Thứ 6, 27/12/2024, 01:24[GMT+7]

Lê Thị Định: Người được Bác Hồ khích lệ chống bạo lực gia đình

Thứ 2, 11/11/2024 | 08:11:06
14,181 lượt xem
Nhà hoạt động cách mạng lão thành Lê Thị Định (1925 - 2018), tên khai sinh là Phạm Thị Định, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, nguyên đại biểu Quốc hội khóa II, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Huy hiệu 70 năm tuổi đảng là một trong những cán bộ có nhiều thâm niên làm cán bộ các cấp hội phụ nữ Việt Nam, có nhiều cống hiến cho các hoạt động bình đẳng giới, đồng thời cũng là người từng được nhiều lần gặp Bác Hồ và được Người trực tiếp cổ súy tinh thần chống bạo lực gia đình.

Bà Lê Thị Định được chụp ảnh với Bác Hồ cùng các anh hùng và chiến sĩ thi đua tại Phủ Chủ tịch nhân dịp Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ IV (12/1966).

Bà Lê Thị Định sinh trưởng trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước và cách mạng của dòng họ Phạm ở thôn Mỹ Lộc, xã Việt Hùng, một miền quê có bề dày truyền thống văn hiến thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Bước vào tuổi trưởng thành, bà đã sớm được giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào Mặt trận Việt Minh, làm Bí thư Phụ nữ Cứu quốc xã ngay từ đầu năm 1944.

Tháng 8/1945, ở tuổi 20, bà Định đã tham gia khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng và làm Bí thư Phụ nữ Cứu quốc huyện Thư Trì. Năm 1946, được kết nạp vào Đảng, sang năm sau được bầu vào Ban Chấp hành Huyện ủy Thư Trì. Năm 1948, Tỉnh ủy Thái Bình đã điều động về tham gia Huyện ủy Thái Ninh, làm Bí thư Phụ nữ Cứu quốc huyện để triển khai kế hoạch xây dựng Thái Ninh thành khu căn cứ địa phục vụ kháng chiến. Tháng 3/1949, bà được bầu vào Ban Chấp hành Tỉnh ủy và làm Bí thư Phụ nữ tỉnh Thái Bình. Do có nhiều năng lực, sở trường về công tác phụ vận nên được Khu ủy Liên khu 3 điều động về phụ trách công tác phụ nữ Liên khu vào những năm 1950 - 1951. Năm 1952, khi tình hình cách mạng ở tỉnh Hải Dương bước vào giai đoạn cam go nhất, bà được Khu ủy cử về làm Bí thư Phụ nữ tỉnh Hải Dương. Đầu năm 1954 lại được điều động trở về làm Bí thư Phụ nữ tỉnh Thái Bình.

Trải những năm tháng kháng chiến 1950 - 1954, bà Định liên tục hoạt động ở vùng địch, đã vượt qua bao hiểm nguy trong những cuộc càn quét liên miên của địch trên địa bàn các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên. Năm 1956, bà được bổ nhiệm làm Giám đốc thuế vụ khu Tả Ngạn. Đến năm 1959, được điều chuyển về tham gia Tỉnh ủy, làm Ủy viên Ủy ban Hành chính tỉnh, sau đó làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình. Năm 1960, được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa II và được cử đi đào tạo dài hạn tại Trường Nguyễn Ái Quốc I. Năm 1963, là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được phân công là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối Tài Mậu. Từ năm 1963 đến khi nghỉ hưu vào năm 1981, ở cương vị Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, bà Lê Thị Định từng được phân công: Phụ trách khối kinh tế, Trưởng ban Tài Mậu, Trưởng ban Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Trưởng ban Vật giá, Chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế và đã đảm nhiệm nhiều trọng trách lớn khác.

Gần 20 năm ở cương vị Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, bà Định không chỉ có những cống hiến quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Thái Bình mà còn có những đóng góp để lại những dấu ấn, đáng được tôn vinh về các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Năng lực và tác phong làm việc của bà từng được truyền lưu trong tâm thức của đông đảo cán bộ và nhân dân Thái Bình và một số tỉnh thành trong nước, được khá nhiều cán bộ hoạt động cùng thời ở Trung ương và các địa phương nể trọng. Riêng về công tác phụ nữ, bà Lê Thị Định không chỉ là một cán bộ tiền bối trong phong trào phụ nữ Cứu quốc mà còn là một trong những người có nhiều cống hiến mang tính khơi nguồn dẫn mạch, xây móng đắp nền cho phong trào phụ nữ hai giỏi và bình đẳng giới ở Thái Bình nói riêng, ở Việt Nam nói chung.

Vào cuối năm 1994, Tổng Bí thư Đỗ Mười về thăm tỉnh Thái Bình. Khi vừa bước chân vào trụ sở Tỉnh ủy, Tổng Bí thư đã hỏi mọi người về tình hình bà Định, ông đã say sưa kể về những ngày gian khổ, khó khăn vào những năm 1950 - 1954, khi ông làm Phó Bí thư Liên Khu ủy, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu III, Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu III rồi làm Bí thư Khu ủy khu Tả Ngạn Sông Hồng, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính và Chính ủy Quân khu Tả Ngạn Sông Hồng, bà Lê Thị Định làm cán bộ phụ nữ của Liên khu. Theo Tổng Bí thư Đỗ Mười thì bà Định là một trong những phụ nữ có sở trường về phụ vận, tính tình cương nghị, luôn thẳng thắn bảo vệ phụ nữ nên khi thấy Hải Dương đang có nhiều khó khăn ông đã đề xuất và quyết định đưa bà về làm Bí thư Phụ nữ tỉnh này, rồi chính ông lại đề xuất và quyết định bà trở lại làm Bí thư Phụ nữ Thái Bình khi tình hình Thái Bình đang ở giai đoạn cần tăng cường công tác phụ vận.

Với tác phong giản dị, chân thành, ở cương vị công tác nào bà Định cũng là một người cán bộ gần gũi quần chúng, luôn được các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới phụ nữ mến mộ. Cho đến nay, trong ký ức của nhiều cán bộ, nhân dân thuộc lớp người cao tuổi ở Thái Bình vẫn chưa nhạt phai hình ảnh một người nữ Phó Chủ tịch UBND tỉnh giàu tài năng, miệng nói tay làm, có phong cách sống trung thực, tận tụy, luôn hòa mình với cấp dưới và những người dân lao động.

Có lẽ, bà Lê Thị Định cũng là một trong số rất ít nữ cán bộ của Thái Bình có nhiều lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và thường được Người trực tiếp quan tâm chăm sóc, chỉ bảo. Cuối năm 1966, bà làm trưởng đoàn đại biểu của tỉnh Thái Bình dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ IV, được chụp ảnh với Bác. Cho đến nay, khá nhiều nguồn thư tịch còn lưu truyền những mẩu chuyện cảm động về sự quan tâm của Bác Hồ với bà Định, trong đó có chuyện được Bác mời ngồi cùng ăn cơm tại Phủ Chủ tịch và Người đã dí dỏm hỏi về chuyện bạo hành trong gia đình và đời sống riêng tư của phụ nữ Thái Bình. Bà từng nhiều lần kể cho mọi người nghe là có lần được ngồi ăn cơm cùng mâm với Bác, khi mọi người đang râm ran báo cáo với Bác về đời sống của nhân dân Thái Bình thì đột ngột Người hỏi: “Ở Thái Bình các cô còn có tục đánh vợ không?”. Bà Định lúng túng nhìn Bác và dè dặt trả lời: “Thưa Bác! Cũng còn nhưng đã giảm rất nhiều rồi đấy ạ!”. Bác cầm luôn cái gậy mà Bác vẫn chống đi hàng ngày đưa cho bà Định và ôn tồn nói: “Bác cho cô cái gậy này, nếu gặp kẻ nào đánh vợ thì vụt luôn cho nó một trận!”.

Về cuộc sống gia đình, năm 1950, bà Lê Thị Định đã kết hôn với một cán bộ quân đội là Nguyễn Văn Sáng, khi hai người cùng hoạt động ở vùng kháng chiến. Hơn 30 năm sau đó, ông Sáng tiếp tục ở trong quân ngũ và đến năm 1982 nghỉ hưu với quân hàm Đại tá, Cục trưởng Cục Kinh tế Quân khu Ba. Đằng đẵng hơn 30 năm, chồng đang tại ngũ, bà Định vừa chăm lo phụng dưỡng cha mẹ đôi bên vừa nuôi dạy các con khôn lớn, thành đạt mà vẫn bền gan phấn đấu vượt lên. Có thể coi đó là một trong những tấm gương tiêu biểu về ý chí và nghị lực của người phụ nữ Việt Nam.

Trải gần 4 thập kỷ kể từ khi nghỉ hưu đến khi qua đời, bà Lê Thị Định luôn được suy tôn là một trong những bậc đại thụ đáng ngưỡng mộ của Đảng bộ Thái Bình. Ở mọi thời kỳ, thời điểm, mọi hoàn cảnh khác nhau, bà vẫn luôn đau đáu trao truyền những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm công tác, đặc biệt là công tác phụ nữ, nêu tấm gương sống trong sáng cho các lớp cán bộ kế cận và hậu duệ của mình.

Hẳn là tấm gương sống và hoạt động rất đáng được coi là di sản về bình đẳng giới của bà Lê Thị Định để lại sẽ góp phần hữu ích vào tiến trình thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam trong thời kỳ mới.

Thanh Nguyên
Vũ Quý, Kiến Xương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày