Chủ nhật, 01/09/2024, 08:25[GMT+7]

Quy định về khao vọng và lệ lão trong hương ước xưa

Thứ 2, 19/08/2024 | 08:35:41
1,458 lượt xem
Dưới chế độ cũ, để có vị thứ trong hàng chức sắc ở làng thì phải khao vọng theo lệ làng quy định. Hình thức phổ biến được quy định trong hương ước về lệ khao làng là khi được bầu, được bổ chức tước hoặc thi đỗ có văn bằng và vọng lão theo quy định của làng. Theo thuyết chính danh thì “danh chính ngôn thuận” nhưng “vô vọng bất thành danh” (không khao vọng thì làng không công nhận).

Đám rước phẩm hàm của một chức sắc về khao làng từ trong phủ Kiến Xương, nay thuộc xã Vũ Quý (Kiến Xương). Ảnh tư liệu

Hương ước làng Tử Tế (Kiến Xương) quy định nộp lệ khao thành bốn hạng:

Hạng nhất gồm những người có bằng sắc của nhà nước bổ dụng hoặc được ban thưởng theo phẩm trật, nộp 20 đồng. Hạng nhì là có bằng sắc của tỉnh, nộp 10 đồng.  Hạng ba là có bằng sắc của phủ, nộp 5 đồng.  Hạng tư là những chức sắc do làng bầu, nộp 3 đồng.

Các cụ lão từ 60 tuổi trở lên làng cũng biếu ruộng. Sự biếu ruộng chia thành ba hạng:

Hạng nhất là các cụ có khoa mục, có quan hàm, có đủ lệ ngạch và đã nộp lệ thì biếu hai sào.

Hạng nhì là các cụ có chân kỳ mục và đã nộp lệ thì làng biếu một sào rưỡi. Hạng ba là các cụ thường thì biếu một sào. Tục biếu ruộng này không cố định, nếu sau này người nhiều ra mà ruộng ít đi thì phải châm chước lại.

Cụ nào đến 60 tuổi thì làng biếu áo vải trúc bâu, 70 tuổi thì biếu áo là, 80 tuổi thì biếu áo lương, 90 tuổi thì biếu mũ, áo vóc, 100 tuổi thì biếu áo gấm, mũ gấm, còn cụ nào thọ thêm nữa cứ mỗi năm biếu 5 đồng.

Mỗi năm cứ đến ngày mồng mười tháng giêng là ngày tế kỳ an, cụ nào được đến tuần thì rước các cụ ra đình lễ thần rồi lĩnh áo.

Mục khao vọng vị thứ trong hương ước làng Phụng Thượng (Kiến Xương) quy định:

Vọng vị thứ hạng nhất, người nào đỗ tú tài trở lên, thăng hàm chức, sắc tòng cửu phẩm trở lên đã khao cả dân rồi thời chước tiền vọng, viên nào chưa khao phải chiết nộp lệ khao cho dân 50 đồng, phỏng viên nào gia tư thanh đạm dân chước lượng lấy 30 đồng. Người nào lên ngôi hương bá theo bằng hàng chức sắc phải chiết nộp lệ khao dân 50 đồng.

Vọng vị thứ hạng nhì, người nào thi trúng nhất nhị trường, thông ngôn, thơ lại, chánh lý trưởng, đội trưởng chiết nạp lệ khao 6 đồng, hương hào 6 đồng, phó hội, thủ quỹ, thư ký hộ tịch, ai đã bầu xã chánh chiết nạp lệ khao 6 đồng, ai mới bầu xã nhiêu ngôi thứ lên hạng nhì nạp 10 đồng, chưa có vị thứ hạng tư nạp cho dân 30 đồng.

Vọng vị thứ hạng ba, người nào bầu lên xã chánh và người có tốt nghiệp văn bằng, người xã đoàn hay là trương tuần mãn lệ đã bầu xã nhiêu rồi nộp lệ khao 2 đồng bằng vị xã chánh.

Vọng vị thứ hạng tư, người nào mới bầu xã nhiêu nạp khao 1 đồng. Người nào đỗ khóa sinh, tuyển sinh, người binh lính mãn lệ khao 3 đồng.

Những vị thứ trên khi ra chốn công sở hội họp chiểu theo vị thứ mà ngồi cho có trật tự không được tiếm việt. Nếu những người có vị thứ nói trên mà không nộp lệ khao là “vô vọng bất thành danh” thời dân không định phần biếu.

Hương ước làng Phụng Thượng quy định về lệ lão:

Phàm những người trong làng tuổi đã đến lão, theo như lệ vọng lão thì dân cũng nghị một khoản kính lão để kính tuổi. Ông lão trong hạng đến 50 tuổi trở lên được trừ tạp dịch trong làng. Đến 60 tuổi đã có lệ vọng. Quan viên hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, hạng tư mỗi viên 4 đồng. Nhiêu phu tráng hạng 2 đồng. Thời làng cắt mỗi giáp một ông quan viên rước lễ đến nhà mừng lão. Lễ mừng lão hạng xã nhiêu trở lên một bánh pháo, 30 quả cau. Hạng nhiêu phu trở xuống một bánh pháo, 10 quả cau. Đến 70 tuổi đồng dân hội tề huynh thứ dân đinh rước lễ một câu đối, một phong pháo, 30 quả cau đến nhà mừng thọ. Đến 80 tuổi đồng dân hội tề huynh thứ dân đinh rước lễ một câu đối vóc, một phong pháo, 50 quả cau đến nhà mừng thọ. Đến 90 tuổi dân mừng một câu đối vóc, 3 đồng, một bánh pháo, 100 quả cau, tập hợp từ kỳ lý dân đinh đến nhà mừng thọ. Trăm tuổi thời dân định cắt mỗi giáp một người quan viên đến ngày mồng hai tết đưa lễ đến nhà mừng trước, lễ ước 5 hào. Đến ngày mừng lão thời dân biện lễ 5 đồng, một câu đối thêu, một bánh pháo, một buồng cau đồng dân tận suất đến nhà bái tuế. Lão bà đến 80 dân có lễ mừng, lão bà xã nhiêu trở lên một bánh pháo, 30 quả cau, lão bà nhiêu phu trở xuống một bánh pháo, 10 quả cau tùy nghi cắt cử quan viên đến nhà mừng thọ. Lão bà 90 tuổi theo lệ mừng lão ông 80 tuổi. Lão bà 100 tuổi theo lệ mừng lão ông 90 tuổi.

Làng Phú Mỹ (Kiến Xương) quy định lệ khao vọng:

Tiền khao vọng để thay tiệc khoản đãi khi xưa đặt. Nay khao vọng bằng tiệc ăn uống thời phiền bận, tổn phí số tài sản của người làng mà dân làng cùng tổn thiệt về khoản tiền mừng đám, thế sự tiệc ăn uống chẳng qua một lúc cũng không bổ ích gì. Vậy nay đặt tiền khao vọng thu vào tiệc đãi ăn uống ấy để lấy tiền làm việc công ích cho dân khỏi phải bổ đóng nặng thời hơn. Vậy trong làng ai có thi đỗ hay thăng thưởng phẩm hàm hoặc làm tổng lý chức dịch gì thì phải tường hương lý chiểu nộp số tiền theo lệ:

- Thi đỗ cao đẳng hay thăng thưởng thất phẩm, chánh phó quản trở lên thì nộp lệ khao 40 đồng.

- Thi đỗ trung đẳng hay thừa phái, bát cửu phẩm hoặc làm chánh phó tổng, suất đội nộp 30 đồng.

- Làm lý trưởng, chánh hội, giáo học, đội trưởng nạp 20 đồng.

- Làm phó hội, phó lý hay mua hương bá ở làng nộp 15 đồng.

- Làm thủ quỹ, thư ký, chưởng bạ, hộ lại, đỗ sơ học yếu lược, mãn khóa binh nộp 10 đồng.

Ai khao vọng rồi hương hội sẽ chiểu phẩm trật kê vào sổ vị thứ. Ai không khao vọng dẫu làm lên mặc lòng, trong sổ vị thứ trước đâu nguyên đấy”.

Việc khao vọng trong hương ước làng Hạ Liệt (Thái Thụy) quy định:

1- Những người có phẩm hàm thì nộp lễ vọng trâu bò hoặc lợn phải tường với hương lý cho mõ đi rao dân làng ra lễ yết thần rồi hội họp tiêu biếu.

2- Những người làm lý trưởng, phó lý, thư ký, thủ bạ, chưởng bạ hoặc đi lính khố xanh, khố đỏ mà trước là tráng hạng thì phải nộp lễ vọng xôi, trầu, rượu, phải tường hương lý và đệ lễ yết thần.

3- Những người làm xã đoàn hoặc thi đỗ từ bằng sơ học yếu lược trở lên thì phải nộp lễ vọng lợn, xôi và trầu rượu cũng phải tường hương lý và đệ lễ yết thần.

4- Những người phải nộp các lễ vọng thì đều phải tuân lệ mà nộp, trừ ra khi nào dân có việc công tiêu mà hội họp trích lấy tiền thì phải nộp ngay, nếu ai không duyên cớ gì mà không chịu nộp hay là chưa nộp thì không được hưởng quyền lợi vị thứ như người đã nộp.

Về lệ lão, hương ước làng Hạ Liệt quy định:

1- Người dân đến 60 tuổi thì cứ đến ngày mồng 6 tháng giêng trình làng làm lễ vọng lão, bất cứ hạng nào cũng phải nộp một lễ lợn, xôi, trầu, rượu ra yết thần rồi kính biếu dân làng.

2- Những người làm lễ vọng lão thì dân theo cổ tục sau cấp khẩu phần công điền cũng như tráng đinh để sau chịu sưu thuế và những khoản tiền dân bổ về việc tế tự.

3- Những lão nhiêu có chức dịch đã theo lệ vọng lão rồi lại muốn mời dân làng đến tế tổ chúc thọ thì dân cũng tùy tình hậu bạc bổ tiền làm lễ mừng, lại cử các viên chức đến dự tế.

Hương ước làng Thủ Chính (Tiền Hải) quy định về lệ khao ngôi thứ:

Hạng nhất: Tốt nghiệp cao đẳng, tham biện, pháp chánh, huấn đạo, chánh phó quản cơ đồng hạng. Lệ khao hay vọng bằng tiền 20 đồng.

Hạng nhì: Tây, nam tú tài, suất đội, chánh phó tổng, trương tuần, tốt nghiệp trung học, giáo học, thư ký tòa, thừa phái. Lệ khao hay vọng bằng tiền là 15 đồng.

Hạng ba: Đội trưởng, các sắc binh, chánh phó hương hội, lý trưởng, phó lý, thư ký hộ lại, chưởng bạ, thủ quỹ. Lệ khao hay vọng bằng tiền là 10 đồng.

Hạng tư: Các binh lính, giáp biểu, trương tuần. Lệ khao hay vọng bằng tiền là 5 đồng.

Trên đây là trích dẫn lệ khao vọng và lệ lão của một số bản hương ước được soạn thảo và thực thi vào những thập niên đầu thế kỷ XX ở Thái Bình. Qua nội dung cụ thể được quy định của từng làng có thể thấy là tuy nhà nước bảo hộ chủ trương không với sâu vào tục lệ của mỗi làng nhưng lại rất quan tâm đến những nội dung quy định trong hương ước và chính quyền cấp phủ, cấp huyện phải có trách nhiệm hướng dẫn việc soạn thảo, phê duyệt hương ước để các làng thực hiện.

Nguyễn Thanh
Vũ Quý, Kiến Xương