Thứ 3, 28/01/2025, 09:14[GMT+7]

Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh: 20 năm đồng hành đưa công nghiệp Thái Bình phát triển

Thứ 3, 09/01/2024 | 20:58:27
20,699 lượt xem
Với chức năng quản lý nhà nước các lĩnh vực: quy hoạch, xây dựng, đầu tư, môi trường, lao động, đất đai, tổ chức dịch vụ hành chính công, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong Khu kinh tế (KKT) và các khu công nghiệp (KCN), 20 năm qua, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh đã đồng hành, góp phần quan trọng đưa công nghiệp Thái Bình vươn mình phát triển.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Kỹ thương Thiên Hoàng (khu công nghiệp Tiền Hải).

Đặt nền móng cho công nghiệp phát triển

Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh tiền thân là Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh được thành lập ngày 29/1/2004. Những ngày đầu, mặc dù đơn vị chỉ có 13 cán bộ, nhân viên với cơ cấu tổ chức gồm văn phòng, 2 phòng chuyên môn và Công ty Phát triển hạ tầng các KCN nhưng Ban đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý và thúc đẩy hoạt động của các KCN trên địa bàn tỉnh.

Từ khi thành lập đến năm 2017, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh triển khai đề án lập, điều chỉnh, bổ sung mạng lưới quy hoạch các KCN trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và được chấp thuận 6 KCN với diện tích quy hoạch 1.228,2ha. Để đưa các KCN vào hoạt động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ban tập trung nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh nhiều giải pháp chỉ đạo tập trung nguồn lực đầu tư, đồng thời có chính sách xã hội hóa nguồn lực đầu tư thông qua thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng các KCN. Một số KCN như Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Sông Trà, Tiền Hải, Cầu Nghìn ra đời trở thành trung tâm công nghiệp lớn, tập trung của tỉnh, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hợp tác cùng phát triển.

Ông Phan Đình Dực, Phó Trưởng ban, phụ trách Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh chia sẻ: Nhờ có mặt bằng sạch, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bài bản, kịp thời và tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư nên các KCN như “thỏi nam châm” hút nhiều doanh nghiệp đưa dự án vào hoạt động. Đến hết năm 2017, có 171 dự án đầu tư vào các KCN, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 27.281 tỷ đồng trong đó có 43 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 439,5 triệu USD. Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong các KCN góp phần đưa Thái Bình từ một tỉnh thuần nông từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Nếu như năm 2003, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong KCN chỉ đạt 70,2 tỷ đồng, chiếm 3,02% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, nộp ngân sách 4,5 tỷ đồng, chiếm 6,22% thu ngân sách toàn tỉnh thì đến năm 2017 giá trị sản xuất đạt 18.871 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, giá trị xuất khẩu đạt 805 triệu USD, chiếm 57% giá trị xuất khẩu, nộp ngân sách hơn 700 tỷ đồng. Ngoài giá trị kinh tế, các KCN đã mang lại việc làm cho khoảng 59.500 lao động địa phương với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng, thực sự cải thiện đời sống nhân dân và giải quyết tốt chính sách an sinh xã hội.

Được sự hỗ trợ tích cực của Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, dự án gia công kết cấu thép công nghệ cao Tiến Thịnh sớm đi vào hoạt động.

Đưa Thái Bình trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn

Từ năm 2017 đến nay, Thái Bình nổi lên là địa bàn hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là giai đoạn Khu kinh tế Thái Bình và nhiều KCN được thành lập, tạo ra quỹ đất đủ lớn phục vụ phát triển ngành công nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 10 KCN được thành lập với tổng diện tích 2.560ha, tăng 2,1 lần so với giai đoạn từ năm 2017 trở về trước. Đáng chú ý, KCN Liên Hà Thái trong KKT Thái Bình đã trở thành đầu tàu, hình mẫu về đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hiệu quả trong thu hút đầu tư với hàng chục dự án lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới. 

Ông Lê Đình Đáp, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park - nhà đầu tư hạ tầng KCN Liên Hà Thái cho biết: Bên cạnh năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư hạ tầng KCN, chúng tôi đánh giá rất cao Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông KKT với hệ thống trục giao thông huyết mạch như tuyến đường bộ ven biển, quốc lộ 37, các tuyến đường trục trong KKT, đường 221A, cao tốc CT.08... Đây là yếu tố quan trọng giúp tỉnh thu hút được nhiều nhà đầu tư hạ tầng KCN có thương hiệu lớn cũng như các dự án thứ cấp có quy mô đầu tư trăm triệu đến hàng tỷ USD.

Không chỉ có sự đột phá về hạ tầng kỹ thuật KKT, các KCN, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh còn chủ động tham mưu tỉnh xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư đủ sức hấp dẫn. Đồng thời, tích cực tham gia xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước; thực hiện đổi mới, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản, rút gọn, giảm tối đa thời gian giải quyết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tất cả những yếu tố đó gây dựng được niềm tin, sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư đến với Thái Bình. Trong 5 năm 2018 - 2023, tổng vốn đầu tư các dự án đăng ký cấp mới vào các KCN trên địa bàn tỉnh đạt 114.738 tỷ đồng, riêng vốn FDI đạt 3,8 tỷ USD, đưa Thái Bình vào nhóm các tỉnh, thành phố thu hút vốn đầu tư nước ngoài hàng đầu cả nước, riêng năm 2023 xếp thứ 5 cả nước về thu hút vốn FDI. Lũy kế đến hết năm 2023 có 333 dự án đầu tư vào các KCN (tăng gấp 13 lần so với năm 2003) với số vốn đầu tư đăng ký đạt 187.631 tỷ đồng (tăng 388 lần so với năm 2003); trong đó có 83 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 4,3 tỷ USD.

Phó Trưởng ban, phụ trách Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Phan Đình Dực khẳng định: Ngoài tăng về số lượng dự án, tổng vốn đầu tư, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp cũng có bước nhảy vọt. Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn các KCN ước đạt 54.737 tỷ đồng, chiếm trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tăng 781 lần so với năm 2003 và tăng 2,9 lần so với năm 2017; giá trị xuất khẩu ước đạt 1.364 triệu USD, chiếm trên 60% giá trị xuất khẩu của tỉnh, tăng 1,7 lần so với năm 2017 (năm 2003 các doanh nghiệp gần như chưa có hoạt động xuất khẩu); thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước ước đạt 1.721 tỷ đồng, tăng 382,4 lần so với năm 2003 và tăng 2,45 lần so với năm 2017. Đến hết năm 2023, các dự án trong KKT và các KCN đã giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho 76.620 lao động, góp phần quan trọng nâng cao mức sống của người dân và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Khắc Duẩn 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày