Chuyện về vị Trưởng ban tổ chức ngày lễ Độc lập
Ông Nguyễn Hữu Đang (người bên trái) và Giáo sư Trần Văn Giàu, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Nam Bộ (1995). Ảnh tư liệu
Theo Từ điển Thái Bình: “Nguyễn Hữu Đang (1913 - 2007). Nhà hoạt động văn hóa - xã hội nhiệt thành, quê làng Trà Vi, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương. Năm 1929 tham gia Học sinh hội của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội tỉnh Thái Bình. Cuối 1930 bị bắt giam tại nhà lao thị xã Thái Bình. Mùa hè 1931, bị đưa ra Tòa án Thái Bình xét xử cùng với các đồng chí cách mạng khác. Vì chưa đến tuổi thành niên nên chỉ bị xử phạt quản thúc tại sinh quán. Từ năm 1932 - 1936 ông học Trường Sư phạm Hà Nội. Từ năm 1937 - 1939 tham gia Mặt trận Dân chủ Đông Dương, biên tập các báo Thời báo, Ngày mới của Mặt trận và các báo Tin tức, Đời nay của Đảng cộng sản. Từ năm 1938 - 1945 hoạt động tích cực trong phong trào chống nạn thất học, tham gia lãnh đạo Hội truyền bá quốc ngữ cùng với cụ Nguyễn Văn Tố, là ủy viên Ban Trị sự Trung ương, Huấn luyện viên Trung ương, Trưởng ban Dạy học, Trưởng ban Cổ động, Phó Trưởng ban Liên lạc các chi nhánh tỉnh. Năm 1943, ông vào Đảng cộng sản Đông Dương. Tháng 8/1945, tại Đại hội đại biểu quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập ở Tân Trào (Tuyên Quang), ông được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được Hồ Chủ tịch và Tổng Bí thư Trường Chinh tin cậy giao làm Trưởng ban tổ chức ngày lễ Độc lập (2/9/1945) tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Trong Chính phủ lâm thời, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, rồi Thứ trưởng Bộ Thanh niên. Từ năm 1946 - 1954, tham gia sáng lập và lãnh đạo Hội Văn hóa cứu quốc; Trưởng ban Tuyên truyền xung phong Trung ương của Tổng bộ Việt Minh; Trưởng ban Thanh tra bình dân học vụ...”.
Ông Nguyễn Hữu Đang qua đời ngày 8/2/2007 tại Hà Nội. Báo Người lao động số ra ngày 25/2/2007 đã đăng bài “Vĩnh biệt vị Trưởng ban tổ chức ngày lễ Độc lập” của nhà sử học Dương Trung Quốc, trong đó có lời nhận định: “Ông là người hoạt động cách mạng, nhà báo, nhà truyền bá quốc ngữ nổi tiếng…” và cho biết, trong lễ tang của Nguyễn Hữu Đang có ông Nguyễn Đình Hương (Mười Hương) nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương đã có mặt suốt từ đầu cho đến khi ra đài hóa thân hoàn vũ.
Ông Mười Hương đã xúc động, nghẹn ngào nói: “Cứ mỗi lần nhìn tấm ảnh lễ đài Độc lập dựng ở giữa Quảng trường Ba Đình, nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, tôi lại thương anh Đang…”. Tác giả bài báo viết: “Cụ Mười Hương kể lại rằng, ngay sau khi Thường vụ Trung ương họp để thông qua văn bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác trực tiếp soạn thảo và quyết định sẽ chọn ngày công bố vào chủ nhật, 2/9/1945, Tổng Bí thư Trường Chinh đã gặp cụ để trao đổi về việc làm sao có thể kịp tổ chức đúng thời điểm Tuyên ngôn độc lập mà chính Bác Hồ đã ấn định, vì không thể chậm hơn trong cuộc chạy đua thời gian với những diễn biến của thời cuộc. Là người hoạt động trong giới trí thức và thanh niên ở Hà Nội, chính cụ Mười Hương là người gợi ý giao việc này cho Nguyễn Hữu Đang, lúc đó là thủ lĩnh của hai phong trào đang có ảnh hưởng trong quần chúng và trí thức là truyền bá quốc ngữ và văn hóa cứu quốc. Tổng Bí thư Trường Chinh thì biết quá rõ Nguyễn Hữu Đang… Vì thế mà đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Nguyễn Hữu Đang lo liệu công tác tổ chức ngày lễ Độc lập...”.
Trong bài viết “Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng lễ đài Tuyên ngôn Độc lập” đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 26/2/2007, nhà văn Phùng Quán, người được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đã công bố ba bức thư của Ban Tổ chức “Ngày Độc lập” thuộc Bộ Thông tin và Tuyên truyền mang tiêu đề “Việt Nam dân chủ cộng hòa” gửi Thị trưởng Hà Nội về việc tổ chức ngày Độc lập, đề ngày 31/8/1945, ký tên Nguyễn Hữu Đang. Theo nhà văn Phùng Quán: “Đây là bản chính được đánh máy bằng giấy than đen trên giấy trắng, khổ rộng 130mm x 210mm, đóng dấu tròn với dòng chữ “NGÀY ĐỘC LẬP” và C.P.C.H.D.C. vòng quanh con dấu, một ngôi sao năm cánh ở giữa, nổi lên dòng chữ BAN TỔ CHỨC”. Ba lá thư này bao gồm các nội dung:
“Bộ Tuyên truyền của Chính phủ Lâm thời sẽ tổ chức ngày 2/9/1945 một “Ngày Độc lập”. Muốn cho ngày ấy có một tính cách thiêng liêng, Ban tổ chức chúng tôi yêu cầu Ngài hạ lệnh cho các chùa chiền, nhà thờ cho mở cửa, quét tước sạch sẽ và đốt trầm hương suốt ngày hôm ấy để mừng Ngày Độc lập”.
“Nhân “Ngày Độc lập”, chúng tôi yêu cầu Ngài cho treo cờ ở vườn hoa Ba Đình và hai bên những phố lân cận. Còn về lễ chào Quốc kỳ, chúng tôi nhờ Ngài cho sửa soạn cho chúng tôi một chiếc cột cao 12 thước tây đủ cả giây và bánh xe (poulie); sẽ có chỉ thị về chỗ dựng cột cho phu tòa Thị chính”.
“Muốn cho Ngày Độc lập tổ chức vào ngày 2/9/1945 tới đây được hoàn hảo, chúng tôi yêu cầu Ngài thông báo ngay cho các Phố trưởng để các ông ấy báo tin cho các nhà trong khu vực mình biết rằng Cụ nào trong nam giới hay nữ giới muốn đi dự lễ ấy sẽ đến họp ở Hội quán Khai trí hồi 13 giờ trước khi đi lên vườn hoa sau Sở tài chính”.
Cũng trong bài viết này, nhà văn Phùng Quán đã thuật lại lời kể của ông Nguyễn Hữu Đang: “Tôi còn nhớ như in ngày hôm đó là ngày 28/8… Tại sao tôi nhớ, vì đó là thời khắc lịch sử phải được tính từng phút một… Năm đó tôi bước vào tuổi băm ba. Chính phủ cách mạng lâm thời họp tại Bắc Bộ phủ, để quyết định ngày lễ ra mắt quốc dân đồng bào… Hôm đó, tôi có việc cần phải giải quyết gấp, nên đến nơi thì phiên họp vừa giải tán. Vừa bước lên mấy bậc thềm thì thấy cụ Nguyễn Văn Tố từ trong phòng họp đi ra. Cụ mừng rỡ chụp lấy tay tôi, nói: “Anh vào ngay đi, Cụ Hồ đang đợi anh trong đó”. Tôi theo cụ Tố vào phòng họp. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp mặt ông Cụ.
Ông Cụ ngồi ở ghế tựa, mặc bộ quần áo chàm, tay chống lên ba toong. Cụ Tố kéo tôi lại trước mặt Cụ, giới thiệu: “Thưa Cụ, đây là ông Nguyễn Hữu Đang, người mà phiên họp quyết định cử làm Trưởng ban Tổ chức ngày lễ”. Cụ Hồ nhìn tôi một lúc với cặp mắt rất sáng, cặp mắt mà về sau này nhân dân cả nước đồn rằng có bốn con ngươi - như muốn cân nhắc, đánh giá người mà Cụ quyết định giao trọng trách.
Cụ hỏi tôi với giọng Nghệ pha, rất giống giọng cụ Phan Bội Châu mà có lần tôi đã được nghe: “Chính phủ lâm thời quyết định làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày mồng hai tháng chín. Chú có đảm đương được việc tổ chức buổi lễ không?”. Tôi tính rất nhanh trong đầu: Tháng 8 có 31 ngày, như vậy là chỉ còn 4 ngày nữa thôi... Tôi suy nghĩ cân nhắc trong từng phút. Hình dung ra tất cả những khó khăn như núi mà tôi phải vượt qua... để tổ chức được một ngày đại lễ như vậy, trong khi mình chỉ có hai bàn tay trắng. Tôi nói với Cụ Hồ: “Thưa Cụ, việc cụ giao là quá khó vì gấp quá rồi”. Cụ Hồ nói ngay: “Có khó thì mới giao cho chú chứ!”. “Như chú biết đấy… tôi là một nhà tuyên truyền, động viên thiên hạ chuyên nghiệp. Thế mà lần này tôi lại bị ông Cụ động viên một cách tài tình, bằng một lời thật ngắn gọn, giản dị! Nghe ông Cụ nói vậy lúc đó tôi thấy trong con người mình bừng bừng khí thế, muốn lập nên được những kì tích, những chiến công thật vang dội... Tôi nói với ông Cụ: “Thưa Cụ, Cụ đã nói như vậy con xin nhận nhiệm vụ. Con xin hứa sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành trọng trách”. Cụ Hồ đứng lên, bắt tay tôi, dáng bộ, gương mặt nom rất vui vẻ, bằng lòng: “Thế thì chú trở về bắt tay ngay vào việc đi. Đến sáng ngày kia, chú đến đây báo cáo với tôi công việc được tiến hành như thế nào”.
Tôi chào Cụ ra về lòng rạo rực lâng lâng... Nhưng khi vừa bước xuống hết những bậc thềm rộng thênh thang của Bắc Bộ phủ, tôi chợt nghĩ ra một điều. Tôi liền quay trở lại phòng họp. Cụ Hồ vẫn còn đứng đó. Cụ hỏi ngay: “Chú còn cần gì nữa?”. “Thưa Cụ, để hoàn thành trọng trách, xin Cụ trao cho con một quyền...”. “Quyền gì, chú cứ nói đi!”. “Thưa Cụ, quyền được huy động tất cả những gì cần thiết cho buổi lễ, về người cũng như về của...”. “Được, tôi trao cho chú cái quyền đó. Nếu ai hỏi huy động theo lệnh của ai, cho phép chú được trả lời: Theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh!”.
Tiếp theo, nhà văn Phùng Quán đã viết về việc ông Nguyễn Hữu Đang triển khai công việc được Bác giao. Bắt đầu là việc soạn thảo một thông cáo ngắn gọn gửi đăng trên các báo hàng ngày: “Ngày 2 tháng 9 năm 1945. Chính phủ cách mạng lâm thời sẽ làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào, tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình. Đồng bào nào có nhiệt tâm, muốn đóng góp sức, góp của vào việc tổ chức ngày lễ lịch sử trọng đại này, xin mời đến Hội quán Trí Tri phố Hàng Quạt gặp Ban tổ chức”. “Sáng hôm sau, đồng bào tập hợp trong ngoài chật kín Hội quán. Người ghi tên vào các công tác, người góp tiền, góp vàng, góp vải vóc, gỗ ván... Tôi mời mọi người dự cuộc họp chớp nhoáng và đưa ra ý kiến: Việc cần thiết trước tiên là phải dựng một lễ đài Độc lập thật đẹp, thật lớn, thật uy nghi, xứng đáng với ngày lịch sử trọng đại này, tại trung tâm vườn hoa Ba Đình để Chính phủ cách mạng lâm thời đứng lên ra mắt. Vậy đồng bào nào hiện có mặt tại đây có thể đảm nhiệm trọng trách đó?”.
Họa sĩ Lê Văn Đệ xung phong và hứa đến buổi chiều sẽ mang bản vẽ đến trình nhưng ngay lúc đó kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh cũng xung phong và đã mang sẵn bản vẽ đến. Ông Đang kể lại: “Sau khi nghe anh Quỳnh thuyết trình, tôi xem xét, cân nhắc rồi đặt bút ký duyệt bản thiết kế, đóng dấu Ban tổ chức. Tôi nói với anh Lê Văn Đệ và anh Ngô Huy Quỳnh: “Ban tổ chức quyết định giao việc này cho hai anh... Lễ đài phải được dựng xong trong vòng 48 giờ đồng hồ. Đúng 5 giờ sáng ngày mồng 2 tháng 9, tôi sẽ đến nghiệm thu. Chúc các anh hoàn thành nhiệm vụ”.
Sáng ngày 31 tháng 8, tôi đến Bắc Bộ phủ gặp Cụ Hồ như Cụ đã chỉ thị. Sau khi nghe tôi báo cáo ngắn gọn, đầy đủ về tất cả mọi việc có liên quan tới ngày lễ, Cụ nói giọng hết sức nghiêm trang: “Chú phải nhớ ngày mồng hai tháng Chín tới sẽ là một ngày lịch sử. Đó là ngày khép lại cuộc Cách mạng Tháng Tám và ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)
Tin cùng chuyên mục
- Đưa múa rối nước đến gần hơn với thế hệ trẻ 16.03.2025 | 09:59 AM
- Tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Học tập suốt đời” 13.03.2025 | 09:44 AM
- Thành phố: 133 giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi năm học 2024 - 2025 17.12.2024 | 16:12 PM
- Tiền Hải: Khánh thành nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tại xã Vân Trường 16.12.2024 | 17:56 PM
- Thành phố: Hơn 400 hộ dân được chi trả tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng 08.11.2024 | 16:16 PM
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố: Tổ chức chuyên đề thay sách giáo khoa mới lớp 9 11.10.2024 | 17:54 PM
- Hội thảo khoa học: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh 07.10.2024 | 17:12 PM
- Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 16.09.2024 | 17:13 PM
- Bắt giữ tàu khai thác cát trái phép trên sông Hóa 30.08.2024 | 15:32 PM
Xem tin theo ngày
-
Lãnh đạo 2 tỉnh Trà Vinh - Thái Bình dâng hương, dâng hoa tưởng niệm tại Đền thờ Bác Hồ, Nghĩa trang liệt sĩ và Bia chiến thắng tỉnh Trà Vinh
- Họp mặt giao lưu Trà Vinh - Thái Bình “Thủy chung son sắt - thắm đượm nghĩa tình”
- Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Vũ Thư
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy thăm, chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Quỳnh Phụ
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Kiến Xương
- Ra quân tuần tra kiểm soát vũ trang, phòng chống tội phạm
- Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất của HĐND tỉnh: Ban hành 2 Nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh
- Quyết liệt xử lý các tồn tại để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án, công trình chậm tiến độ
- Thống nhất chủ trương tiếp nhận Dự án Nhà máy sản xuất ô tô GEL-O&J tại khu công nghiệp Hưng Phú, huyện Tiền Hải