Phúc Khánh căn cơ và sạch đẹp. Chị Nguyễn Thị Nết - người phụ nữ mà tôi tìm gặp với bộ quần áo nâu sồng, đầu vấn khăn nâu đang mải mê quét lá sân chùa... Nhận ra tôi là người trong nhóm thiện nguyện Câu lạc bộ Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh đã về cùng chị và gia đình tiễn đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Đình Vươn chồng chưa cưới của chị về nơi an nghỉ cuối cùng ở cụm nghĩa trang liệt sĩ xã An Đồng (Quỳnh Phụ), chị Nết dừng tay chổi: Nam mô a di di đà phật. Xin chào chú! Chú về thăm cảnh chùa quê tôi ư? Tôi gật đầu: Em về thăm cảnh chùa và thăm sức khỏe chị.

Ngồi trên tấm ghế đá trước sân chùa. Gió xuân nhẹ thổi, mưa xuân bay bay buông mành khắp cảnh chùa. Không khí buổi sớm mai chùa Phúc Khánh lành lạnh. Từng đàn chim ríu rít chuyền cành phá tan không gian tĩnh lặng, nơi cuối sân những chiếc lá vàng vương vương cuốn theo gió ra phía cánh đồng. Chị Nết ngồi lặng lẽ một hồi lâu rồi chậm rãi kể lại mối tình của chị và anh Vươn trước ngày anh lên đường nhập ngũ.

Anh Nguyễn Đình Vươn, người cùng làng và kém chị Nết hai tuổi. Ngày ấy chiến tranh khốc liệt ở cả hai miền nên trai gái hơn nhau một vài tuổi nên vợ nên chồng là chuyện thường tình ở làng, ở xã. Bố đẻ anh Vươn và bố đẻ chị Nết là bạn du kích thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Dù chị Nết hơn tuổi anh Vươn nhưng hai ông bố và hai bên gia đình vun vén để hai người thành đôi. Chị Nết chậm rãi: Sau lễ ăn hỏi, đêm trước ngày anh Vươn lên đường, hai người đã ngồi bên nhau cạnh con đường sát với Đồng Cửa, thôn Trung Châu. Anh Vươn nắm tay chị nói: “Anh đi bộ đội! Em đừng lo nghĩ gì nhé. Anh đi rồi anh sẽ về với em. Em ở nhà năng đi lại chăm sóc sức khỏe bố mẹ và các em thay cho anh nhé”. Những lời anh Vươn nói với chị có vậy thôi mà nước mắt chị đã lặng lẽ rơi hơn một nửa thế kỷ nay rồi. Chị Nết kể, đầu năm 1969, chị đi cùng hai ông bố lên tận Ba Vì thăm nơi anh đóng quân, thăm anh và xin thủ trưởng đơn vị cho anh về phép để làm lễ cưới. Lại thêm một lần nữa anh chỉ được nắm tay chị với lý do “Chậm mất rồi, không được rồi, đơn vị của anh đã nhận lệnh vào miền Nam chiến đấu”. Và đó là lần chị Nết được nắm tay anh Vươn cuối cùng sau đó chị mất anh mãi mãi. Anh Vươn vào chiến trường miền Nam chưa đầy một tháng thì hy sinh ngày 21/1/1969. Đồng đội đã đưa anh về nằm tại nghĩa trang xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Chị Nết ngậm ngùi: “Đau đớn lắm chú ạ. Bây giờ tôi chọn việc quét chùa để mỗi ngày nơi cửa Phật tôi cầu cho linh hồn anh Vươn siêu sinh tịnh độ, cho thân, tâm, trí tôi bình an chú ạ”. Tôi thêm một lần chứng kiến nước mắt chị Nết rơi.

Bà Nguyễn Thị Nết trải lòng về kỷ niệm với người chồng chưa cưới - liệt sĩ Nguyễn Đình Vươn.

Trọn lời hứa một đời thủy chung

Anh Nguyễn Đình Vươn vào chiến trường miền Nam và hy sinh ngày 21/1/1969, đến năm 1970 thì gia đình nhận giấy báo tử. Chị Nết năm đó 21 tuổi. Chị sang xin phép bố mẹ anh Vươn được vấn khăn thờ anh và tự niệm với lòng mình thay anh chăm sóc bố mẹ và các em, tự niệm với lòng mình thủ tiết thờ chồng chưa cưới. Thời ấy ở làng những người con gái tuổi đôi mươi như chị Nết thủ tiết như chị ít lắm. Ngày ấy cũng có người đi bộ đội về, có người khám sức khỏe thiếu cân không phải đi bộ đội, có người làm công nhân, có người ở tận xã bên đã nhờ người đánh tiếng đến chị muốn chị mở lòng thương yêu. Nhưng chị đã từ chối tất cả với câu trả lời: “Em đã có chồng, chồng em đang đi xa”. Chị lao vào công việc ruộng đồng, lao vào công việc của đoàn thanh niên, vào những ngày mưa rét chân ngập trong bèo hoa dâu. Chị làm để quên đi đau thương, chị làm để tuổi xuân qua thật nhanh, thật nhanh. Đến năm 2000 chị Nết 53 tuổi, tóc đã bạc, da đã mồi, chị rời chức danh Chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Cầu để nghỉ hưu. Một năm sau, chị chọn cho mình công việc “tảo địa” - quét dọn sân chùa Phúc Khánh.

Chị Nết tâm sự, từ ngày ra quét sân chùa chị học được nhiều điều hay lẽ phải. Đại đức Thích Tâm Đạo chủ trì chùa Phúc Khánh giảng giải cho chị chữ “tảo địa” là chữ của nhà chùa, còn quét rác như chị là việc của chúng sinh. “Tảo địa” là việc làm trong sinh hoạt hàng ngày, mọi người đều hiểu, mỗi nhà đều làm. Nhưng việc “tảo địa” nhà Phật có nguồn gốc đặc biệt để giúp chị xa được căn trần, tâm được sạch sẽ và tịnh độ.

Chị Nết giảng giải thêm cho tôi, chị nguyện ra nơi cửa Phật làm “tảo địa” để tự tâm thanh tịnh. Và sau khi quét chùa, người khác thấy chùa chiền sạch sẽ thì tâm họ cũng được thanh tịnh. Chị nói đó là “linh thanh tâm tịnh”, người quét đất chùa như chị để chùa sáng đẹp, sạch sẽ thì điều phúc được thân mình cũng như gieo trồng phúc nghiệp được đoan chính, đời sau sẽ được thụ hưởng đức nghiệp đẹp đẽ. Và với chị Nết, những năm tháng của tuổi xế chiều chị nương nguyện nơi cửa Phật còn là mỗi ngày chị dành riêng tụng niệm cho cuộc đời của chị, cho vong linh chồng chưa cưới - liệt sĩ Nguyễn Đình Vươn đã an yên vĩnh hằng tại cụm nghĩa trang liệt sĩ xã An Đồng. “Tôi muốn vong linh anh Vươn siêu thoát và hẹn anh ở kiếp sau, khi ấy chắc sẽ không có chiến tranh, không còn những cuộc chia ly, người đi đi mãi không về, người chờ trong buồn đau vô vọng” - chị Nết đã gieo vào trái tim tôi lòng từ bi tâm đức như vậy. Tôi nhìn nơi khóe mắt chị một dòng lệ lăn dài, chị lặng người nhìn ra phía cánh đồng trước sân chùa và quay qua phía tôi. Thật bất ngờ chị buông câu hỏi: Chú ơi! Sau chiến tranh chú có biết, bao nhiêu người phụ nữ cùng chịu cảnh chưa một ngày làm vợ, cả một đời làm dâu như tôi không? Tôi lặng người khi nghe chị Nết hỏi như vậy; phải một lúc lâu tôi mới có thể an ủi chị: Cả nước thì em không biết! Còn ở quê hương Thái Bình, những người phụ nữ cùng cảnh ngộ như chị có cả gần nghìn người đấy. Trên 200 chị mới được yêu mà chưa nhận nụ hôn đầu và mãi không bao giờ được nhận nụ hôn nồng thắm. 791 phụ nữ chưa đầy tuần bên chồng và chưa có được đứa con đã mãi không được đón chồng trở về xây tổ ấm. Và kết thúc chiến tranh, cả nghìn phụ nữ được đón chồng trở về tiếp tục chấp nhận thảm họa đau thương khi chồng và những đứa con bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin, là những lần trở dạ với những quái thai, dị dạng. Cả nghìn chị em đau đáu chờ tin người yêu trở về, để rồi chấp nhận cho đến hôm nay gần nửa thế kỷ non sông về một mối, dù tuổi đã ngoài 70 mà vẫn mãi là “con gái” đó thôi. Đó là cái giá phải trả sau chiến tranh. Có chị sau cuộc chiến chấp nhận xuống tóc, nương náu phận đời còn lại dưới bóng Phật. Có người chấp nhận đơn thân con gái cả cuộc đời.

Nghe tôi nói vậy, chị Nết ngồi lặng trong dòng nước mắt rơi. Chút sau nữa chị chỉ tay ra hướng cánh đồng nói vui vẻ: Chú à, phải mấy năm nay mới lại có tiết xuân đẹp thế. Trước và sau tết thời tiết thuận hòa, nhân dân đón xuân hoan hỷ và rất vui. Sau tết, tiết xuân ấm, nông dân vào vụ cấy thuận lợi. Đây đó mở lễ hội tưng bừng xuân đẹp quá chú ạ.
Chị Nết giục tôi vào dâng hương cửa Phật và vãn cảnh chùa! Chị nói rồi lặng lẽ đứng dậy tay cầm cây chổi đi về phía góc sân chùa. Tiếng chổi chao nhè nhẹ từng đám lá khô lại được vun dày. Sân chùa Phúc Khánh rộng thênh thang, tôi nhìn theo bước chân chị Nết, triệu triệu hạt mưa xuân ken dày theo gió nhẹ cứ cuốn theo nhịp bước chân của chị...

Tháng 2 năm 2023

Nhật Minh 
Thành phố Thái Bình