Thứ 5, 28/03/2024, 21:53[GMT+7]

Đánh thức tiềm năng, thế mạnh hàng hóa của Thái Bình

Thứ 3, 20/09/2022 | 08:30:39
4,653 lượt xem
Sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp của Thái Bình rất dồi dào, đặc sắc và có giá trị kinh tế cao. Sự vào cuộc đồng hành từ các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh, các địa phương trong cả nước và cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động kết nối cung cầu sẽ đánh thức những tiềm năng, thế mạnh hàng hóa đó thành cơ hội giúp người dân, doanh nghiệp phát triển.

Ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương

Với cơ chế xã hội hóa nguồn lực đầu tư, hạ tầng thương mại của tỉnh đã cơ bản đồng bộ, hoàn thiện và đang được tiếp tục quy hoạch đầu tư nâng cấp hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển. Thời gian qua, Sở Công Thương triển khai rất nhiều hoạt động khuyến thương, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu giúp người dân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Mới đây, chúng tôi đã trực tiếp làm việc sơ bộ với 9 tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ trao đổi về kết nối cung cầu đưa hàng hóa của tỉnh vào chuỗi các hệ thống bán lẻ trên cả nước như MM Mega Market, Central Retail, Wincommerce, Vinshop One mout, Aeon, Bách hóa xanh, Lotte. Song song với kết nối cung cầu, Sở Công Thương đã và đang tích cực nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh triển khai một số chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tạo ra nhiều hàng hóa đáp ứng những đơn hàng lớn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.



Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

Cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình rất phấn khởi vì thời gian qua tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Chúng tôi cho rằng hoạt động kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh được tổ chức với quy mô lớn vào thời điểm này có ý nghĩa và hiệu ứng tác động tích cực đối với các doanh nghiệp. Tìm được đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ chính là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp, nhất là tạo ra động lực giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bứt phá phát triển, hội nhập thành công trong thời gian tới.



Ông Nguyễn Trần Quang, Trưởng phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Hà Nội

Với dân số 10 triệu người nhưng Hà Nội mới tự cung đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng nên đây là thị trường lớn, cơ hội cho doanh nghiệp ở các địa phương khác thâm nhập. Tôi thấy sản phẩm của Thái Bình rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, chất lượng tốt song chưa có mặt nhiều ở Hà Nội. Để khai thác được thị trường Thủ đô, tôi nghĩ các doanh nghiệp của tỉnh cần xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ thông tin để quảng bá hàng hóa và doanh nghiệp của mình. Bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất số lượng đủ lớn, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng về nhãn mác ghi đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với Sở Công Thương Thái Bình để kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội để đẩy mạnh cung cầu giữa hai địa phương trong thời gian tới.


Bà Tạ Minh Hợp, Giám đốc thu mua hệ thống bán lẻ Winmart của Wincommerce

Chúng tôi có 128 siêu thị và 2.900 cửa hàng tiện ích ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện nay, trong hệ thống Winmart, 90% sản phẩm là hàng sản xuất tại Việt Nam, riêng hàng nông sản, thủy hải sản chiếm 30% tổng sản lượng hàng hóa. Chúng tôi nghĩ Thái Bình có nhiều lợi thế sản xuất về thủy sản, lúa gạo và rau màu, thịt gia súc, gia cầm. Những mặt hàng đó đáp ứng tới 90% nhu cầu chủng loại hàng hóa của Wincommerce. Chúng tôi cần sản phẩm có chất lượng cao, sản lượng đủ lớn. Bước đầu tìm hiểu hàng hóa của các doanh nghiệp Thái Bình thấy được đầu tư chuyên nghiệp, hấp dẫn về hình thức mẫu mã, Wincommerce rất cảm tình và sẵn sàng đưa vào hệ thống bán lẻ nếu đáp ứng các tiêu chuẩn.


Hà Thanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày