Thứ 6, 27/12/2024, 09:27[GMT+7]

Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám

Thứ 4, 20/11/2024 | 16:17:54
8,636 lượt xem
Sáng ngày 20/11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của kỳ họp thứ tám, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng và xem xét, thông qua các dự án luật, dự thảo nghị quyết đã được trình Quốc hội trong đợt 1 của kỳ họp. Theo chương trình, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận.

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, hôm nay ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội dành trọn phiên họp buổi sáng để thảo luận về dự án Luật Nhà giáo. Đây là sự trân trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các thế hệ nhà giáo và ngành giáo dục - những người đã và sẽ đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người vẻ vang và cao quý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các đại biểu Quốc hội đã và đang làm việc trong ngành giáo dục cùng gần 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền của Tổ quốc.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự án Luật Nhà giáo lần đầu được xây dựng là dự án Luật điều chỉnh về đối tượng liên quan đến nhiều luật chuyên ngành. Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật khá rộng, liên quan đến số đông viên chức là nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập chiếm tới 2/3 tổng biên chế sự nghiệp của cả nước và đội ngũ ngày càng đông đảo các nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Góp ý cụ thể vào Điều 6 quy định chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo quy định: Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; bảo đảm số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ nhà giáo, đặc biệt nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo đang công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng trong dự thảo Luật Nhà giáo chưa thể hiện rõ chính sách này, vì vậy đại biểu đề nghị cần thể hiện rõ hơn các chính sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Về bảo đảm số lượng đội ngũ nhà giáo, đại biểu cho biết, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm học 2022 - 2023 cả nước vẫn còn thiếu hơn 100.000 giáo viên đối với cấp học phổ thông và theo dự báo dân số của Tổng cục Thống kê đến năm 2045 và tính định mức học sinh trên lớp và giáo viên trên lớp dự báo đến năm 2030 thì cả nước cần bổ sung hơn 358.000 giáo viên nữa. Rõ ràng ở đây đối với Luật Nhà giáo rất cần có những chính sách để bảo đảm về số lượng, nhưng trong luật này cũng chưa thể hiện được. Do vậy, đại biểu cho rằng Luật Nhà giáo cần có những chính sách để bảo đảm về số lượng nhà giáo. Về chất lượng đội ngũ nhà giáo, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần có thể hiện rõ hơn các chính sách để bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng của nhà giáo.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. 

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về: Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày